01/01/2024 - 08:09

Tiến sĩ Ðỗ Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ:

Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố 

Là trường đại học công lập duy nhất trực thuộc UBND TP Cần Thơ, hơn 10 năm qua, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (CTUT) đã từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP Cần Thơ và ÐBSCL. Tiến sĩ Ðỗ Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội đồng trường CTUT, cho biết:

Được thành lập tháng 1-2013, trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Ðại học Tại chức Cần Thơ (hình thành từ năm 1981), CTUT thực hiện sứ mạng “Ðào tạo nguồn nhân lực có đạo đức tốt, có chuyên môn cao, có khả năng tiếp cận nghiên cứu khoa học (NCKH), ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quản lý, kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển của TP Cần Thơ, vùng ÐBSCL và cả nước”. Hơn 10 năm qua, trường có đội ngũ 236 viên chức, giảng viên; đào tạo 22 ngành quản lý, kỹ thuật, công nghệ, với quy mô gần 6.000 sinh viên chính quy. Nhà trường đã đào tạo, cung cấp hơn 2.500 kỹ sư, cử nhân, góp phần bổ sung đáng kể nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển thành phố và toàn vùng.

Xin cô cho biết thêm những nét nổi bật của CTUT trong phát triển các ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội?

- Thời gian qua, CTUT đã tập trung đẩy mạnh hoạt động KHCN để phát triển các ngành đào tạo đáp ứng xu thế phát triển xã hội với những lĩnh vực có nhu cầu lớn của thành phố và ÐBSCL, cũng là thế mạnh của trường.

Các lĩnh vực đang đào tạo của trường được đánh giá là lĩnh vực đang có nhu cầu nguồn nhân lực cao, cần tập trung phát triển như Máy tính và công nghệ thông tin (CNTT); Cơ điện tử, điều khiển - tự động hóa; Sinh hóa - thực phẩm; Quản lý, kỹ thuật hệ thống công nghiệp; Năng lượng, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Chẳng hạn, lĩnh vực Máy tính và CNTT, đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã dự báo mỗi năm cần đào tạo khoảng 100.000 kỹ sư CNTT có trình độ cao; song cả nước có khoảng 50.000-60.000 sinh viên lĩnh vực CNTT tốt nghiệp. Việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại các trường đại học chủ yếu tập trung vào những ngành học như Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật truyền thông đa phương tiện...; vì vậy dẫn đến tình trạng thiếu về số lượng, yếu về chất lượng trong một số chuyên ngành, nhất là nhân lực trong lĩnh vực phân tích dữ liệu (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), an toàn thông tin, lập trình, blockchain… Thời gian qua, CTUT đã mở 5 ngành đào tạo thuộc lĩnh vực máy tính và CNTT cung cấp bình quân khoảng 350 sinh viên tốt nghiệp ra trường hằng năm, trong đó ngành Khoa học máy tính và Khoa học dữ liệu là những ngành mũi nhọn, được đánh giá có nhu cầu nhân lực cao, giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế quốc gia trong tương lai.

Hay như lĩnh vực Quản lý, kỹ thuật hệ thống công nghiệp; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng thì công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực này là một trong những giải pháp căn bản để giảm chi phí sản xuất, lưu kho, đóng gói, vận chuyển... Tuy nhiên đây đang là vấn đề nan giải nhất vì vừa thiếu, vừa chưa được đào tạo nguồn nhân lực bài bản. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics, trung bình mỗi doanh nghiệp có khoảng 20 nhân viên nhưng hiện nay chỉ có khoảng 200.000 nhân viên chuyên nghiệp trong tổng số gần 1 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực này. Từ năm 2013 đến nay CTUT đã đào tạo, cung cấp hơn 300 kỹ sư kỹ thuật hệ thống công nghiệp. Từ năm 2019, trường đã tiên phong và là trường đại học đầu tiên ở ÐBSCL đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài chương trình đào tạo chính quy với khóa đầu tiên (khoảng 60 sinh viên), trường đã phối hợp với doanh nghiệp logistics, cụ thể là Tân cảng Sài Gòn tổ chức thực hành thực tập, giúp người học tiếp cận và áp dụng ngay kiến thức thực tế cũng như tổ chức đào tạo các lớp ngắn hạn, đào tạo chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu hiện nay ở lĩnh vực này, hướng đến cung cấp nguồn nhân lực góp phần xây dựng TP Cần Thơ trở thành trung tâm logistics hạng 2 của vùng. 

Tiến sĩ Ðỗ Thị Tuyết Nhung (trái) và đại diện Công ty TNHH MTV Ðầu tư Thương mại và Xây dựng Hải Phong ký kết hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Ảnh: B.NG

► Những điều cô tâm đắc nhất về CTUT trong thời gian qua là gì, thưa cô?

- Hơn 10 năm hình thành và phát triển, tập thể viên chức giảng viên CTUT luôn đoàn kết, đồng lòng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ NCKH, đào tạo nguồn nhân lực và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Nổi bật, trường được công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn chất lượng, có 6 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng; nằm trong tốp 100 trường đại học Việt Nam năm 2023 do nhóm thực hiện VNUR (Viet Nam’s University Rankings)...

Ðặc biệt năm 2023, CTUT đã đạt nhiều thành tựu trong thúc đẩy đào tạo, hoạt động KHCN: Có 2 dự án đạt giải Nhì và 2 dự án đạt giải Khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố, trong đó có 2 dự án được chọn tham dự Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc; 4 dự án được chọn vào vòng chung kết Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng khu vực ÐBSCL, kết quả có 1 dự án đạt giải Nhất và 1 dự án đạt giải Ý tưởng được yêu thích nhất; 1 đề tài NCKH cấp thành phố có sản phẩm được bình chọn top 10 sản phẩm KHCN - đổi mới sáng tạo yêu thích nhất của TP Cần Thơ. Tập thể trường và nhiều đơn vị, cá nhân được nhận bằng khen của UBND TP Cần Thơ về những đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Trường phát triển với những mục tiêu gì trong năm mới, thưa cô?

Với triết lý giáo dục “Ðức trí, Kỹ năng, Sáng tạo, Hội nhập” và giá trị cốt lõi “Chất lượng, Sáng tạo, Năng động, Phát triển” đặt ra trong mục tiêu giáo dục và đào tạo, CTUT phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường đại học theo định hướng ứng dụng liên ngành phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ðể đạt được mục tiêu này, lãnh đạo nhà trường nâng cao vai trò lãnh đạo, điều hành, quản lý, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, truyền cảm hứng và lòng yêu nghề, yêu trường cho cho tập thể cán bộ viên chức, người lao động. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế gắn với đào tạo liên ngành khối kỹ thuật công nghệ, chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ vào thực tiễn, xây dựng uy tín, thương hiệu của trường;…

► Xin cảm ơn cô!l

BÍCH NGỌC (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết