11/11/2020 - 08:11

Thúc đẩy canh tác hữu cơ đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới 

Với thị trường rộng lớn từ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Nắm bắt cơ hội, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã định hướng, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này. Theo các chuyên gia, để canh tác hữu cơ phát triển và mang lại hiệu quả cao nhất, TP Cần Thơ cần xác định rõ tiềm năng, dự báo được xu thế phát triển và nhu cầu thị trường; xác định vùng sản xuất chính, có lợi thế và sản phẩm chủ lực để đầu ra của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được thuận lợi.

Rau sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ bán tại Cửa hàng Thực phẩm tiện lợi Satrafoods, đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều.

Cơ hội đan xen thách thức

Theo Liên Hiệp Quốc, dự báo dân số thế giới sẽ tăng 9,2 tỉ người vào năm 2050, nhu cầu lương thực sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại. Không chỉ vậy, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, chất lượng và an toàn ngày càng cao. Theo PGS.TS Lê Văn Vàng, Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ, xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ngày càng phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Thực tế cho thấy, nông nghiệp hữu cơ mặc dù cho năng suất thấp hơn khoảng 20% nhưng đem lại lợi nhuận cao hơn đến 47% so với canh tác thông thường. Ðiều này cho thấy, nông nghiệp hữu cơ có sức hấp dẫn lớn đối với những người làm kinh doanh nông nghiệp. ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng có lợi thế về phát triển nông nghiệp nên việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ để đa dạng hóa sản phẩm nông sản, tăng lợi nhuận cho nông dân là hướng đi phù hợp, thiết thực.

Nhận thấy tiềm năng từ nông nghiệp hữu cơ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã nhanh chóng nhập cuộc vào lĩnh vực này. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: “Hiện diện tích trồng lúa hữu cơ của công ty khoảng 700ha và được tổ chức quốc tế ECOCERT giám sát và cấp giấy chứng nhận. Sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ của công ty khá đa dạng, thơm, ngon, giàu dinh dưỡng, hợp khẩu vị với đa số người tiêu dùng kể cả trong nước và quốc tế nên được đánh giá cao. Gạo hữu cơ của Trung An đã xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu và một số thị trường khó tính khác từ nhiều năm nay. Ở trong nước, sản phẩm Gạo sạch VinEco và Gạo sạch Trung An đã vào được hệ thống Siêu thị Vinmart và hệ thống cửa hàng Gạo Trung An phân phối trên khắp cả nước”.

Mặc dù có nhiều cơ hội đang mở ra, song theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang đối mặt nhiều thách thức: tập quán canh tác thâm canh sử dụng nhiều phân thuốc, giá bán bấp bênh, biến đổi khí hậu… Mặt khác, yêu cầu về chất lượng đất canh tác và nước tưới (không bị ô nhiễm bởi hóa chất tổng hợp từ công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt dân sinh) cũng là một trong những trở ngại làm giới hạn việc mở rộng diện tích canh tác hữu cơ.

Cần giải pháp thiết thực, đồng bộ

Ðể khắc phục những trở ngại và thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, PGS.TS Lê Văn Vàng cho rằng, với điều kiện của TP Cần Thơ hiện nay, chúng ta có thể đẩy mạnh canh tác hữu cơ trong khu vực đô thị để có thể chủ động kiểm soát được đất trồng (giá thể) và nguồn nước tưới. Ðồng thời, chúng ta canh tác trong vùng không gian cô lập (trong nhà - indoor farming) nên dễ dàng áp dụng các biện pháp bảo vệ sinh học. Song song đó, cần ứng dụng công nghệ cao tạo môi trường tối ưu cho canh tác, giảm áp lực sâu bệnh từ đó giảm việc sử dụng phân thuốc mà vẫn đảm bảo sự phát triển của cây trồng.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhấn mạnh: Nguyên tắc chung của sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải đảm bảo “3 sạch”: đầu vào sạch (đất, nước, không khí, các loại con/cây giống phải thuần không được sử dụng giống biến đổi gen); các chất sử dụng trong sản xuất phải hoàn toàn hữu cơ và được cho phép (phân bón và thuốc trừ sâu phải là chế phẩm sinh học hữu cơ); sản phẩm đầu ra phải đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng, các loại hóa chất độc hại đều bị cấm trong canh tác hữu cơ. Theo TS Võ Mai, xét về nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện đại, có chứng nhận, Việt Nam đi sau rất nhiều quốc gia. Do vậy, chúng ta rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế việc trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và kiểm soát chất lượng.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ thời gian tới không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn cần hoàn thiện về mặt chính sách. Ông Trần Thái Nghiêm nhấn mạnh: Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp để họ mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, các địa phương xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, từng sản phẩm để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất, từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản hữu cơ. Ðồng thời, chú trọng đào tạo, tập huấn cho cán bộ phụ trách nông nghiệp, khuyến nông, nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm từng bước thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với tình hình mới.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết