06/01/2013 - 16:47

Triển khai thu phí bảo trì đường bộ tại TP Cần Thơ

Thuận lợi, nhưng băn khoăn về chất lượng đường sá

Người dân đóng phí bảo trì đường bộ tại Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện thiết bị giao thông thủy bộ TP Cần Thơ.

TP Cần Thơ đã chính thức áp dụng thu phí bảo trì đường bộ theo Thông tư 197/2012/TT-BTC ngày 16-11-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện kể từ ngày 1-1-2013. Những ngày đầu thực hiện việc thu phí số lượng chủ phương tiện đến đóng phí tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Tính đến ngày 5-1, tại TP Cần Thơ có 252 chủ phương tiện xe ô tô đến kê khai và đóng phí, tổng số tiền thu hơn 560 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này…

Theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ 1-1-2013 các phương tiện giao thông đường bộ trên phải đóng phí bảo trì đường bộ. Theo đó, mức phí phải đóng thấp nhất đối với ô tô là 130.000 đồng/tháng, cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng. Đối với xe máy, thấp nhất 50.000 đồng/năm và cao nhất 150.000 đồng/năm. Bộ Tài chính cho phép các cơ quan thu phí đường bộ của ô tô được trích lại 1% số tiền và cơ quan thu phí của xe máy được để lại không quá 10%. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), mỗi năm số tiền thu phí từ đầu ô tô trong cả nước hơn 6.800 tỉ đồng; tiền thu được từ 50% số mô tô, xe máy đã đăng ký khoảng 2.400 tỉ đồng. Việc thu phí này nhằm góp phần bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của mỗi cấp đường, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân trong cả nước.

Thực hiện Nghị định 18 và Thông tư số 197 của Bộ Tài chính, UBND TP Cần Thơ đã có Công văn số 6217/UBND-KT ngày 18-12-2012 chỉ đạo các sở, ngành hữu quan tập trung triển khai công tác thu phí bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố. Theo đó, giao Sở Tài Chính TP Cần Thơ chủ trì phối hợp với các Công an thành phố, Sở GTVT thành phố, Cục Thuế thành phố, các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện… triển khai thực hiện nội dung Thông tư nêu trên. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố xây dựng phương án tổ chức thu, quản lý, sử dụng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô áp dụng trên địa bàn; hướng dẫn cụ thể về mức thu phí, phương thức thu phí, tỷ lệ phần trăm để lại cho đơn vị thu phí. Quản lý, sử dụng tiền phí thu được để trình HĐND thành phố xem xét, quyết định. Đến nay, công tác này đang được Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng phương án trên. Riêng đối với xe ô tô, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện thiết bị giao thông thủy bộ TP Cần Thơ (Sở GTVT TP Cần Thơ) đã chính thức thu phí bảo trì đường bộ theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam từ ngày 1-1-2013.

Ông Tống Hoàng Kha, Giám đốc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện thiết bị giao thông thủy bộ TP Cần Thơ, cho biết: "Trung tâm phụ trách thu phí đối với xe ô tô. Để thực hiện việc thu phí trung tâm đã có chuẩn bị các yếu tố con người, phương tiện máy móc, tập huấn cho nhân viên về cách thức triển khai thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Nhìn chung công tác thu phí đến nay thuận lợi không có sự cố gì xảy ra trong quá trình thu phí"…

Trong những ngày đầu tiên áp dụng thu loại phí này, chủ phương tiện đến kê khai, đăng kiểm theo định kỳ và đóng phí khá đông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhiều chủ phương tiện đóng phí bày tỏ chưa hài lòng về sự công bằng giữa các chủ phương tiện trong thụ hưởng hiệu quả của phí đã đóng. Không ít chủ phương tiện bức xúc cho rằng, hàng triệu phương tiện hằng ngày tham gia giao thông trên các tuyến đường nông thôn, vùng sâu, vùng xa… với những con đường lầy lội vào mùa mưa, nắng thì mù mịt bụi. Như vậy, khi thu phí bảo trì đường bộ thì những con đường này có được bảo trì đúng yêu cầu. Hay có những hộ gia đình có phương tiện, nhưng không lưu thông thường xuyên mà vẫn phải đóng phí đều đều như các phương tiện khác hằng ngày lưu thông trên nhiều tuyến đường…

Anh Tất Hữu Dũng, chủ xe ô tô ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, chia sẻ: "Xe ô tô của tôi một tháng chỉ lăn bánh 1-2 lần. Những lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, thậm chí cả tháng còn không sử dụng nhưng áp dụng việc thu phí theo đầu phương tiện dù tôi không đi cũng phải đóng phí. Tôi cho rằng như vậy là chưa công bằng, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay thu phí như thế càng khổ cho dân nhưng chủ trương của Nhà nước thì dân phải thực hiện". Anh Nguyễn Văn Đoạt, chủ phương tiện xe ô tô tải ở phường An Bình, quận Ninh Kiều cũng than thở: "Gia đình tôi làm bún bỏ mối cho các chợ trên địa bàn thành phố, nên mua xe ô tô tải nhỏ để chở hàng, buôn bán. Trong thời điểm khó khăn hiện nay không lời được bao nhiêu, mua xe đã phải đóng nhiều loại thuế, phí, giờ đóng thêm loại phí bảo trì đường bộ trên 2 triệu đồng/năm người dân ai cũng ngán".

Lý giải về những thắc mắc của người dân trong việc đóng phí nhưng vẫn phải đi trên nhiều tuyến đường lầy lội, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện thiết bị giao thông thủy bộ TP Cần Thơ cho rằng, hiện số phí sử dụng đường bộ thu được thấp, mới chỉ giảm bớt một phần gánh nặng của ngân sách Trung ương cấp cho bảo trì hệ thống quốc lộ, không đáp ứng được nhu cầu về vốn cho bảo trì đường bộ… Không thể vừa thu phí xong thì các tuyến đường đều được bảo trì sửa chữa ngay, bởi Nhà nước thực hiện trên toàn hệ thống. Mặt khác, phí đóng bảo trì rất thấp, nên phải dựa vào ngân sách nhà nước thực hiện bảo trì duy tu đường bộ... và có thể sau thời gian thu phí từ 3-5 năm mới cải thiện một phần nào về những yếu kém hạ tầng đường bộ…

Bài, ảnh: THU HOÀI

Chia sẻ bài viết