10/12/2019 - 10:27

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân 

(CTO)- Sáng 10-12, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Có khoảng 300 nông dân đại diện cho nông dân cả nước dự hội nghị.

 

Thủ tướng khuyến khích nông dân sử dụng smartphone tra cứu thông tin thị trường nông sản.

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP Cần Thơ chủ trì Hội nghị; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức hội nghị. Đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân sau thành công của lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương (tháng 4/2018).

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, các Ban Đảng, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đang đồng hành cùng nhà nông, các cơ quan thông tấn, báo chí; đặc biệt trong đó có 300 nông dân đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân cả nước.

Theo Ban Tổ chức, trước thềm hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua các kênh tiếp nhận: Gửi trực tiếp qua Báo NTNN/điện tử Dân Việt, qua Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, qua các chuyên gia, nhà khoa học về nông dân, nông nghiệp, nông thôn…

Các câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Nhóm câu hỏi về đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu và vốn; Nhóm câu hỏi về nông thôn mới và các vấn đề xã hội ở nông thôn…

Năm 2019 cũng được coi là năm rất khó khăn của ngành nông nghiệp do tác động bởi thiên tai, tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; đặc biệt là biến động về thị trường toàn cầu do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng nông sản Cần Thơ bên lề hội nghị.

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh gần 300 nông dân tham dự hội nghị đối thoại với Thủ tướng. "Có rất nhiều câu hỏi đặt ra trước hội nghị, để cuộc đối thoại này sâu sắc, cởi mở và thiết thực, bà con cần tập trung vào vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến sản xuất của mình. Lưu ý vấn đề quan trọng là sản xuất sản phẩm giá đã cao, cạnh tranh không được trong khi hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có sản phẩm tốt, giá thành hạ. Do đó, nhà nước phải làm gì, nông dân phải làm gì là lý do của buổi đối thoại hôm nay"- Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng khẳng định: Hôm nay, tất cả các cơ quan liên quan trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân đều có mặt ở đối thoại này. Buổi đối thoại này sẽ tập trung giải quyết những vấn đề của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Nếu các bộ: nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; công thương… không phối hợp để giảm các chi phí sản xuất, chi phí logistics, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất thì làm sao để vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, người nông dân phải đổi mới thì mới có thành công. Người nông dân đã đổi mới, hợp tác xã đã liên kết lại cùng kinh doanh. Nông dân phải tự tái cơ cấu trên từng hộ gia đình; không thể làm 3 vụ lúa/năm vì gây ra ô nhiễm môi trường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tác động này sẽ nặng nề. Do vậy, người nông dân phải tự tái cơ cấu sản xuất của mình, chủ động trong sản xuất, bởi đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, tình hình thị trường thế giới đang thay đổi nhanh chóng. 

Ước tính năm 2019 cả nước thu hoạch được 43,6 triệu tấn lúa; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 7,6 triệu tấn… Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện diện ngày một nhiều trên thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.

Tính đến cuối năm 2018, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 9,19%, chiếm tỷ trọng 24,59% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng từ 44%-60% trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình, cao hơn so với chỉ tiêu được giao. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có gần 120 nghìn doanh nghiệp và một số khách hàng khác được giải ngân cho vay mới với doanh số giải ngân gần 520 nghìn tỷ đồng… 

 

Nhóm Phóng viên

Báo Cần Thơ điện tử sẽ tiếp tục cập nhật thông tin 3 phiên đối thoại trên website: baocantho.com.vn.

Chia sẻ bài viết