01/07/2012 - 08:13

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 801/QĐ-TTg, ngày 27-6-2012. Theo đó, tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (Cần Thơ-An Giang-Kiên Giang- Cà Mau) này được xác định là một trong những đầu mối giao thương trong vùng và các nước ASEAN. Mục tiêu tổng quát xây dựng An Giang đến năm 2020 đạt tốc độ kinh tế - xã hội mức khá trong Vùng, tăng trưởng kinh tế bình quân 12,5%/năm. Phấn đấu GDP bình quân đầu người của tỉnh năm 2015 đạt 2.200 USD, tăng lên 3.540 USD vào năm 2020.

Các mục tiêu cụ thể của Quy hoạch được xác định là: Về phát triển kinh tế, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 1,2 tỉ USD và 1,8 - 2 tỉ USD vào năm 2020. Đến năm 2015, cơ cấu ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là 25,24% - 17,56% - 57,2%; năm 2020 là 19,7% - 21% - 59,3%. Về phát triển xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm; đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông toàn tỉnh vào năm 2015 và 746/765 trường (tương đương 97,6%) đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 50% và 65% vào năm 2020; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 63,4% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020. Về bảo vệ môi trường, đảm bảo kiểm soát ô nhiễm trên khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và khu vực đô thị gồm thành phố Long Xuyên, Chợ Mới và Tân Châu. Nâng độ che phủ của rừng và cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đạt 30% vào năm 2020.

Thủ tướng cũng đã phê duyệt danh mục 6 chương trình đầu tư phát triển mang tính đột phá trong các lĩnh vực: tam nông, kết cấu hạ tầng KT-XH, nguồn nhân lực, CCHC, bảo vệ TNMT và xúc tiến đầu tư, thương mại; xác định 7 dự án của các bộ, ngành Trung ương, 18 dự án của tỉnh và 24 dự án kêu gọi các thành phần kinh tế khác thuộc lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu đầu tư giai đoạn đến 2020. Qua đó, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường liên kết phát triển nhất là với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

HỮU HIỆP

Chia sẻ bài viết