06/10/2010 - 20:24

Thủ tục đo đạc đất đai chưa có sự thống nhất,
DÂN VẪN BỊ "HÀNH"

Cán bộ một cửa quận Ninh Kiều kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ đất đai của người dân.

Thời gian qua, tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố thủ tục đo đạc để ra được biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất và hồ sơ trích đo địa chính chưa được thực hiện thống nhất, mỗi nơi mỗi khác. Riêng tại quận Ninh Kiều thì thủ tục này là cả một quá trình nhiêu khê, người dân phải mất thời gian đi tới lui nhiều lần.

MỘT CỬA HAY HAI CỬA?

Ngày 11-8-2010, ông L. đến Bộ phận một cửa quận Ninh Kiều nộp hồ sơ xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại đây, ông L. được cán bộ một cửa hướng dẫn mua phiếu đề nghị đo đạc điền đầy đủ thông tin để bổ sung vào hồ sơ. Sau khi xem xét lại toàn bộ hồ sơ, cán bộ một cửa viết phiếu nhận hồ sơ và để ngày hẹn đo đạc sau đó là 1 ngày. Nhưng ông L. ngạc nhiên khi cán bộ một cửa hướng dẫn ông theo ngày hẹn trong giấy đến Phòng Tài nguyên và Môi trường quận (TN&MT) liên hệ với tổ đo đạc xem ai sẽ đi đo đất cho ông để hẹn thời gian đo đạc với người ấy. Ông L. nói: “Tôi nghĩ đã nộp hồ sơ ở bộ phận một cửa thì cứ đến hẹn mình đến bộ phận một cửa nhận kết quả, đâu có biết mình phải tự liên hệ với tổ đo đạc!”.

Ngày 12-8, ông L. đến Phòng TN&MT quận Ninh Kiều để liên hệ với cán bộ đo đạc, thì được cho biết tên và số điện thoại cán bộ đo đạc để liên hệ. Qua ngày 13-8, có 2 cán bộ đo đạc đến đo miếng đất cho ông, rồi hẹn thứ ba (ngày 17-8) đến Bộ phận một cửa nhận kết quả. Đúng hẹn, ông L. đến Bộ phận một cửa nhận kết quả thì cán bộ một cửa cho biết hồ sơ của ông chưa có và chỉ ông đến Phòng TN&MT quận hỏi. Ông L. lật đật chạy qua Phòng TN&MT tìm cán bộ đã đo đạc cho mình thì nhận được câu trả lời “mai quay lại lấy”. Ngày 18-8, ông L. lại tiếp tục đến Phòng TN&MT liên hệ thì vẫn nhận được câu trả lời chưa xong. Cán bộ đo đạc cho rằng cần phải xuống đo lại nên hẹn ông L. trưa ngày 19-8 đến lấy. Nhưng khi cán bộ đo đạc xuống đo lại đất thì hẹn ngày 23-8 đến lấy biên bản xác minh. Vậy là sau khi đi tới đi lui nhiều lần ở bộ phận một cửa và Phòng TN&MT quận Ninh Kiều, chờ đợi tổng cộng 8 ngày (không kể thứ bảy, chủ nhật) ông L. mới nhận được biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất.

Tưởng việc đo, vẽ đến đây là xong, sau khi nộp hồ sơ lại cho bộ phận một cửa thì chỉ còn chờ đóng thuế, thế nhưng cán bộ một cửa cho biết còn phải hoàn tất hồ sơ kỹ thuật mới xong và viết thêm vào phiếu nhận hồ sơ cho ông L. ngày hẹn trả hồ sơ kỹ thuật (tổng cộng 11 ngày không kể thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ). Đến ngày lấy kết quả, ông L. lại không nhận được kết quả và tiếp tục được hướng dẫn sang Phòng TN&MT. Khi ông L. đến Phòng TN&MT thì cán bộ đo đạc hẹn tiếp “ngày mai đến lấy”. Nhưng 2 ngày sau, ông L. đến nhận hồ sơ thì lại được trả lời chưa xong. Ông L. bức xúc nói: “Tôi đâu có nhiều thời gian mà “hành” tôi đi tới đi lui hoài. Sau hơn 1 tháng nộp hồ sơ ở Bộ phận một cửa của quận, tôi mới xong được biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất và hồ sơ kỹ thuật. Tôi thấy việc kéo dài thời gian, chậm trễ như vậy là do cán bộ đo đạc chưa làm hết trách nhiệm của mình. Việc để người dân phải trực tiếp liên hệ với cán bộ đo đạc là kẽ hở, dễ phát sinh tiêu cực, sách nhiễu dân”. Không riêng trường hợp của ông L. mà rất nhiều trường hợp cũng bị cán bộ đo đạc hẹn tới, hẹn lui bắt dân đi lại nhiều lần mới hoàn tất hồ sơ kỹ thuật.

MỖI NƠI MỘT KIỂU...

Tại quận Ninh Kiều, khi chuyển nhượng một phần thửa đất hoặc tách thửa đất, người dân viết vào mẫu đề nghị đo đạc, nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa, rồi phải tự liên hệ với cán bộ đo đạc để được đo vẽ. Ông Nguyễn Văn Kết, Trưởng phòng TN&MT quận Ninh Kiều, cho biết: “Do đặc thù của từng địa phương, nếu bản đồ địa chính chính quy chính xác thì không phải đi đo vẽ, chỉ lên máy cập nhật rồi tách ra. Hiện giờ bản đồ địa chính chính quy của quận Ninh Kiều có nhiều biến động, đáng lẽ phải cập nhật nhưng do không có kinh phí nên đành phải chịu. Theo quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT thời gian đo vẽ là 20 ngày, nhưng Phòng TN&MT quận đã rút ngắn trong vòng 7 ngày là ra hồ sơ kỹ thuật cho dân (không kể thời gian người dân đi ký giáp ranh, xác nhận tại phường). Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất phân công đo đạc viên theo ngẫu nhiên nên khó có thể phát sinh tiêu cực. Theo quy định, thì người dân phải nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, nhưng ở quận lại nộp tại Bộ phận một cửa, mà đặc thù của quận là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Bộ phận một cửa nằm cách xa nhau, nên người dân nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa rồi phải đến Phòng TN&MT để liên hệ đo đạc viên. Người dân phải đi lòng vòng nhưng do quy định của quận buộc phải vậy...”.

Còn tại quận Ô Môn, hiện nay đã bỏ mẫu đề nghị đo đạc, khi người dân có nhu cầu đo đạc thì đến Bộ phận một cửa của quận cung cấp thông tin về địa chỉ thửa đất, tên chủ sử dụng, bộ phận một cửa sẽ vào sổ, hẹn ngày đo đạc và đo đạc viên sẽ liên hệ với người có yêu cầu để đến đo theo đúng ngày hẹn. Còn lịch đi đo đạc đã được công bố về các phường. Phường nào có số lượng cần đo đạc nhiều thì sắp xếp cán bộ đo đạc đi đo 3 ngày, còn phường nào ít thì đi đo 2 ngày. Thời gian đo vẽ và ra hồ sơ kỹ thuật là 10 ngày, người dân không phải mắc công đi tới đi lui nhiều lần. Theo ông Tạ Thanh Bình, Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ quận Ô Môn, có những trường hợp hình thể miếng đất khó thể hiện, thiếu thông tin thì cán bộ đo đạc có thể phải đi đo đạc lại. Nhưng những khi như vậy, cán bộ đo đạc thường tự đi vì đã biết chỗ đo đạc chứ không làm phiền đến người dân. Còn trường hợp cán bộ đo đạc đến đo đạc mà chủ sử dụng đất không có ở nhà thì lập biên bản và hẹn ngày gần nhất đến đo đạc. Việc lập biên bản là cơ sở để đo đạc viên báo cáo với lãnh đạo. Hiện nay, quận Ô Môn đã hướng dẫn người dân thực hiện việc đo đạc trước rồi về điền vào hợp đồng giao dịch để thuận tiện cho dân, không phải chỉnh sửa hợp đồng tới lui, vì có nhiều thửa đất hình thể phức tạp, diện tích khi đo đạc thể hiện lên hồ sơ kỹ thuật ít khi chính xác theo yêu cầu của người dân...

Tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện rà soát TTHC, áp dụng bộ TTHC của TP Cần Thơ vào ngày 15-9, đồng chí Nguyễn Hữu Có, Tổ phó Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của UBND TP Cần Thơ, Trưởng đoàn kiểm tra việc thực hiện bộ TTHC chung áp dụng tại cấp quận và cấp phường, cho rằng Sở TN&MT phải hướng dẫn lại quy trình đo đạc cho tất cả các quận, huyện. Các quận, huyện phải bỏ mẫu phiếu đề nghị đo đạc. Vì trong phiếu đề nghị đo đạc không thể hiện nội dung nào ràng buộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, không có quy định làm như thế nào, khi nào xong. Việc đo đạc người dân phải đóng phí, nhưng từ trước tới giờ trong quy trình đo đạc thì bắt dân phải thế này, thế kia, như là mệnh lệnh hành chính.

Theo kiến nghị của Tổ công tác thực hiện đề án 30, đối với các quận, huyện chưa có đơn vị đo đạc tư thì Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện phải thực hiện việc đo đạc trước cho người dân bằng hợp đồng đo đạc (đối với trường hợp chỉ thực hiện chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế, chuyển mục đích... một phần diện tích), sau khi có số liệu chính xác thì người dân mới điền các thông tin về diện tích vào hồ sơ và thực hiện các TTHC theo quy định.

Việc đo đạc hiện nay mỗi nơi một kiểu, cơ quan chức năng đã nhận thấy điều này nên việc thống nhất quy trình đo đạc trên địa bàn thành phố là cần thiết nhưng cần phải nhanh chóng thực hiện, đừng kéo dài, gây bức xúc cho dân, trái với mục tiêu chung là đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà cho dân.

Bài, ảnh: SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết