27/08/2009 - 08:58

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

Thu hút đầu tư mạnh mẽ, góp phần đưa TP Cần Thơ trở thành trung tâm công nghiệp cấp vùng trước năm 2020

 

Mục tiêu hoạt động xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ nhằm góp phần thực hiện định hướng chiến lược của Chính phủ để Cần Thơ trở thành thành phố động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và của cả nước. Trước thềm Hội nghị Xúc tiến Đầu tư – Thương mại vào TP Cần Thơ năm 2009 (sẽ diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-8), đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị, đã dành cho phóng viên Báo Cần Thơ cuộc phỏng vấn. Đồng chí cho biết:

- Nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL kết nối thuận lợi với các địa phương khác trong vùng bằng hệ thống giao thông thủy, bộ, có đường hàng không, hàng hải quốc tế đến các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Cần Thơ có vị trí “đắc địa” để trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục, văn hóa xã hội của cả khu vực. Những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long luôn gắn liền với mục tiêu trọng điểm là xây dựng TP Cần Thơ thành thành phố động lực của vùng ĐBSCL, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, cửa ngõ giao thương kinh tế quốc tế cho ĐBSCL, khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng và sẽ là đô thị trung tâm, là giao điểm của chuỗi hành lang đô thị Bắc Nam qua TP Hồ Chí Minh và hành lang đô thị dọc sông Mê Công. TP Cần Thơ sẽ có các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cấp vùng và quốc gia, gắn kết và phục vụ cho khu vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Cần Thơ cũng là nơi tập trung các công trình thương mại, văn hóa chính trị, xã hội cấp quốc gia, hệ thống các trường đại học, bệnh viện, cơ sở thể dục thể thao... là trung tâm lớn đào tạo nguồn nhân lực cho toàn vùng ĐBSCL.

TP Cần Thơ có cảnh quang sông nước hữu tình, có sức hút về du lịch sinh thái và có tiềm năng to lớn trong các tuyến du lịch vùng ĐBSCL và du lịch dọc sông Mê Công.

Được sự quan tâm của chính quyền thành phố thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến liên tục theo hướng tích cực, hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội được nâng cấp và cải thiện, hoạt động xúc tiến đầu tư được chú trọng và đổi mới... môi trường đầu tư của thành phố Cần Thơ đang trở nên ngày một thuận lợi hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

* Với những lợi thế và vị trí như vậy, TP Cần Thơ đã và đang hoạch định chiến lược phát triển ra sao, thưa đồng chí?

- Trên cơ sở định hướng chung, TP Cần Thơ hoạch định chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, cụ thể như: Đối với ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu của ngành theo hướng thâm canh và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ - kỹ thuật cao; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nhất là dịch vụ cung cấp cây giống, hoa kiểng cho nhu cầu đô thị và du lịch. Ngành công nghiệp - xây dựng, trọng tâm phát triển là công nghiệp chế biến. Từng bước đầu tư chiều sâu, đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: chế biến lương thực - thực phẩm, năng lượng, cơ khí và chế tạo máy, hóa chất và các sản phẩm hóa sinh, sinh học, điện và điện tử, tin học và vật liệu mới.

Về định hướng phát triển không gian đô thị, đối với khu vực nội thành, phát huy vai trò của trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức và công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; hình thành các khu chức năng gồm: Khu đô thị (KĐT) trung tâm ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy; Khu đô thị cảng - công nghiệp: Cái Răng; KĐT công nghiệp: Bình Thủy - Ô Môn; KĐT công nghệ: Ô Môn; KĐT dịch vụ công nghiệp: Thốt Nốt; KĐT du lịch sinh thái vườn: Phong Điền. Đối với khu vực nông thôn, nâng cấp các thị trấn, hình thành một số thị trấn mới, phát triển nông nghiệp sinh thái đa dạng và các dịch vụ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, gắn liền với bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Song song đó, thành phố chú trọng xây dựng khu công nghệ cao; hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm có lợi thế phát triển và cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ để thành phố trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ của vùng ĐBSCL; gắn thị trường TP Cần Thơ với thị trường các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước và các nước trong khu vực. Thực hiện chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước đi đôi với hội nhập quốc tế. Đồng thời, phấn đấu để TP Cần Thơ là “Điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện”, nơi hội tụ của “văn minh sông nước Mê Công”. Xây dựng các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí tổng hợp. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, kết hợp du lịch với hội thảo, hội nghị, du khảo văn hóa - lịch sử, phát triển các tuyến du lịch liên vùng và du lịch quốc tế.

Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và có tác động thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ khác và có sức lan tỏa đến cả vùng: dịch vụ vận tải (đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt, cảng), dịch vụ viễn thông, dịch vụ khoa học - công nghệ, tư vấn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, dịch vụ đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao.

Các khu công nghiệp nằm cặp sông Hậu trên địa bàn TP Cần Thơ với nhiều tiềm năng phát triển đang hấp dẫn
đối với nhiều nhà đầu tư. Ảnh: THIỆN KHIÊM 

Về phát triển kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, nâng cấp mạng lưới điện, thông tin liên lạc, hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp gắn với bảo vệ và cải thiện môi trường. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông cả về đường bộ, đường thủy, đường biển và đường hàng không, đủ sức phục vụ vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, để thành phố Cần Thơ thật sự là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công.

Về đường bộ, đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ 1A, 91, 91B, 80, tuyến quốc lộ Nam sông Hậu đạt tiêu chuẩn cấp II vào năm 2020; xây dựng các tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – TP Cần Thơ, Vị Thanh - Cần Thơ, Bốn Tổng - Một Ngàn. Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống tỉnh lộ, mở mới các tuyến đường vành đai và các trục đường nối từ các khu công nghiệp vào các trục giao thông chính. Xây dựng và nâng cấp các tuyến đường đô thị theo quy hoạch của thành phố, nâng cấp các tuyến đường ở các trung tâm quận, huyện đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Xây dựng và nâng cấp các tuyến đường huyện theo tiêu chuẩn cấp V, cấp VI đồng bằng, đạt 95% vào năm 2010 và 100% vào năm 2020; mở mới các tuyến đường quận, huyện quan trọng; hoàn chỉnh các tuyến đường liên xã, phường. Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung nâng cấp và khai thác có hiệu quả hệ thống cụm cảng Cần Thơ đáp ứng nhu cầu vận tải và phù hợp Quy hoạch cảng biển vùng ĐBSCL. Nâng cấp các tuyến đường thủy quốc gia: TP Hồ Chí Minh - Cà Mau (kênh Xà No) và TP Hồ Chí Minh - Kiên Giang (kênh Cái Sắn) đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp I; các tuyến đường thủy: kênh Ô Môn, kênh Thị Đội đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp II; các tuyến đường thủy cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp VI và các tuyến đường thủy cấp huyện đạt tiêu chuẩn cấp V. Nâng cấp sân bay Trà Nóc thành sân bay quốc tế; các bến xe, bến tàu sẽ được đầu tư xây dựng ở tất cả các quận, huyện, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của nhân dân, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, thành phố đảm bảo các dịch vụ công ích, thông tin viễn thông, vệ sinh môi trường theo hướng hiện đại và tiện nghi nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn...

* Hội nghị Xúc tiến Đầu tư - Thương mại của TP Cần Thơ năm 2009 sẽ tập trung vào các dự án cụ thể nào, thưa đồng chí?

- Cần Thơ là thành phố trẻ, đang trong thời kỳ đầu của quá trình phát triển nên cần kêu gọi sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Hiện nay, Cần Thơ tập trung kêu gọi đầu tư vào 5 lĩnh vực với 18 dự án, cụ thể như: Ở lĩnh vực du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch có các dự án như: Có 3 khu du lịch sinh thái Cồn Ấu, thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng với quy mô 77 ha; cù lao Tân Lộc, thuộc quận Thốt Nốt, quy mô 2.100 ha, trước mắt thực hiện giai đoạn 1 là 300 ha; vườn cò Bằng Lăng, cũng thuộc quận Thốt Nốt, quy mô 42 ha. Ngoài ra, thành phố kêu gọi xây dựng khách sạn – hội nghị tiêu chuẩn 5 sao tại vị trí trung tâm thành phố. Ở Lĩnh vực khu công nghiệp, công nghệ cao, có 6 dự án: tập trung ở các quận Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng, Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ. Đối với lĩnh vực thương mại - công nghiệp chế biến có 2 dự án là trung tâm thương mại cấp vùng, dự kiến ở quận Ninh Kiều; nhà máy chế biến đóng gói trái cây xuất khẩu cấp khu vực ĐBSCL ở huyện Phong Điền. Ở lĩnh vực hạ tầng giao thông có 3 dự án: Đường nối quốc lộ 91- đường Nam sông Hậu, có tổng chiều dài khoảng 30km đi qua các quận Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền; xây dựng Cầu chữ Y nối liền 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng; khu kho bãi và dịch vụ hậu cần Logistic cảng Cái Cui. Riêng lĩnh vực đô thị và dân cư có 3 dự án là khu tái định cư Phú An ở quận Cái Răng, khu đô thị 20.000 ha ở quận Ô Môn và huyện Cờ Đỏ, xây dựng khu đô thị mới Nam Cần Thơ ở quận Cái Răng.

TP Cần Thơ rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thành phố để hội nghị diễn ra thành công, đạt được mục tiêu đề ra.

* Xin cảm ơn đồng chí!

PV (thực hiện)

Chia sẻ bài viết