29/06/2021 - 14:19

Thốt Nốt cần hỗ trợ, đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở 

Có vị trí tiếp giáp với sông Hậu, quận Thốt Nốt cũng như các địa phương khác trên địa bàn TP Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Hằng năm, Thốt Nốt cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở bờ sông, kênh, rạch, ảnh hưởng đến sinh hoạt, tính mạng, tài sản của nhân dân. Để hạn chế tình trạng trên, Thốt Nốt đang cần sự đầu tư, hỗ trợ trong công tác xây dựng công trình kiên cố phòng, chống sạt lở.

Lãnh đạo TP Cần Thơ và quận Thốt Nốt kiểm tra điểm sạt lở trên địa bàn quận Thốt Nốt.

Đi trên tuyến đường giao thông cặp theo kênh Bò Ót (bờ trái, thuộc phường Thuận An, quận Thốt Nốt) người dân phập phồng lo sợ. Bởi, tuyến đường có nguy cơ bị sạt lở bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Ngọc Hải, ở phường Thuận An, cho biết: “Nhiều năm nay, tuyến kênh này có dấu hiệu sạt lở và đe dọa đường giao thông cặp theo bờ sông. Gần đây, chính quyền địa phương gia cố, khắc phục sạt lở, nhưng chỉ tạm thời. Về sau này, người dân sống gần khu vực sạt lở như chúng tôi rất mong quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ có kế hoạch xây dựng công trình chống sạt lở kiên cố tại khu vực này, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân địa phương, đi lại và chỉnh trang đô thị tại đây”.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) quận Thốt Nốt, tuyến kênh Bò Ót có dấu hiệu sạt lở từ năm 2019, với chiều dài 270m, có 9 hộ dân sinh sống tại khu vực này. Đặc biệt, tuyến kênh này đã xuất hiện vết nứt rộng từ 5-10cm, với chiều dài 78m, trong đó có 3 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng. Ông Trương Tiến Lực, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Thốt Nốt, cho biết: “Để hạn chế ảnh hưởng do sạt lở tại khu vực trên, UBND quận Thốt Nốt đã đầu tư khắc phục tạm thời đoạn kênh bị sụp lún, rạn nứt bằng giải pháp gia cố mái bờ bằng thảm đá, với chiều dài 89m, kinh phí thực hiện 1,614 tỉ đồng, nhằm bảo vệ bờ sông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại”.

Thốt Nốt có 39 điểm có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài hơn 15km và 269 căn nhà cần phải di dời. Từ đầu năm 2021 đến nay, quận Thốt Nốt đã gia cố 5 điểm sạt lở ở các phường Thới Thuận, Thuận An và Trung Kiên với chiều dài hơn 360m. Tuy nhiên, theo UBND quận Thốt Nốt, kinh phí phân bổ đầu tư còn hạn chế nên nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Trương Tiến Lực cho biết thêm: “Để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, quận đã xây dựng chủ trương, bố trí kinh phí để khắc phục 5 điểm sạt lở với số tiền khoảng 5 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư khắc phục sạt lở còn hạn chế, do đó còn nhiều điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Đối với điểm có nguy cơ sạt lở cao trên tuyến sông Bò Ót, UBND quận đã có tờ trình gửi UBND thành phố xin hỗ trợ xây dựng bờ kè để phòng, chống sạt lở với tổng mức đầu tư khoảng 42 tỉ đồng, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân và góp phần chỉnh trang đô thị”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Thốt Nốt, UBND quận Thốt Nốt đã đề nghị TP Cần Thơ xem xét, đầu tư xây dựng một số công trình kiên cố chống sạt lở tại các điểm đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn, như: đầu tư kinh phí xây dựng kè chống sạt lở tại khu vực đầu cồn Tân Lộc đến bến đò Trà Uối thuộc khu vực Long Châu, phường Tân Lộc; gia cố các điểm sạt lở trên tuyến sông Bò Ót (khu vực Thới Thạnh 2, phường Thới Thuận); gia cố đoạn kênh Cần Thơ Bé sạt lở nguy hiểm thuộc khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng…

Ông Võ Văn Tân, Phó Bí thư Quận ủy Thốt Nốt, Phó Chủ tịch UBND quận, nhấn mạnh: “Đây là những điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, rất cần sự quan tâm của thành phố đầu tư kinh phí xây dựng công trình phòng, chống sạt lở. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận phối hợp cùng các phường tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở để tăng cường cảnh báo, thực hiện các biện pháp hạn chế sạt lở bằng những giải pháp công trình dân gian, trồng bần, đóng cừ tràm, cừ dừa, rọ đá; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống, sạt lở, giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão; chủ động rà soát các tuyến đường giao thông cặp theo kênh, rạch có nguy cơ sạt lở để cảnh báo và yêu cầu giảm tốc độ, trọng tải đối với phương tiện lưu thông trên đường; kiên quyết tổ chức di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở an toàn; có biện pháp chủ động gia cố các đoạn sạt lở theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là phương tiện, vật tư và nhân lực tại chỗ…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết