07/11/2009 - 07:53

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII:

Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010

* Trình Quốc hội về chủ trương đầu tư hai dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu và Điện hạt nhân Ninh Thuận

Sáng 6-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 với số phiếu tán thành đạt 85,4%.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát là: Nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu là: GDP tăng khoảng 6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009; chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; số giường bệnh trên 1 vạn dân là 27,5 giường; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh: 83%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch: 84%; tỷ lệ che phủ rừng 40%.

Báo cáo tình hình thực hiện Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, các gói thầu đã cơ bản hoàn thành, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chuyển sang giai đoạn vận hành chạy thử. Do trục trặc kỹ thuật tại phân xưởng cracking xúc tác nên tiến độ bàn giao Nhà máy sẽ chậm lại một thời gian so với kế hoạch.

Đến nay, công tác xây lắp đã cơ bản hoàn thành; tiến độ chạy thử và khởi động Nhà máy đạt khoảng 99%. Đến 15-8-2009, Nhà máy đã sản xuất được các sản phẩm đạt chất lượng với sản lượng gần 39.000 tấn LPG, trên 198.000 tấn xăng A92, trên 142.000 tấn diezel, trên 30.000 tấn dầu hỏa... Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã cung cấp cho Nhà máy 11 chuyến tàu dầu thô với tổng khối lượng 704.800 tấn để phục vụ chạy thử. Ban QLDA phối hợp với PVOil xuất bán ra thị trường 162.116 tấn xăng A92, 36.087 tấn dầu hỏa... Về tổng thể, các lực lượng của Ban QLDA đã từng bước đảm nhận các khâu vận hành và bảo dưỡng Nhà máy.

Dự án thủy điện Sơn La đến nay đã đạt được các mốc quan trọng, đáp ứng mục tiêu tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12-2010 và hoàn thành công trình vào cuối năm 2012. Công tác quản lý chất lượng được thực hiện ở tất cả các khâu từ thẩm tra thiết kế, thí nghiệm kiểm tra vật liệu xây dựng, cấp phối và công tác thi công tại hiện trường xây lắp, kết quả thí nghiệm các mẫu vật liệu và bêtông đạt yêu cầu thiết kế. Tổng giá trị giải ngân dự án công trình tới 22-10-2009 đạt khoảng 14.800 tỉ đồng, trong tổng dự toán khoảng 26.500 tỉ đồng. Tồn tại chủ yếu hiện nay là ở dự án tái định cư như: Chậm thực hiện chi trả tiền bồi thường; công tác thu hồi và giao đất sản xuất còn chậm.

Đánh giá hiệu quả bước đầu đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, việc hoàn thành giai đoạn 1 đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài khoảng 1.350 km đã bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện phát triển kinh tế phía Tây đất nước...

Báo cáo tình hình thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Đến 30-8-2009, cả nước đã khoán bảo vệ rừng 2.823.721 ha (185,3%); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 656.829 ha; chuẩn bị 505.982.000 cây giống các loại; trồng rừng tập trung đạt 56,6% kế hoạch, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2008.

UB KHCN&MT của QH cho rằng, kết quả thực hiện cho thấy rõ hiệu quả KT-XH, môi trường của Dự án, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Rừng ở nhiều nơi được cải tạo, nâng cao chất lượng và trữ lượng, có giá trị kinh tế cao. Khả năng cung cấp gỗ, lâm sản cho nhu cầu trong nước tăng khá nhanh góp phần giảm nhập khẩu gỗ, tăng hiệu quả kinh tế của dự án trồng rừng; góp phần khuyến khích phát triển nghề rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là thu nhập của đồng bào các dân tộc tại chỗ.

* Chiều 6-11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo chủ trương đầu tư hai dự án: Nhà máy thủy điện Lai Châu và Điện hạt nhân Ninh Thuận; trình Dự án Luật thuế nhà, đất.

Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu của Chính phủ do Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nêu rõ: Thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Thủy điện Lai Châu dự kiến được xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát điện cung cấp cho đất nước, tham gia cấp nước cho Đồng bằng sông Hồng về mùa kiệt mà còn tạo cơ hội góp phần phát triển kinh tế- xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên (đặc biệt là huyện miền núi biên giới Mường Tè), đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc. Do vai trò và vị trí quan trọng của hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng sông Đà, công tác nghiên cứu thiết kế, quy hoạch, thẩm định các dự án đã được thực hiện một cách thận trọng và được sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan, đồng thời thu hút ý kiến đóng góp của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước, cơ quan tư vấn trong và ngoài nước, các hội khoa học chuyên ngành, các trường đại học và các chuyên gia.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Dự án Thủy điện Lai Châu phù hợp với quy hoạch đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hồ sơ của Dự án cơ bản đáp ứng các yêu cầu do pháp luật quy định; nhất trí đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện Lai Châu tại Kỳ họp thứ 6.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đọc Tờ trình xin chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nêu rõ cơ sở pháp lý, định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030; tóm tắt nội dung báo cáo đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã được thẩm định.

Thẩm tra dự án, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: báo cáo đầu tư Dự án được chuẩn bị công phu. Để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc khẩn trương chuẩn bị để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và đưa vào hoạt động kịp thời như Chính phủ đề nghị là hợp lý và cần thiết. Ủy ban hoàn toàn tán thành chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Dự án này phù hợp với các quy hoạch hiện hành và định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân.

Cũng trong chiều 6-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật thuế nhà, đất, đã nhấn mạnh: Việc ban hành Luật thuế nhà, đất nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà, đất, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà đất và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Dự án Luật khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế nhà, đất hiện hành. Dự thảo Luật thuế nhà đất gồm 4 chương 13 điều quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, căn cứ tính thuế, miễn, giảm thuế nhà, đất.

THANH HÒA-HƯƠNG THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết