11/11/2008 - 08:00

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII:

Thông qua nghị quyết phân bổ ngân sách năm 2009

* 217 câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ

* Thảo luận việc ban hành Luật Lý lịch tư pháp và đưa cơ quan thông tấn báo chí vào đối tượng điều chỉnh của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài

Tại Phiên họp thứ tư, Quốc hội khóa XII, các thành viên Chính phủ đã nhận được 217 phiếu yêu cầu trả lời chất vấn tập trung vào các vấn đề về ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai, tình hình lạm phát, chính sách tiền tệ, dịch bệnh... Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều chất vấn nhất với 47 phiếu.

Dự kiến trong các ngày từ 11 đến 13-11, Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Giáo dục Đào tạo, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Sau khi các Bộ trưởng kết thúc phần trả lời chất vấn, ngày 13-11, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.

* Sáng 10-11, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật lý lịch tư pháp (LLTP).

Đa số ý kiến đã thẳng thắn đề nghị Chính phủ, Quốc hội không nên ban hành luật này vào thời điểm hiện nay. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chỉ đề cập riêng đến phạm vi quản lý của dự thảo Luật cũng đã thấy không phù hợp với thực tế, chứ chưa nói đến các điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật. Phạm vi quản lý LLTP chỉ giới hạn trong án tích, chủ yếu phục vụ cho người dân, chứ không phải phục vụ cho công tác điều tra xét xử. Hơn nữa, dự thảo Luật còn đưa ra việc cần thiết thành lập một trung tâm quản lý LLTP cũng không phù hợp với các đạo luật khác. Bởi, đây là việc làm của Tòa án và họ có đủ thẩm quyền để cấp giấy LLTP. Để đảm bảo tính khả thi của Luật, đề nghị chưa cần thiết phải thông qua Luật này.

Một số đại biểu khác cho rằng, chúng ta có xu hướng cứ ra một luật là lại “đẻ” thêm một hệ thống cơ quan quản lý mới, như Luật LLTP nếu ban hành thì lại thành lập thêm Trung tâm quản lý. Hơn nữa, một vấn đề đơn giản là xác định một người có án tích hay không cũng không nhất thiết phải ban hành Luật. Đại biểu Trần Thị Hoa (Lạng Sơn) cho rằng, khi một đạo Luật được ban hành phải đảm bảo các tiêu chí về: tính khả thi, không bị xáo trộn lớn, tiết kiệm và không tốn kém. Về sự cần thiết phải ban hành Luật, Quốc hội, Chính phủ phải tính toán thêm, chưa ban hành Luật vào thời điểm này. Để Luật đi vào thực tiễn đời sống, đề nghị Chính phủ quy định Nghị định trước rồi mới ban hành Luật thì mới có khả thi. Đại biểu Võ Văn Đủ (Đắk Nông) cũng chỉ ra một số “hạt sạn” của dự thảo như quy định chánh văn phòng tòa án xét xử sơ thẩm có trách nhiệm gửi trích lục bản án cho Trung tâm LLTP trong khi tòa cấp huyện không có chức danh chánh văn phòng...

Vấn đề xóa án tích đương nhiên cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến. Theo đại biểu Ngô Thị Nam (Đồng Tháp): vấn đề giao thêm cho Trung tâm LLTP thực hiện việc xóa án tích đương nhiên là không đúng với bộ luật Tố tụng hình sự. “Việc đương nhiên xóa án tích chỉ Tòa án mới có thẩm quyền, Luật lại quy định giao Trung tâm LLTP thì sẽ có hai cơ quan được xóa án tích sẽ dẫn đến trùng lặp, gây chồng chéo”. Nhiều đại biểu khác cũng phản đối việc giao UBND xã xem xét, miễn giảm án với người thi hành án. Theo một số đại biểu chỉ người ra bản án Tòa án mới có quyền xem xét việc miễn, giảm án; đồng thời việc giao cho Trung tâm lý lịch tư pháp xóa “án tích đương nhiên” là không được. Trung tâm này về sau là cơ quan sự nghiệp có thu, lại có chức năng xóa án tích (việc của Tòa án) là sai nguyên tắc, nguyên lý.

Về việc lập hệ thống Cơ sở dữ liệu LLTP mới, theo đại biểu Vũ Thị Mẩy (Hà Giang): Hiện Công an là cơ quan đã có hệ thống cơ sở dữ liệu rất hoàn chỉnh, làm từ năm 1955 đến nay. Nếu chỉ có án tích thì cơ quan Công an có thể làm được việc này. Việc thành lập Trung tâm để dân sự hóa việc cấp phiếu LLTP là không cần, bởi vậy cũng không cần thiết thực hiện thành lập thêm một bộ máy khác.

* Chiều 10-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII, các đại biểu tập trung làm việc tại hội trường, thông qua dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2009 và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) nhất trí với nội dung ghi trong dự án luật, cho rằng Luật cơ quan đại diện của nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài không cần mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh đối với cơ quan đại diện của các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan đại diện của các công ty, tổng công ty... như một số ý kiến phát biểu. Lý do là cơ quan báo chí thông tấn không phải là cơ quan quản lý nhà nước, chỉ thực hiện công việc chuyên môn báo chí. Cơ quan đại diện báo chí phải nằm trong sự quản lý chung của cơ quan đại diện nhà nước, nhưng do tính chất đặc thù của báo chí nên không để nó trong mục phạm vi điều chỉnh của Luật mà đặt cơ quan đại diện báo chí và các cơ quan đại diện của các ngành khác ở nước ngoài trong các điều nói về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện.

Với tuyệt đại đa số đại biểu tán thành, QH đã thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết phân bổ ngân sách năm 2009, theo đó: Tổng thu cân đối ngân sách T.Ư là 273.141 tỉ đồng (chiếm 67,6% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước), tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 130.859 tỉ đồng (chiếm 32,4%). Tổng chi cân đối ngân sách T.Ư 314.544 tỉ đồng (chưa bao gồm phần chi bổ sung là 45.897 tỉ đồng). Đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi và mức phân bổ cho từng Bộ, địa phương theo đúng quy định, đồng thời chỉ đạo các Bộ, cơ quan T.Ư, HĐND triển khai giao dự toán ngân sách T.Ư trước ngày 31-12-2008; thực hiện công khai theo đúng quy định. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chủ trương tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi, hội nghị không cần thiết, các dự án chưa thực sự cần thiết. Không bố trí vốn cho công trình, dự án chưa đủ thủ tục đầu tư. Những nơi còn nợ vốn xây dựng cơ bản phải bố trí vốn trả nợ, không để phát sinh thêm nợ; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

LƯU THỊ THOAN - THU HƯƠNG - T.T (TTXVN)

Chia sẻ bài viết