19/06/2009 - 07:45

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII

Thông qua 5 dự án luật và cho ý kiến dự thảo Luật tần số vô tuyến điện

* Tích cực chuẩn bị thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) và Luật Thi hành án

Sáng 18-6, ngày làm việc thứ 25 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, xem xét thông qua 5 dự án Luật. Các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị phóng, Nguyễn Đức Kiên và Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Sau khi nghe báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai với tỷ lệ 87,02% số đại biểu tán thành; Luật Bồi thường nhà nước cũng được được thông qua với 92,09% đại biểu tán thành. Quốc hội cũng thông qua: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Điện ảnh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài với số đại biểu tán thành trên 80%.

Từ 1-9-2009, khi Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai có hiệu lực, sẽ có nhiều trong số khoảng 3 triệu Việt kiều được sở hữu nhà tại Việt Nam. Theo quy định của Luật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước hoặc người gốc Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam (trích Điều 126 đã sửa đổi, bổ sung của Luật Nhà ở).

Buổi chiều, Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho ý kiến vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện.

Đa số đại biểu cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật Tần số vô tuyến điện là cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện. Theo các đại biểu, về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật có tính khả thi cao, tạo hành lang pháp lý tăng cường quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện có thể quy định trong Luật, nhưng chỉ mang tính định hướng, tạo điều kiện cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định. Không nên quy định quá cụ thể, trong khi Luật Thanh tra đang trong quá trình sửa đổi. Dự thảo Luật cần làm rõ chức năng thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; bổ sung điều quy định chi tiết mang tính đặc thù về nội dung thanh tra trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác đề nghị bổ sung vào Điều 5 dự thảo Luật một khoản quy định các giải pháp hỗ trợ việc khai thác và sử dụng tần số vô tuyến điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và phục vụ quốc phòng, an ninh, bởi các vùng này cần được sử dụng các kênh thông tin vô tuyến điện để liên lạc, nghe máy thu thanh, xem truyền hình.

* Sáng 18-6, Bộ Tư pháp tổ chức giới thiệu với các cơ quan báo chí về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) và Luật Thi hành án sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2009.

So với Luật năm 1998, Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) năm 2008 có một số nội dung mới, quan trọng về nguyên tắc quốc tịch (Điều 4); việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam; giải quyết vấn đề nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định tại Việt Nam; bổ sung trình tự, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch. Đối với Luật Thi hành án, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quy định của pháp luật hiện hành, xác định những văn bản, quy định còn hoặc không còn phù hợp với quy định của Luật Thi hành án dân sự, trên cơ sở đó đề xuất việc hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung bảo đảm có hiệu lực cùng với Luật này từ ngày 1-7-2009.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết