18/06/2020 - 20:50

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thông qua 2 nghị quyết, 2 luật và thảo luận về 2 dự án luật 

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 18-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) với 95,03% đại biểu tán thành; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với 92,96% đại biểu tán thành; thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 với 93,17% đại biểu tán thành; thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với 92,75% đại biểu Quốc hội tán thành.

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Cũng trong ngày 18-6, đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Các đại biểu đồng ý với sự cần thiết ban hành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời đề nghị nâng mức phạt tiền tối đa ở tất cả các lĩnh vực, để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đảm bảo thực hiện nghiêm mọi hành vi vi phạm hành chính được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra được khắc phục theo đúng quy định. Nhiều đại biểu cho rằng, vi phạm hành chính phải được xử lý đến nơi, đến chốn, nếu không thi hành sẽ phải bị cưỡng chế chứ không phải phạt cho tồn tại. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Một số nội dung chính của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tiếp tục xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, gồm: việc xem xét để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế về môi trường; việc đánh giá những tác động của 13 nhóm chính sách liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách trên cơ sở tình hình thực tiễn của Việt Nam; về mức chi tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường…

Chia sẻ bài viết