09/06/2019 - 08:20

Thới Lai quan tâm chất lượng và hiệu quả dạy nghề, giải quyết việc làm 

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thới Lai, thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong phối hợp dạy nghề phù hợp cũng như tư vấn, hướng nghiệp cho lao động các xã, thị trấn. Qua đó, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm, hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm (GQVL) toàn huyện cuối năm 2019.

Lớp nghề đan dây nhựa ở xã Trường Thắng. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Lớp nghề đan dây nhựa ở xã Trường Thắng. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Thu hút lao động học nghề, tìm việc 

Từ đầu tháng 4- 2019 đến nay, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp đơn vị đào tạo, UBND các xã, thị trấn tổ chức 18/20 lớp nghề nông nghiệp (nuôi trùn quế, nhân giống lúa, trồng cây ăn trái, trồng rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh) và phi nông nghiệp (đan đát, đan dây nhựa, đan lục bình, may công nghiệp, chăm sóc da, làm móng, xây dựng, hàn, lái xe B2) cho 630 lao động. Huyện tổ chức dạy nghề theo địa chỉ, cung ứng nhân công các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, cơ sở sản xuất tư nhân trên địa bàn, thu nhập theo sản phẩm; dạy nghề theo nhu cầu địa phương, giới thiệu lao động vào các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong và ngoài địa bàn. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề khoảng 80%.

Cùng với đảm bảo điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động để có kế hoạch dạy nghề sát hợp, hiện toàn huyện có 4 mô hình dạy nghề gắn với GQVL hoạt động hiệu quả như: sản xuất lúa giống (xã Trường Xuân, xã Thới Tân); đan đát, đan dây nhựa (xã Trường Thắng); may gia dụng (xã Xuân Thắng). Qua khảo sát, các mô hình thu hút trên 130 lao động nhàn rỗi tham gia, thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn (xã Trường Thắng), cho biết: “Để đảm bảo tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông nhàn, hằng năm, HTX phối hợp mở lớp nghề đan đát tại các ấp và hiện có khoảng 70 lao động đan cần xé cho HTX”. Huyện phối hợp UBND các xã mở lớp nghề đan dây nhựa để học viên nhận gia công sản phẩm cho Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hồng - Hào (xã Trường Thắng). Đáp ứng nhu cầu chị em, mấy năm qua, huyện phối hợp mở các lớp nghề chăm sóc da tại thị trấn Thới Lai. Chị Nguyễn Thị Diễm Sương, nhân viên cơ sở Chăm sóc da Kim Ngân, cho biết: “Năm 2017, tôi được giới thiệu học nghề chăm sóc da và vào phụ việc tại cơ sở này để học hỏi, nâng cao tay nghề, rồi làm nhân viên (theo ca) chính thức đến nay, thu nhập mỗi tháng trên 2 triệu đồng. Tôi vui vì được học nghề yêu thích, có việc làm, thu nhập ổn định, trau dồi kỹ năng ứng xử, giao tiếp với khách hàng”.

Thành lập cuối năm 2018, Công ty TNHH May Hưng Lộc (thị trấn Thới Lai) thu hút nhiều lao động trên địa bàn vào làm việc. Ông Phạm Tấn Lộc, Giám đốc Công ty, cho biết, công ty có khoảng 70 công nhân, thu nhập theo sản phẩm, từ 80.000 - 200.000 đồng/người/ngày (tùy tay nghề). Để đảm bảo sản xuất, công ty thường xuyên đăng tuyển lao động, sẽ đào tạo nếu chưa có tay nghề. Chị Trần Thị Ngọc Hà, ở xã Trường Thắng, nói: “Từ 18 tuổi, tôi làm công nhân nhiều nơi, việc làm phù hợp, thu nhập ổn định nhưng xa nhà, chi tiêu khá cao. Sau khi lập gia đình, có con nhỏ, tôi nghỉ làm, về quê mướn mặt bằng mở tiệm bán quần áo nhưng không hiệu quả. Đúng lúc đó, công ty mới hoạt động, tuyển lao động nên tôi xin vào làm. Hiện tôi thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng”. Ngoài ra, nhiều lao động của huyện làm việc tại Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ, với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng cùng các chế độ, chính sách hiện hành. Qua thống kê, từ đầu năm đến nay, huyện GQVL cho 2.260 lao động trong và ngoài nước, đạt trên 45% kế hoạch.

Tăng cường vốn vay, tư vấn, hướng nghiệp

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 18 hộ vay 646 triệu đồng vốn nguồn vốn GQVL. Dư nợ đến cuối tháng 5-2019 đạt 18,332 tỉ đồng, với 578 hộ vay. Qua đó, tạo điều kiện để người dân mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bán nhỏ, tạo thêm việc làm tại chỗ cho nhiều lao động. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, bên cạnh hỗ trợ vốn vay ưu đãi, huyện vừa phối hợp tổ chức 4 điểm giao dịch việc làm theo cụm xã, góp phần tư vấn, hướng nghiệp, giúp lao động chọn học nghề, việc làm phù hợp khả năng và nguyện vọng. Qua đó, người lao động từng bước làm quen hình thức phỏng vấn sơ tuyển, mạnh dạn gặp gỡ, trao đổi và trình bày nguyện vọng với doanh nghiệp. Đối với công tác dạy nghề, huyện tập trung hoàn thành kế hoạch năm 2019 cũng như nỗ lực duy trì các mô hình dạy nghề gắn với GQVL, giúp lao động thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Từ nay đến cuối năm, huyện Thới Lai tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp về dạy nghề, việc làm, thông tin tuyển dụng trong và ngoài nước đến xã, thị trấn; chủ động liên kết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giới thiệu việc làm cho lao động; kiểm tra các hộ vay và sử dụng vốn GQVL. Đồng thời, nỗ lực duy trì, xây dựng mới các mô hình dạy nghề gắn với GQVL, phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài huyện để cung ứng lao động qua đào tạo nghề. Qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề, GQVL, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết