14/10/2022 - 15:28

Thới Lai phát triển kinh tế hợp tác 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Hướng đến phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, an toàn và bền vững, Huyện ủy Thới Lai đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 2-2-2021 (gọi tắt là Nghị quyết 05-NQ/HU) về đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2020-2025. Qua hơn 1 năm triển khai thực Nghị quyết, kinh tế hợp tác (KTHT) tại huyện có nhiều chuyển biến tích cực, các tổ hợp tác và hợp tác xã được củng cố, phát triển, phát huy vai trò tích cực trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện chuẩn hóa sản xuất theo các quy trình, kỹ thuật tiên tiến.

Nhãn Ido tại HTX Đồng Tâm.

Sau khi Nghị quyết 05-NQ/HU được ban hành, Huyện ủy, UBND huyện Thới Lai đã tổ chức quán triệt học tập và triển khai trong toàn hệ thống chính trị và tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để huy động sự tham gia, hưởng ứng của người dân. Các cấp ủy và chính quyền tại huyện cũng kịp thời cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình thực hiện nghị quyết sát hợp tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Ðặc biệt, tại 13/13 xã, thị trấn của huyện, Ðảng ủy, chính quyền tại địa phương đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch thực hiện cụ thể trong cả giai đoạn 2020-2025 và từng năm…

Các HTX, tổ hợp tác (THT) được củng cố, nâng chất, phát triển và khẳng định vai trò thúc đẩy liên kết hợp tác và nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Số lượng các HTX nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng tăng. HTX phát triển đa dạng các dịch vụ phục vụ thành viên, tạo cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho xã viên và người lao động.

Ông Nguyễn Văn Triều, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Ðồng Tâm, ở xã Ðịnh Môn, cho biết: "Nhờ liên kết giữa các hộ dân trồng nhãn, HTX có điều kiện tổ chức sản xuất nhãn cho trái rải vụ quanh năm và thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu. Nông dân tại HTX có thể đạt lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/ha/năm. HTX hiện có gần 60 thành viên, với diện tích trồng nhãn Ido hơn 120ha, trong đó có 24ha đạt theo VietGAP. HTX cũng đang được ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ xây dựng mô hình trồng nhãn theo hướng hữu cơ". Theo ông Trần Quang Vinh, Giám đốc HTX rau an toàn Trí Vinh ở xã Tân Thạnh, liên kết trong sản xuất và được ngành chức năng hỗ trợ ứng dụng các công nghệ cao trong trồng rau, đặc biệt trồng rau trong nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới nước tự động nông dân HTX nâng cao được lợi nhuận từ 6-12 triệu đồng/công/vụ.

Theo UBND huyện Thới Lai, doanh thu bình quân của HTX năm 2022 đạt hơn 6,05 tỉ đồng, tăng 119 triệu đồng so với năm 2020. Ðến nay, có 68,18% HTX thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra bằng các hợp đồng liên kết ổn định. Có nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao và thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, Global GAP. HTX giúp thu nhập nông nghiệp của các hộ thành viên tăng trung bình 10-15%, thậm chí tăng đến 20% nhờ việc giảm giá vật tư, phân bón đầu vào và tăng giá bán đầu ra các sản phẩm nông nghiệp. Ở nhiều địa phương, HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu. Toàn huyện có 22 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo Luật HTX mới, tăng 4 HTX so với năm 2020.

Ðến cuối năm 2022, huyện Thới Lai dự kiến có 29 HTX, thu hút 432 thành viên, tăng 4 HTX so với năm 2020, trong đó có 22 HTX nông nghiệp và 7 HTX phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện có 457 THT, thu hút 10.899 thành viên, trong đó 377 THT trong lĩnh vực nông nghiệp và 80 THT phi nông nghiệp, tăng 83 THT so với năm 2020.

Ðể phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX và THT trên địa bàn, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp các ban, ngành huyện và địa phương đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, nhất là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Tăng cường tập huấn kỹ thuật, giúp HTX và các THT ứng dụng các quy trình, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn tín dụng, thị trường, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm… Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thới Lai, từ năm 2020 đến nay, Phòng đã phối hợp với Chi Cục Phát triển Nông thôn TP Cần Thơ mở 12 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ cho khu vực kinh tế, với 309 thành viên HTX, THT tham dự. Phòng cũng đã phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan hỗ trợ 7 HTX thực hiện các quy trình sản xuất bền vững theo VietGAP và hữu cơ, hỗ trợ 2 HTX tham gia chuỗi sản xuất lúa an toàn và hỗ trợ 15 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như bơm tưới tự động, áp dụng công nghệ sinh học, chế biến sau thu hoạch… Ðồng thời, phối hợp các địa phương hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp và thương lái đến thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại các HTX, đặc biệt là bao tiêu lúa trong các cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 13.100ha.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05-NQ/HU đảm bảo mang lại nhiều kết quả tích cực hơn nữa, Ban Thường vụ Huyện Ủy Thới Lai yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân huyện tập trung quán triệt, thực hiện quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết. Tuyên truyền kết quả đạt được sau hơn 1 năm thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về nhận thức và hành động, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển KTHT, HTX, Luật HTX. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có mô hình hiệu quả, sáng kiến, sáng tạo mới. Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển KTHT, HTX ở địa phương. Ngành Nông nghiệp tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ HTX, THT xây dựng mô hình kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 gắn liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP…

Chia sẻ bài viết