25/07/2011 - 20:57

Thiếu vốn xây dựng ký túc xá sinh viên

Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đang học nhóm trong khuôn viên KTX của trường - được đưa vào sử dụng tháng 9-2010 từ nguồn trái phiếu chính phủ.

Xác định việc đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho sinh viên, hay còn gọi là ký túc xá (KTX) sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 60% học sinh, sinh viên ở các cơ sở đào tạo trên cả nước có nhu cầu được thuê chỗ ở trong KTX.
Tại TP Cần Thơ, hiện có 3 trường là ĐH Cần Thơ, CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ và CĐ Cần Thơ đã, đang và sẽ xây dựng KTX từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nhưng việc xây dựng còn gặp khó khăn, do thiếu vốn...

* An cư... để học tốt

Sự kiện Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ khánh thành Khu nhà ở sinh viên với quy mô khoảng 1.200 chỗ ở vào tháng 9-2010, đã làm nức lòng nhiều học sinh, sinh viên của trường đang ở trọ bên ngoài. Công trình này có tổng kinh phí trên 30 tỉ đồng, trong đó gần 20 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ. Thạc sĩ Nguyễn Thành Long, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, Trường đang đào tạo hơn 6.000 học sinh, sinh viên, phần lớn các em đều có hoàn cảnh khó khăn đến từ các tỉnh lân cận, phải thuê nhà trọ để đi học. Việc xây dựng KTX cho sinh viên sẽ giúp các em an tâm chỗ ở, học tập tốt”.

Khi chúng tôi đến KTX Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, đúng lúc các sinh viên đang học nhóm. Bạn Trần Ngọc Bích, quê ở tỉnh Sóc Trăng, sinh viên lớp cao đẳng Kế toán khóa 08, ở dãy C, KTX của trường, cho biết: “Được bố trí vào ở KTX, tôi rất an tâm. Tôi vừa có chỗ ở an toàn, vừa có thể tham gia các hoạt động học tổ, học nhóm và các phong trào đoàn thể. Nhờ vậy, tôi có điều kiện học tập tốt hơn, nhất là rèn luyện thêm các kỹ năng “mềm” khác, rất có ích cho tôi sau khi ra trường”. Tương tự, bạn Võ Chí Linh, sinh viên lớp cao đẳng Quản lý đất đai khóa 09, ở KTX của trường được 2 năm. Chí Linh còn kiêm Trưởng Ban tự quản KTX. Chí Linh bộc bạch: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, tôi thi đại học và nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ. Năm 2009, tôi trúng tuyển vào trường và xin trọ ở KTX đến nay. Ở KTX, không chỉ có chỗ ở tốt, an toàn mà còn giúp tôi tiết kiệm khoản chi phí đáng kể so với ở trọ bên ngoài”. Theo thạc sĩ Nguyễn Thành Long, mặc dù đã có nhiều cố gắng tạo điều kiện cho sinh viên vào ở KTX, nhưng KTX của trường hiện nay chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu chỗ ở cho sinh viên của trường. Do đó, trường ưu tiên xét duyệt cho các sinh viên thuộc diện chính sách, hoàn cảnh khó khăn vào ở.

Ngoài Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, các trường khác, như: ĐH Cần Thơ, CĐ Cần Thơ, CĐ Nghề Cần Thơ,... đang nỗ lực xây dựng KTX, đáp ứng yêu cầu chỗ ở cho sinh viên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án xây dựng KTX có tiến độ thực hiện chậm...

* Nhu cầu nhiều nhưng thiếu vốn...

Tháng 10-2009, Trường ĐH Cần Thơ khởi công xây dựng khu nhà ở sinh viên. Khu nhà ở sinh viên của trường gồm 8 dãy KTX 5 tầng, có quy mô gần 5.000 chỗ ở với kinh phí xây dựng 243 tỉ đồng từ vốn trái phiếu chính phủ. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và được đưa vào sử dụng cuối năm 2010. Theo ông Châu Văn Lực, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, từ khi khởi công, công trình được xây dựng đúng tiến độ nhưng từ cuối năm 2010 đến nay, tiến độ thi công chậm, thậm chí có lúc phải dừng thi công. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn. Năm 2011, trường được Nhà nước cấp 50 tỉ đồng nhưng chỉ đủ để trả phần nợ trước đó. Đến nay, công trình KTX đã được cấp khoảng 150 tỉ đồng, vẫn còn thiếu khoảng 90 tỉ đồng. Ông Châu Văn Lực băn khoăn: “Công trình cơ bản đã xây xong phần thô, chỉ còn cơ sở hạ tầng và nội thất. Nếu như được cấp đủ vốn, chỉ cần 3-4 tháng, công trình có thể đưa vào sử dụng. Nhưng với tiến độ cấp vốn và thi công cầm chừng như hiện nay, tôi e rằng mùa mưa đến công trình dễ bị xuống cấp”. Hiện nay, KTX cũ của trường chỉ có khoảng 4.500 chỗ, nếu như KTX mới đưa vào sử dụng sẽ có thêm gần 5.000 chỗ. Thế nhưng, khi KTX hoàn chỉnh, cũng chỉ giải quyết nhu cầu chỗ ở cho khoảng 30% sinh viên học viên đại học, sau đại học hệ chính quy của trường.

Việc thiếu kinh phí khi xây dựng KTX sinh viên không còn là vấn đề bức xúc của riêng Trường ĐH Cần Thơ. Khi chuyển sang đào tạo đa ngành vào năm 2006, Trường CĐ Cần Thơ đã tính đến chuyện xây dựng KTX. Tháng 5-2010, UBND TP Cần Thơ có quyết định số 1328/ QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình khối nhà ở sinh viên Trường CĐ Cần Thơ. Theo Quyết định, dự án có qui mô 800 chỗ ở cho sinh viên, tổng mức đầu tư gần 30 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2010-2012. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mặc dù có quyết định phê duyệt nhưng đến nay trường vẫn chưa thể khởi công công trình vì chờ... vốn. Trường đang đào tạo trên 6.000 sinh viên chính quy, nhưng KTX chỉ đủ đáp ứng cho khoảng 1.000 em, chiếm khoảng 16% tổng số sinh viên của trường. Do vậy, nhu cầu xây dựng KTX mới cho sinh viên hết sức bức thiết”. Theo ông Lợi, dự án xây dựng KTX sinh viên đã manh nha khá lâu nhưng vì trường cần phải ưu tiên xây dựng một số hạng mục bức xúc khác (phòng học, phòng thí nghiệm và nhà thi đấu đa năng,...) để phục vụ cho công tác đào tạo của trường. Ông Nguyễn Ngọc Lợi đề xuất: “Để KTX nhanh chóng khởi công xây dựng, nên chăng lãnh đạo thành phố có cơ chế “thoáng” hơn về sử dụng nguồn vốn, như: cho phép trường vay khoảng 10 tỉ đồng từ nguồn Quỹ Đầu tư Phát triển TP Cần Thơ; hoặc xây dựng KTX theo hình thức B-T - nghĩa là nhà thầu thi công tự ứng vốn xây dựng hoàn chỉnh dự án và giao cho chủ đầu tư mới nhận tiền...”.


***

Hiện nay, việc xây dựng KTX ở các trường ĐH, CĐ đều gặp khó về kinh phí. Nếu khó khăn này được quan tâm tháo gỡ, giúp KTX ở các trường sớm đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên an tâm, học tập tốt. Đặc biệt hiện nay, có những công trình đang thi công dang dở, nếu không tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, công trình sẽ dễ bị xuống cấp, gây lãng phí. Điều đáng quan tâm là nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng KTX thì mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 60% học sinh, sinh viên ở các cơ sở đào tạo trên cả nước có nhu cầu được thuê ở trong ký túc xá của Thủ tướng Chính phủ sẽ khó hoàn thành...

Bài, ảnh: B.NGỌC

Chia sẻ bài viết