02/01/2008 - 22:12

Bà Nguyễn Mỹ Thuận- Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ:

Thiếu hụt lao động đang là rào cản lớn đối với nghiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ

Vừa qua, Ban Thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện cuộc điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2007 ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và mở rộng ra TP Cần Thơ. Ở TP Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ đã thực hiện cuộc điều tra này với 40 doanh nghiệp tiêu biểu của các ngành. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, xung quanh vấn đề trên.

* Qua kết quả điều tra, bà đánh giá thế nào về cảm nhận môi trường kinh doanh của doanh nghiệp tại TP Cần Thơ ?

- Chúng tôi điều tra theo đơn đặt hàng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia phải trả lời 4 câu hỏi: đánh giá về môi trường kinh doanh hiện tại, những tiến bộ của môi trường kinh doanh, các biện pháp nào Chính phủ có thể làm để hoàn thiện môi trường kinh doanh, trong 3 năm tới doanh nghiệp có mở rộng kinh doanh không (tại sao). Trong số 40 doanh nghiệp tham gia, ngành thương mại- dịch vụ chiếm đa số và đều là doanh nghiệp trong nước. Năm 2007, các doanh nghiệp đánh giá là môi trường kinh doanh có cải thiện đôi chút, chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Sau một năm gia nhập WTO, các doanh nghiệp ở Cần Thơ đã cảm nhận được nhiều cái lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế, giảm bớt những rào cản và doanh nghiệp gia nhập thị trường tốt hơn. Nhưng bên cạnh nhận định tích cực vẫn còn nhiều vấn đề mà doanh nghiệp cho rằng chậm thay đổi.

* Cụ thể là những vấn đề gì, thưa bà?

- Như kết cấu hạ tầng, dù được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu; thủ tục đất đai, qui hoạch dự án; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hiệu quả của dịch vụ hành chính; thu thuế vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài ra, nguồn cung ứng lao động có tay nghề chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về việc ngày càng thiếu trầm trọng lao động có tay nghề, điều này tác động rất lớn đến sự phát triển của họ. Nhiều doanh nghiệp đề nghị xếp nguồn lao động có tay nghề cao vào nhóm những vấn đề phải giải quyết ngay để đảm bảo mục tiêu phát triển trong tương lai.

* Như vậy, trong 3 năm tới, doanh nghiệp ở Cần Thơ lựa chọn phương thức kinh doanh như thế nào?

- Các doanh nghiệp được điều tra ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều khẳng định sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới. Bởi việc mở cửa thị trường và sự tăng trưởng của thị trường nội địa sẽ tạo nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Song, phần lớn doanh nghiệp ở TP Cần Thơ lại chọn cách kinh doanh bình thường, không mở rộng qui mô. Họ lập luận rằng: cơ sở hạ tầng, lao động, thuế, luật pháp và sự cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề vẫn chưa được cải thiện như mong muốn. Hiện tại, doanh nghiệp đang đối mặt với sự biến động của nguồn lao động, họ gặp khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân viên có tay nghề chuyên môn cao. Đây là lần đầu tiên, sự thiếu hụt lao động trở thành rào cản chính khiến cho doanh nghiệp TP Cần Thơ không mở rộng kinh doanh.

Hơn nữa, TP Cần Thơ hiện không có “cổng” cung cấp thông tin cần thiết cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, như: công nghệ mới, muốn đăng ký sở hữu trí tuệ thì thủ tục ra sao, tìm số liệu về các doanh nghiệp trên địa bàn rất khó khăn. Mặc dù, trên cổng thông tin điện tử của UBND TP Cần Thơ đã có liên kết với một số sở, ban ngành, nhưng thông tin rất ít và không đầy đủ. Khi muốn tìm số liệu để so sánh, tham khảo thì không cập nhật được số liệu mới. Trong khi đó, số liệu mới là những thông tin mà doanh nghiệp cần tìm.

* Thưa bà, với những cản ngại trên, doanh nghiệp Cần Thơ kỳ vọng gì vào môi trường kinh doanh trong tương lai?

- Doanh nghiệp kiến nghị phải cải thiện việc thực thi pháp luật, bãi bỏ những giấy phép không cần thiết, kiểm soát tham nhũng.

Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp đã nhận thức được hội nhập và đang hội nhập, nhưng cần sự trợ lực từ bên ngoài. Bởi doanh nghiệp ở Cần Thơ đều nhỏ về qui mô, thiếu nguồn lực nên chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đạt được chất lượng theo yêu cầu của thị trường, chưa tiến hành được những nghiên cứu cải tiến sản phẩm cho phù hợp với thời đại. Trong khi đó, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà làm tốn nhiều thời gian, chi phí và cơ hội của doanh nghiệp. Do vậy, các chương trình hỗ trợ hoặc tư vấn cần phải đơn giản, được hướng dẫn, giải thích rõ ràng cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp rất ít thời gian và rất ngán ngại những qui định vòng vo, phức tạp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải thay đổi mới hội nhập và có được sự trợ giúp kịp thời hơn. Bởi nhiều cuộc hội họp, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp của các ban ngành, thành phố vẫn chưa đi tới nơi tới chốn, làm mất lòng tin của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp bức xúc và cần được hỗ trợ nhưng khi được mời tham dự hội thảo, thì ít doanh nghiệp đi dự, có doanh nghiệp chỉ cử nhân viên đi “cho phải phép”!

* Hội nhập kinh tế, nguy cơ sát nhập và mất thị trường ngay trên sân nhà đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn. Theo bà, doanh nghiệp ở Cần Thơ cần phải chọn hướng đi riêng ra sao để tồn tại?

- Doanh nghiệp ở Cần Thơ đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn yếu kém trên nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp đều nhận định sẽ khó khăn khi hội nhập kinh tế, nhưng họ chấp nhận đương đầu với thách thức, bởi nhận thấy được những thuận lợi nhiều hơn. Hiện tại, Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ hợp đồng với Sở Khoa học Công nghệ Cần Thơ đang tiến hành khảo sát 6 nhóm ngành nghề doanh, lắng nghe những ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp. Từ đó, Sở Khoa học Công nghệ có cơ sở xây dựng luận cứ cho Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2008- 2010. Để có thể cạnh tranh được trong môi trường kinh doanh đòi hỏi nhiều tri thức, doanh nghiệp cần phải nâng cao kỹ năng quản lý của chủ doanh nghiệp. Hy vọng, chương trình này sẽ giúp phần nào cải thiện kinh doanh và tự tin hội nhập cho doanh nghiệp ở TP Cần Thơ.

* Xin cảm ơn bà!

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết