01/07/2017 - 15:38

Thiêng liêng Đình Phong Phú

Ngôi đình ẩn mình trong những hàng cây sao, cây dầu xanh rì trên khu đất 4,2ha, tại khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Đình thu hút người dân địa phương và các tỉnh lân cận đến tưởng nhớ các bậc tiền nhân mở cõi. Ngoài những giá trị kiến trúc và tâm linh, đình còn là di tích lịch sử cách mạng.

Chứng tích lịch sử

Theo sách "Đình Việt Nam", NXB Khoa học Xã hội, của Giáo sư Hà Văn Tấn và nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự, đình được người dân làng Phong Phú xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, thờ Thành Hoàng. Các họa tiết trang trí tại đình như long, lân, quy, phụng, bát tiên, cá hóa long... đều mang phong cách mỹ thuật Nam bộ. Điểm đặc biệt của ngôi đình này so với những ngôi đình khác là thờ tượng không thờ vị (thờ tượng tròn). Thoạt đầu, đình lợp lá, vách ván, mái thấp. Đến năm 1937, đình được tu tạo với mái ngói âm dương, tường gạch. Năm 1948, đình bị phá bởi chiến tranh. Vào năm 1952, đình được tái lập lần thứ nhất trên nền đất cũ. Năm 1969, đình tái lập lần thứ hai. Sau giải phóng năm 1975, đình được tu sửa hoàn chỉnh và giữ nguyên cho đến ngày hôm nay.

Chánh điện đình Phong Phú.

Khi biết chúng tôi muốn thu thập tài liệu về ngôi đình Phong Phú, bác Phạm Hải Nam (ủy viên Hội đình Phong Phú), cũng là người thường xuyên giữ đình, nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan xung quanh ngôi đình và kể nhiều câu chuyện về những người trông đình thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Họ vừa ra sức giữ đình, vừa canh gác cho bộ đội tập trận phía sau đình. Để nuôi giấu cán bộ, nhóm Hội đình đào hầm bí mật trong khuôn viên đình vào những đêm tối. Hầm bí mật được hoàn thành năm 1959, trong khuôn viên (được ngụy trang thành miệng cống nhà tắm), dài khoảng 7m, dẫn ra vườn cao su phía sau đình. Lương thực, thực phẩm, thuốc men… tiếp tế cho bộ đội là tấm lòng của người dân vùng Thủ Đức đến viếng đình. Bà con nơi đây hào sảng, có gì mang tặng nấy, với mong muốn bộ đội có sức khỏe chiến đấu. Năm 1960 toàn bộ Hội đình bị bắt vì bị tình nghi có tiếp tế và quan hệ với cách mạng. Ở trong tù, mặc dù bị tra khảo, các cụ vẫn cương quyết không khai. Khi ra tù, Hội đình vẫn hướng về cách mạng, tiếp tục làm công tác hậu phương vững chắc. Dù nhiều lần địch theo dõi, đe dọa nhưng ý chí mọi người vẫn kiên định.

Ngày 20-10-1976, xã Tăng Nhơn Phú (nay là phường Tăng Nhơn Phú) được công nhận là xã anh hùng, trong đó có sự đóng góp to lớn của Hội đình Phong Phú. Càng vinh hạnh hơn khi đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trước đây là Bộ Văn hóa Thông tin) công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 18-1-1993. Và để ghi nhớ công lao của các chiến sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Hội đình tổ chức xây dựng khu tưởng niệm liệt sĩ. Có đến 179 chiến sĩ đến từ mọi miền đất nước đã ngã xuống mảnh đất này. Trong đó phải kể đến Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Bá (sinh năm 1923, tại Tăng Nhơn Phú), Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Huyện đội trưởng Thủ Đức- đã hy sinh ngày 8-11-1968.

Kiến trúc độc đáo

Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc, nhiều lần bị tổn thương vì bom đạn, đình Phong Phú vẫn an nhiên cùng thời gian. Kiến trúc của ngôi đình được bố trí cân đối, hài hòa với không gian ngoại cảnh. Đình Phong Phú có hai lớp cổng. Lớp thứ nhất có hai cửa tả- hữu, ở giữa tạc bia Ông Hổ. Lớp cổng thứ hai xây theo kiểu tam quan, chính giữa là tượng Bạch Mã. Sau tam quan là bàn thờ Thần Nông và hòn non bộ. Hai bên hòn non bộ có miếu Ngũ Hành Nương Nương và tượng Ông Hổ. Võ ca được đặt chính giữa đối diện với chính điện. Theo trục dọc công trình, chính giữa có tiền điện, chánh điện, nhà túc, nhà bếp. Hai bên chính điện là nhà truyền thống và nhà rửa rau quả. Trên nóc mặt tiền có trang trí lưỡng long tranh châu cẩn mảnh sành nhiều màu.

Bên trong đình, tất cả các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Điểm đặc biệt của ngôi đình là bàn thờ lộ thiên được đặt phía trước miếu Ngũ Hành Nương Nương. Thời kháng chiến, nơi đây dùng thắp nhang làm ám hiệu khi có quân địch xuất hiện. Vào ngày mùng Một, Rằm và lễ Kỳ Yên, người đến viếng đình rất đông, nhiều nhóm học sinh đến tìm hiểu giá trị lịch sử và kiến trúc của đình. Lễ Kỳ Yên, còn là lễ cầu an, tế Thành Hoàng lớn nhất trong năm của những ngôi đình thần ở Nam bộ. Đây cũng là lễ chính của đình Phong Phú, diễn ra vào ngày 14 đến 16 tháng 11 Âm lịch thường niên. Nếp sinh hoạt văn hóa này có từ rất lâu và hằng năm, cứ đến dịp lễ, hàng nghìn người dân địa phương nô nức đến đình. Mọi người thắp nén hương thành kính cầu an và tưởng nhớ đến những chiến sĩ cách mạng từng trú ngụ nơi này. Du khách tận ĐBSCL, Đông Nam bộ, miền Trung, thậm chí là miền Bắc cũng đến viếng đình. Lễ vật chính cúng đình là heo làm thịt để nguyên con. Ngoài ra, mỗi hộ dân nơi đây mang đến nhiều vật phẩm như xôi, gà luộc, heo quay, trái cây, chè, cháo… cúng đình.

Rất nhiều người dân gắn bó với ngôi đình như mạch sống, như kỷ niệm thiêng liêng. Nhiều thế hệ nhân dân ở đây ra sức gìn giữ ngôi đình và những tinh hoa văn hóa. Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đến viếng đình, thắp nén hương tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Bài, ảnh: ĐẶNG TRUNG THÀNH

Chia sẻ bài viết