06/03/2012 - 21:11

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ ĐỖ VĂN XÊ, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ:

Thí sinh nên "liệu cơm gắp mắm" !

Vào mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hằng năm, Trường ĐHCT có hàng chục ngàn thí sinh dự thi, nhưng chỉ tuyển chưa đến 10%. Làm gì để “cánh cửa đại học” ngày càng rộng mở hơn với thí sinh? Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết:

- So với năm 2011, chỉ tiêu năm nay của trường tăng khoảng 10%. Năm nay, trường mở thêm 2 chuyên ngành cao đẳng chất lượng cao thuộc ngành Công nghệ thông tin, với chỉ tiêu 200 sinh viên, gồm: Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ đa phương tiện. Trường phối hợp đào tạo với Tập đoàn Công nghệ thông tin Aptech (Ấn Độ). Do vậy, học phí của 2 chuyên ngành này sẽ cao hơn so với học phí của chuyên ngành bình thường, nhưng bù lại sinh viên thụ hưởng được nền giáo dục chất lượng cao. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp 2 bằng (bằng Cao đẳng Công nghệ thông tin, theo hệ thống bằng cấp quốc gia và một Giấy chứng nhận của Aptech).

Bên cạnh đó, trường mở thêm 2 chuyên ngành mới tại khu Hòa An, tỉnh Hậu Giang (cơ sở 2 của Trường ĐHCT), gồm: Khuyến nông, Kỹ thuật nông nghiệp. Mỗi chuyên ngành 80 sinh viên. Theo đó, Khuyến nông là một chuyên ngành mới của ngành Phát triển nông thôn (khối A, B); Kỹ thuật nông nghiệp là một chuyên ngành mới của ngành Nông học (khối B). Việc mở mới 2 chuyên ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL. Việc mở thêm chuyên ngành mới, lãnh đạo trường căn cứ vào nhu cầu xã hội, năng lực và chiến lược phát triển đào tạo của trường. Thực tế cho thấy, nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu ngày càng cao. Sinh viên được học chuyên sâu vào thực tế sản xuất, rèn luyện khả năng trên lĩnh vực nông nghiệp.

* Phó Giáo sư có thể nói rõ hơn về việc tuyển sinh cho cơ sở 2 của trường?

- Ngoài ba khu (I, II, III) tại TP Cần Thơ, Trường ĐHCT còn có thêm khu ở Hòa An, tỉnh Hậu Giang (cơ sở 2), tạo điều kiện cho học sinh ở các tỉnh lân cận (Hậu Giang, Kiên Giang) học tập dễ dàng hơn. Năm nay, trường tuyển 560 sinh viên cho 7 ngành. Về phương tiện giảng dạy, trường đã xây dựng các phòng học, ký túc xá, cơ sở thực hành, thực tập... phục vụ cho sinh viên, nhất là sinh viên ở khối ngành nông nghiệp. Vì là cơ sở đào tạo của Trường ĐHCT, sinh viên theo học nơi đây cũng giống như sinh viên học tại cơ sở của trường tại TP Cần Thơ. Tuy nhiên, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu muốn học tại tỉnh Hậu Giang thì phải ghi thêm là học tại Hòa An (ký tên ở dưới).

* Phó Giáo sư cho biết thêm về những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 vào trường?

- Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kỳ thi năm nay sẽ có thêm khối A1 (Toán, Lý, Anh văn). Trường nhận thấy rằng, khối A1 là một khối A, trong đó thay thế môn thi thứ 3 là Anh văn, thay vì môn Hóa. Việc đổi mới này xuất phát từ tuyển sinh vào ngành công nghệ thông tin, vì ngành này cần môn Anh văn hơn môn Hóa học; đồng thời cũng phù hợp với khối ngành Kinh tế, trong điều kiện hội nhập nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trường không tuyển khối A1, bởi những ngành khối A (các trường khác cần kiến thức Anh văn), thì trường có khối tuyển D1 (Toán, Văn, Anh văn). Khối ngành kinh tế, trường tuyển cả 2 khối A và D1, nếu sinh viên giỏi Anh văn thì có ưu thế đậu vào các ngành kinh tế. Còn khối D1 có môn Văn, chúng tôi nhận thấy cũng không lãng phí, bởi kinh tế cũng cần có lập luận, khả năng ăn nói... Đối với khối ngành công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, trường vẫn tuyển khối A, bởi Anh văn là một quá trình rèn luyện, phấn đấu lâu dài, chứ không phải là từ học phổ thông. Trường ĐHCT đảm bảm tạo điều kiện để sinh viên học Anh văn. Do vậy, trường giữ nguyên các khối tuyển truyền thống để đảm bảo ổn định. Vả lại, khối A1 mới phổ biến năm nay, số trường tuyển khối này không nhiều, nếu thí sinh rớt khối A1 thì khả năng tìm nộp hồ sơ đợt 2 không nhiều; ít nhiều gặp hạn chế.

Năm nay, thời gian xét tuyển nguyện vọng (NV) tiếp theo (tạm gọi là NV2, NV3), Bộ GD&ĐT cho phép kéo dài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có thời gian lựa chọn ngành nghề. Nhưng, thí sinh trúng tuyển NV2, NV3 sẽ nhập học trễ, ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ học tập của sinh viên. Do vậy, trường rút ngắn thời gian nộp hồ sơ còn 10 ngày; đồng thời rút ngắn thời gian xét tuyển. Thí sinh lưu ý, sau khi kết thúc nộp hồ sơ NV2 (5-9), ngay hôm sau, trường sẽ có thông báo danh sách trúng tuyển trên mạng. Thí sinh đọc danh sách trúng tuyển của mình ở trên mạng (thay thế giấy báo trúng tuyển) để nhập học, các thủ tục nhập học sẽ bổ sung sau. Thí sinh lưu ý, Trường ĐHCT chỉ đồng ý nhận hồ sơ bản chính. Tất nhiên, khi thí sinh nộp hồ sơ, nhà trường đảm bảo công khai hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em rút hồ sơ, kể cả sau khi thời gian hết hạn rút hồ sơ. Như mọi năm, năm nay trường sẽ không tuyển NV3.

* Nhiều năm qua, Trường ĐHCT thực hiện chương trình đào tạo tiên tiến ở một số ngành. Phó Giáo sư đánh giá như thế nào về chương trình đào tạo này?

- 6 năm qua, Trường ĐHCT được phân công đào tạo chương trình tiên tiến ở 2 ngành là Công nghệ sinh học và Nuôi trồng thủy sản. Điều kiện là, sau khi trúng tuyển vào Trường ĐHCT ở khối A, B, nếu thí sinh có nguyện vọng vào học chương trình tiên tiến sẽ phải đăng ký dự tuyển. Trường ĐHCT sẽ căn cứ vào 2 tiêu chuẩn: kết quả thi ĐH của thí sinh (tổng số điểm tuyển sinh, chỉ tiêu từng ngành) và tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh để xét tuyển.

Đào tạo theo chương trình tiên tiến là chủ trương của Bộ GD&ĐT, nhằm đưa chương trình đào tạo của các trường đại học trong nước gần với chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Chương trình tiên tiến ở Trường ĐHCT vận dụng một cách linh hoạt chương trình đào tạo của các trường đại học Hoa Kỳ vào giảng dạy cho sinh viên Việt Nam. Sinh viên học chương trình này sẽ học các học phần chuyên môn bằng tiếng Anh. Trường sẽ dành một học kỳ dạy ngoại ngữ để nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên. Bằng tốt nghiệp sẽ do Trường ĐHCT cấp và sinh viên có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, vững vàng về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, có cơ hội việc làm cao hơn tại một số đơn vị nước ngoài. Do học tập bằng ngôn ngữ tiếng Anh, sinh viên phải nỗ lực học ngoại ngữ, kể cả khi trúng tuyển vào chương trình. Ngoài ra, học phí của chương trình khá cao thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn lựa tham gia chương trình.

* Trong khi một số trường “than” việc tuyển sinh các ngành nông, ngư nghiệp gặp khó khăn, thì vì sao Trường ĐHCT lại mở chuyên ngành ở lĩnh vực này, thưa Phó Giáo sư?

- Quan niệm Trường ĐHCT là “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”, nhưng trường không chạy theo “đuôi” mà phải có “nền”. Nhu cầu xã hội cũng thay đổi theo thời gian. Chúng tôi không quan niệm như nông dân “trồng-chặt” mà bám “nền”; đồng thời trường có trách nhiệm với ĐBSCL. Mặc dù, nền kinh tế phát triển nhưng nền tảng của vùng ĐBSCL vẫn là nông nghiệp. Nông nghiệp là nền tảng lâu dài của trường, nên không vì nhu cầu thiển cận của xã hội mà trường bỏ nền tảng này. Dĩ nhiên, đào tạo nông nghiệp có điều chỉnh cho phù hợp, trước đây, đào tạo nông nghiệp theo hình thức tự cung- tự cấp; hiện nay, đào tạo nông nghiệp trên cơ sở sản xuất hàng hóa để mua bán, khoa học nông nghiệp cũng phải gắn sát với sản xuất công nghiệp... Thực tế, chúng tôi đã từng chứng kiến, có những năm trường tuyển không đủ chỉ tiêu ngành nông nghiệp, nhưng có lúc nhu cầu đào tạo ra không đủ.

* Phó Giáo sư có lời khuyên gì đối với thí sinh trước thềm tuyển sinh ĐH, CĐ?

- Muốn vào Trường ĐHCT, trước mắt thí sinh phải đậu THPT. Kế đó là chọn ngành đúng là quan trọng nhưng đừng xem đó là tất cả, cân nhắc nhưng đừng quá nghiêm trọng. Việc học là một quá trình lâu dài, không nên chú ý quá nhiều đến thị trường lao động. Ngành dựa vào thị trường lao động là yếu tố tham khảo. Thí sinh nên vào trang web của trường (www.ctu.edu.vn) xem chi tiết ngành học, chương trình đào tạo để xem có phù hợp với mình. Khi thi vào Trường ĐHCT, sự sàng lọc rất mạnh, năm 2011, trường có khoảng 90 ngàn thí sinh dự thi, nhưng tuyển chưa đến 10%. Vì thế, thí sinh nên chọn ngành vừa sức, “liệu cơm gắp mắm”, để “cánh cửa đại học” đối với các em càng rộng mở hơn.

* Xin cảm ơn Phó Giáo sư!

BÍCH NGỌC (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết