12/01/2010 - 20:54

Dự án thủy lợi Ô Môn- Xà No

Thi công dở dang, người dân sốt ruột

Hơn một năm nay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, HĐND, bà con ở các địa phương có triển khai thực hiện dự án (DA) thủy lợi Ô Môn- Xà No đều phản ánh tình trạng công trình này thi công dở dang, kéo dài, chưa phát huy tác dụng như mục tiêu đề ra. Dù vậy, cho đến nay trên công trường vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy DA sẽ thi công trở lại, khiến nhiều cử tri càng sốt ruột, bức xúc...

VUI CHƯA TRỌN ...

Ba năm trước, người dân ở dọc theo tuyến kinh Tắc Ông Thục rất phấn khởi khi tuyến đường giao thông dọc theo kinh này được nâng cấp, mở rộng lên 3 mét, tráng xi măng, xe 4 bánh lưu thông dễ dàng. Nhiều người càng mừng khi nghe nói các con kinh nằm trên tuyến giao thông này sẽ được làm các cống đóng - mở tự động, phần phía trên cống hở được thiết kế thành cầu bê - tông chắc chắn, bắc qua các tuyến kinh, vừa giúp giao thông thuận lợi, vừa kiểm soát lũ vào mùa mưa và chứa nước phục vụ sản xuất vào mùa khô. Tuyến đường giao thông trên nằm trong hệ thống đê bao khép kín, thuộc tiểu DA Thủy lợi Ô Môn- Xà No (thuộc DA Thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. DA triển khai trên địa bàn của 3 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Mục tiêu của DA là phát triển hệ thống giao thông nông thôn, kiểm soát lũ, phục vụ tưới tiêu cho phần diện tích bên trong hệ thống đê bao. Trên địa bàn TP Cần Thơ, có 3 địa phương hưởng lợi từ DA là quận Ô Môn và các huyện Phong Điền, Thới Lai. DA được triển khai từ năm 2005 nhưng đã tạm ngưng thi công vào cuối tháng 12-2008 và đến nay vẫn “im lìm”...

Cầu kinh Bờ Tre (ấp Trường Đông A, xã Tân Thới) đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Phải thừa nhận rằng, dù công trình còn dang dở nhưng DA đã mang lại hiệu quả nhất định. Ở những nơi đê bao đã hoàn thành, mặt đê đã hình thành tuyến đường giao thông khá tốt. Ông Nguyễn Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: Ở những nơi DA đã xây dựng xong, xe hai bánh đi lại dễ dàng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của xã; một số tuyến kinh đã lắp đặt cống bắt đầu phát huy tác dụng kiểm soát lũ. Tuy nhiên, do DA chưa hoàn chỉnh, nhiều cống chưa được xây dựng nên giao thông còn bị chia cắt, gây nhiều bức xúc trong nhân dân”.

THI CÔNG DỞ DANG, KÉO DÀI...

Hiện nay, người dân trong vùng thực hiện DA rất bức xúc trước việc DA thi công dở dang, rút lui không hẹn ngày thi công trở lại. Chỉ tính trên địa bàn xã Tân Thới còn 4 cống hở và 7 cống ngầm chưa được xây dựng. Tại các nơi chờ thi công cống, các mố cầu thấp hơn mặt đường từ 5-7 tấc, do dó các phương tiện giao thông rất khó lưu thông. Anh Trần Văn Dũng, một người dân ở ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, cho biết: “Mùa khô còn đỡ, chứ tới mùa mưa đi qua các mố cầu này rất nguy hiểm, tai nạn xảy ra thường xuyên”. Đáng lo ngại hơn là nhiều cầu đã xuống cấp, không được tu sửa. Cây cầu ván bắc qua kinh Bờ Tre (ấp Trường Đông A, xã Tân Thới) cứ run lên bần bật mỗi khi có người qua lại. Cầu này đã xuống cấp hơn hai năm nay, nhưng chưa được xây lại do chờ tháo dỡ xây dựng cống. Do mặt cầu hư hỏng nặng nên chính quyền địa phương vận động người dân “vá” tạm bằng nhiều loại gỗ để lưu thông, nhưng cũng không an toàn, đã có nhiều người và xe rớt xuống sông.

Người dân lưu thông qua cây cầu gặp khó đã đành, những hộ có nhà đất ở gần cầu cũng “đứng ngồi không yên”. Ông Nguyễn Văn Chính, nhà ở gần cây cầu này cho biết: “Năm 2008, có một đoàn cán bộ xuống đây đo đạc và nói rằng phần đất của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng cống Bờ Tre. Tới giữa năm 2009, do căn nhà đang ở xuống cấp nghiêm trọng tôi xin phép cất lại, UBND xã không cho vì đất nằm trong DA”. Trong khi đó, ông Chính không biết được đất mình bị ảnh hưởng bao nhiêu, vị trí xây dựng cống ở đâu và bao giờ thì DA khởi công xây dựng, việc bồi thường thiệt hại như thế nào... Ông Chính bức xúc: “Tôi chỉ mong Ban quản lý DA sớm thông tin cụ thể cho các hộ liên quan biết việc giải tỏa, đền bù ra sao để chúng tôi ổn định cuộc sống”. Hiện nay, còn nhiều hộ ảnh hưởng bởi DA thủy lợi Ô Môn-Xà No cũng bức xúc như gia đình ông Chính. Ông Nguyễn Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thới, cho biết: “Người dân rất bức xúc về tiến độ quá chậm của DA, hầu như trong các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, huyện lần nào cũng có nhiều ý kiến người dân đề nghị chủ đầu tư sớm thực hiện hoàn chỉnh DA...”.

Trên tuyến kinh Tắc Ông Thục đi qua địa bàn phường Trường Lạc, quận Ô Môn, cũng còn 4 cống ngầm và 5 cống hở chưa được xây dựng. Ngày 8-1 vừa qua, chúng tôi có mặt tại cầu Trà Dệt (khu vực Bình Yên, phường Trường Lạc) cũng là lúc chính quyền địa phương và người dân nơi đây đang tu sửa cây cầu này. Người dân nơi đây rất mong DA sớm triển khai trở lại để khỏi “phập phồng” khi qua lại những cây cầu đã xuống cấp. Ông N.V.H, ở khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, nói: “DA đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng đê bao, đường giao thông, nhiều cống ngầm, cống hở,... Nhưng còn lại một số nơi chưa thi công nên giao thông trắc trở, mà kiểm soát lũ cũng không được. Với tiến độ như hiện nay, đến khi các hạng mục mới hoàn thành, các hạng mục xây dựng xong trước đó đã xuống cấp, dễ lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân”. Còn ông Trần Văn Rạng, Cán bộ Giao thông - Thủy lợi, phường Trường Lạc, cho biết: “Nếu các cống dọc theo tuyến đê bao Tắc Ông Thục này được xây dựng hoàn chỉnh thì từ Quốc lộ 91 sẽ có thêm một tuyến đường xe ô tô tới được trung tâm phường và đến Phong Điền. Do vậy công trình hoàn thành nhanh chừng nào là tạo cơ hội cho những phường vùng ven phát triển nhanh chừng ấy”.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, cho biết: Ngày 9-3-2009,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt DA Ô Môn - Xà No giai đoạn 2, thuộc các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.  Riêng trên địa bàn TP Cần Thơ các hạng mục sẽ được đầu tư tiếp gồm: 35 cống cấp 2 (trong đó 17 cống hở, 18 cống ngầm), nạo vét 25 tuyến kênh thủy lợi cấp 2 trong vùng thực hiện DA. Toàn bộ các hạng mục này sẽ hoàn thành trước ngày 31-12-2012. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng 10, trực thuộc Bộ làm chủ đầu tư các hạng mục này. Chủ đầu tư đang lập thủ tục đấu thầu thiết kế, thi công các gói thầu của DA và dự kiến sẽ triển khai thi công vào đầu năm 2010.

Trước những bức xúc của người dân, tháng 2-2009, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã tổ chức giám sát việc thực hiện DA Ô Môn - Xà No trên địa bàn thành phố. Theo nhận định của Đoàn giám sát, do DA chưa hoàn chỉnh, nên DA chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra, nhiều nơi còn dở dang, người dân bức xúc. Đoàn giám sát đã đề nghị các bộ, ngành bố trí vốn tiếp tục thi công DA. Thế nhưng, đã gần một năm trôi qua, DA vẫn chưa được triển khai trở lại...

Việc thi công kéo dài và DA đình trệ quá lâu làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nơi đây đã khiến nhiều cử tri rất bức xúc. Bà con cử tri kiến nghị thành phố và các ngành chức năng cần có biện pháp thúc đẩy DA tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết