18/08/2020 - 11:07

Thêm phương án lựa chọn trong thanh toán tiền điện 

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, dự thảo quy định biểu giá bán điện cho khách hàng sử dụng điện với mục đích sinh hoạt, và ngoài mục đích sinh hoạt. Ở mỗi đối tượng, Bộ đề xuất 2 phương án để lấy ý kiến.

Nhân viên Điện lực Ninh Kiều, thuộc Công ty Điện lực TP Cần Thơ tuyên truyền cho hộ doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm.

Nhân viên Điện lực Ninh Kiều, thuộc Công ty Điện lực TP Cần Thơ tuyên truyền cho hộ doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm.

Theo Quyết định 28/2014/QÐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (gọi tắt là Quyết định 28), giá bán lẻ điện được quy định cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp và sinh hoạt. Triển khai nhiệm vụ được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nghiên cứu, xây dựng các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã chỉnh sửa, bổ sung Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sửa đổi Quyết định 28 lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét quyết định.

Dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc; phương án 2, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ một giá: khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình. Cụ thể, bậc 1 từ 0-100kWh, tăng số bậc thang từ 101kWh trở lên tới 401kWh ở các bậc 2, 3, 4 và bậc 5 (bậc cao nhất) sẽ lên mức 701kWh.

Ðối với phương án 2, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn là phương án 2A và 2B. Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá tương ứng 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Tỷ lệ giá bán lẻ so với mức giá bán lẻ điện bình quân ở các phương án cũng có chênh lệch nhau. Nếu ở phương án 1, bậc 1, có tỷ lệ 90% thì bậc 5 ở mức cao nhất với 168%. Trong khi phương án 2A, bậc 5 mức cao nhất 274% và phương án 2B là 185%.

Với các phương án này, dự thảo quy định khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm. Hiện nay, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (áp dụng từ ngày 20-3-2019). Nếu áp dụng phương án 2A, điện một giá sẽ lên tới trên 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Ðặc biệt, các phương án đưa ra trong dự thảo vẫn giữ nguyên chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Hằng tháng, các hộ gia đình nghèo sẽ nhận được sự hỗ trợ tiền điện sinh hoạt tương đương với tiền điện sử dụng 30kWh (tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành). Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương sử dụng 30kWh (tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành). Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác.

Việc bổ sung thêm phương án một giá cùng những quy định đi kèm giúp các hộ khách hàng có thêm lựa chọn khi thanh toán tiền điện. Theo Bộ Công Thương, 2 phương án điều chỉnh các bậc thang nêu trên đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt.

Ðối với khách hàng sử dụng điện cho mục  đích ngoài sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng dự thảo 2 phương án để lấy ý kiến. Theo đó, phương án 1, khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 3 nhóm: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh; trong đó, nhóm sản xuất đã bao gồm cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics. Phương án 2, gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm là khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt. Việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nêu trên đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được ban hành tại Quyết định 648/QÐ-BCT ngày 20-3-2019 của Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Bộ Công Thương cho rằng, các phương án sửa đổi nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của khách hàng sử dụng điện hiện nay.

Theo các chuyên gia, xu hướng chung của thế giới là giảm dần số bậc thang và đưa về 1 giá điện khi thực hiện thị trường điện bán lẻ cạnh tranh đầy đủ. Việt Nam cũng đã phê duyệt lộ trình thị trường điện cạnh tranh, do đó, việc giảm số bậc thang là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là làm thế nào để hài hòa lợi ích hộ tiêu dùng, cân bằng tài chính cho ngành điện.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết