07/05/2009 - 08:59

WHO công bố:

Thêm một quốc gia phát hiện bệnh nhân cúm A(H1N1) và đã có 1.516 người nhiễm cúm trên toàn thế giới

* Nguy cơ dịch cúm A (H1N1) xâm nhập vào Việt Nam và lây lan là rất lớn

(TTXVN)- Thông tin mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tính đến ngày 6-5, trên toàn thế giới đã có 1.516 người nhiễm cúm A(H1N1), trong đó có 431 ca nhiễm mới ở 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Guatemala là quốc gia mới nhất có bệnh nhân cúm.

Tại Mexico, quốc gia đầu tiên phát hiện bệnh nhân cúm đã có 822 trường hợp trong đó 29 trường hợp tử vong. Trước tình hình dịch tiếp tục lan rộng, WHO khuyến cáo những người sức khỏe yếu không nên đi xa, du khách quốc tế có triệu chứng của bệnh cúm nên đến cơ sở khám, chữa bệnh theo đúng hướng dẫn của nhà chức trách nước sở tại.

Theo Cục Y tế Dự phòng và môi trường Việt Nam: Đến nay, Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm cúm A(H1N1) nhưng với tinh thần tích cực, chủ động phòng chống dịch, ngăn không cho dịch xâm nhập, Bộ Y tế triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, sàng lọc các đối tượng nguy cơ cao tại các cửa khẩu, sân bay quốc tế. Đồng thời, có các phương án dự phòng, chuẩn bị sẵn phương tiện, thuốc men để chủ động đối phó với các tình huống xảy ra. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng theo đúng quy cách và đến cơ sở khám, chữa bệnh ngay nếu có bất kỳ biểu hiện của triệu chứng bệnh cúm.

WHO tiếp tục khuyến cáo cộng đồng quốc tế là chưa có nguy cơ nhiễm cúm A (H1N1) do ăn thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo đã nấu chín kỹ...Vì vậy mọi quốc gia và mỗi người dân không được tẩy chay thịt heo.

Chiều 6-5, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Nguyễn Huy Nga đã cho biết: tại 10 cửa khẩu đường không, đường bộ, đường thủy (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Lạng Sơn, Tây Ninh, Quảng Trị, An Giang, Hải Phòng, Lào Cai và Kon Tum) đã giám sát được 17.969 hành khách nhập cảnh, phát hiện 2 trường hợp bị sốt và đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm (hiện chưa có kết quả xét nghiệm).

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, trên thế giới, hàng ngày tiếp tục xác nhận thêm các nước mới có trường hợp mắc bệnh cúm A(H1N1) và các trường hợp nghi ngờ. Phần lớn các trường hợp mắc có liên quan đến việc nhập cảnh từ các nước có dịch. Trong điều kiện giao lưu rộng rãi giữa các nước, các khu vực, hàng ngày có hàng chục nghìn hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, nên nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào Việt Nam và lây lan là rất lớn. Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai các hành động khẩn cấp phòng, chống dịch, nhất là công tác giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Đến 17 giờ chiều 6-5, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm A (H1N1).

Để phòng chống dịch cúm A (H1N1) xâm nhập vào Việt Nam có hiệu quả, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị, tuyên truyền về cúm A (H1N1) cho các đơn vị y tế 63 tỉnh, thành phố tại 3 khu vực. Đồng thời, Bộ chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố cử người trực 24/24 giờ để phối hợp giám sát. Bộ cũng yêu cầu các bệnh viện, các cơ sở điều trị trên địa bàn các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ cúm A (H1N1) nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc đầu tiên và xử lý kịp thời không để dịch lây lan.

NHẬT MINH - Thu Phương (TTXVN)

Chia sẻ bài viết