23/12/2023 - 18:33

Thêm một phim Việt thu hút khán giả 

“Kẻ ăn hồn” là phim điện ảnh do đạo diễn Trần Hữu Tấn chuyển thể từ tiểu thuyết của Thảo Trang. Phim hiện đang thu hút đông đảo khán giả đến rạp vì đây được xem là phần tiền truyện của “Tết ở làng Địa Ngục” - phim kinh dị 12 tập chiếu trên Netflix, được nhiều người yêu thích. Cùng một ê-kíp sản xuất với phim truyền hình và được chính tác giả Thảo Trang làm biên kịch nên “Kẻ ăn hồn” giữ được những ưu điểm: cốt truyện hấp dẫn, hóa trang, kỹ xảo chất lượng…

Vợ chồng Phong (Hoàng Hà) và Sang (Võ Điền Gia Huy) trong phim.

Ra rạp từ ngày 15-12, trễ một tuần so với lịch chiếu dự kiến, nhưng điều đó không khiến “Kẻ ăn hồn” bị giảm sức hút và sự quan tâm của khán giả. Phim nhận nhiều phản hồi tích cực và doanh thu đạt hơn 34 tỉ đồng sau hơn 4 ngày khởi chiếu.  

Kịch bản “Kẻ ăn hồn” độc lập, nên nhiều khán giả chưa xem phim truyền hình vẫn có thể hiểu nội dung. Phim mở màn với cảnh đám cưới của Phong (Hoàng Hà) và Sang (Võ Điền Gia Huy) tại làng Địa ngục, nằm trên núi cao và tách biệt với thế giới xung quanh. Vì tổ tiên họ từng gây nên nhiều vụ thảm sát nên người trong làng phải chịu một lời nguyền lâu đời là không thể xuống núi. Sau đám cưới, hàng loạt vụ án mạng lần lượt diễn ra trong làng, mỗi người chết đều bị mất đi một bộ phận cơ thể. Do thể chất, Phong có thể nhìn thấy linh hồn người đã mất và cô nghi ngờ trong làng đang có kẻ luyện tà thuật vì mọi manh mối đều liên quan đến Thập Nương (Lan Phương) - một linh hồn mang nỗi oán hận với người làng và muốn hồi sinh bằng tà thuật. Nhưng kẻ thủ ác thật sự là người mà cô không thể ngờ…

Điểm mạnh đầu tiên của phim nằm ở bối cảnh, phục trang, hóa trang với hình ảnh ngôi làng, đời sống của người dân… được khắc họa ấn tượng với những cảnh quay đẹp mắt trên cao nguyên đá Hà Giang. Những cảnh tạo cảm giác sợ hãi khá chân thật nhờ khâu hóa trang, kỹ xảo, hiệu ứng âm thanh khá tốt. Một điều đáng ghi nhận là phim chú ý khai thác chất liệu văn hóa dân gian qua nhiều hình ảnh hay phong tục, tập quán. Tiêu biểu như cảnh đám cưới ở đầu phim dễ liên tưởng đến “đám cưới chuột”, cảnh treo khăn tang khi có người mất… Cốt truyện phim gây tò mò cho khán giả vì mở ra nhiều tình tiết đáng ngờ mà không rõ ai là hung thủ, chỉ khi xem đến cuối mới tỏ tường sự thật. Phim cũng không lạm dụng những màn hù dọa bất ngờ, gây giật mình như các phim kinh dị thường thấy mà gieo nỗi sợ bằng câu chuyện bí mật với hiệu ứng thị giác, tiếng động.

Thế nhưng, do tập trung quá nhiều ở phần đầu và chưa cài cắm tốt các chi tiết nên phần kết phim bị rơi vào tình trạng chóng vánh, một số chi tiết chưa thực sự thuyết phục khi dồn tất cả để bùng nổ ở phần cuối. Lời thoại phim còn mang tính kịch nhiều hơn đời thường. Diễn xuất của các diễn viên chưa đồng đều…

So với mặt bằng chung phim kinh dị Việt, đây là một dự án khá tốt, đặc biệt là lời giải cho các yếu tố ma mị trong phim không còn bị bó buộc trong phạm vi hẹp như trước kia nên phần nào thỏa mãn được khán giả yêu thích thể loại này.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết