05/01/2010 - 09:01

Thêm 3 văn bản cổ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

* Trưng bày hình ảnh, hiện vật thuộc quần thể di tích lịch sử Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa vào dịp Tết Canh Dần

Ngày 4-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Ngô Hòa cho biết: từ tháng 8-2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 3 văn bản cổ có giá trị lớn về mặt lịch sử, được lập cách đây hàng trăm năm, liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Hai văn bản đầu tiên là 2 tờ Châu bản của nhà nghiên cứu Phan Thuận An tại phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, con gái vua Đồng Khánh, là cô ruột của vua Bảo Đại. Tờ Châu bản thứ nhất được lập ngày 15-2 năm Bảo Đại thứ 13 (tức năm 1939), do quan Đổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh tấu lên. Sau khi xem xét, vua Bảo Đại phê hai chữ “Chuẩn y” với bút phê màu đỏ và ký 2 chữ “BĐ” (Bảo Đại). Nội dung của tờ Châu bản ghi “Vào ngày 10-2-1939, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ có đề nghị Nam Triều nên thưởng Huy chương Long Tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong việc “lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa”.

Tờ Châu bản thứ 2 ghi ngày 3-2-1939, đính kèm là văn bản bằng tiếng Pháp của Khâm sứ Trung kỳ trình lên Nam triều. Nội dung của tờ Châu bản này như sau: “Vào ngày 2-2-1939, Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil gửi cho Đổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng Huy chương Long Tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, người vừa qua đời đúng ngày hôm ấy. Trước đó, ông này giữ chức vụ Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa. Trong thời gian công tác tại đây, ông đã bị nhiễm bệnh sốt rét, rồi mất tại Nhà thương lớn ở Huế”. Ngay trong ngày 3-2-1939, tờ phiến và bản sao văn thư này được Ngự tiền Văn phòng dâng lên vua Bảo Đại. Đọc xong tờ phiến và văn thư đính kèm, Vua Bảo Đại chấp nhận ngay lời đề nghị, liền phê 2 chữ “Chuẩn y” và ký tắt 2 chữ BĐ bằng bút chì màu đỏ.

Một văn bản khác được phát hiện tại thôn Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) là văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm để xử lý vụ kiện giữa phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang) và phường Mỹ Toàn (nay là thôn Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc). Nội dung văn bản cho thấy, thời nhà Nguyễn đã có đội quân chuyên trách quản lý và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa.

Hiện, các văn bản nói trên đều được bàn giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý; riêng tờ Châu bản thứ nhất nêu trên đã được bàn giao cho Bộ Ngoại giao nước ta.

* Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Quảng Ngãi cho biết: Các tài liệu, hiện vật và các mô hình thuyền... sẽ đưa vào trưng bày phục vụ khách tham quan tại Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật thuộc quần thể di tích lịch sử Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn vào dịp Tết Canh Dần 2010.

Sở Văn hóa, Thể thao, Du Lịch Quảng Ngãi cùng sẽ tổ chức phòng trưng bày các hình ảnh, tài liệu và các hiện vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại thành phố Quảng Ngãi, sau đó sẽ tiếp tục trưng bày tại các địa phương trong tỉnh. Sở đã kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch nâng tầm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn thành lễ hội văn hóa cấp Quốc gia.

Việc bảo tồn tôn tạo khu di tích lịch sử Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại huyện đảo Lý Sơn, nhằm ghi nhớ sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ trong đội Hoàng Sa-Trường Sa của 2 làng An Vĩnh và An Hải, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, dựng nước và giữ nước của dân tộc trên vùng biên giới hải đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền của dân tộc.

QUỐC VIỆT - NGUYỄN ĐĂNG LÂM (TTXVN)

Chia sẻ bài viết