05/04/2020 - 11:09

Thế lưỡng nan của Hollywood 

Khi nhiều tập đoàn tham gia dịch vụ trực tuyến với những kênh riêng, thì cuộc chiến giữa màn ảnh rộng và nền tảng trực tuyến cũng không còn gay gắt như trước. Thay vào đó, vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất, phát hành là: chất điện ảnh sẽ được giữ như thế nào khi ranh giới giữa màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ đang dần xóa nhòa.

“Superintelligence”.

Sean Bailey, Giám đốc sản xuất của Walt Disney Studios, cho rằng một phim có chất điện ảnh hay xi-nê (theatricality) buộc khán giả phải xem trên màn ảnh rộng và có mong muốn được thưởng thức ngay (dù phải chịu chi trả tối thiểu khoản 15 USD). Tuy nhiên, với nền tảng dịch vụ trực tuyến mà Netflix tiên phong, cũng với số tiền đó, khán giả được xem thêm nhiều nội dung và tác phẩm, trong thời gian dài hơn. Vì thế, Netflix từng bị xem là “kẻ phá bĩnh” công nghiệp điện ảnh; mà nay thì hằng loạt các tập đoàn lớn như Walt Disney, Warner Bros., Paramount Pictures, Universal Pictures đều ra mắt dịch vụ trực tuyến độc quyền. Vấn đề đặt ra là phim nào của hãng lớn nên được phát trực tuyến? Chất điện ảnh được đánh giá như thế nào để lựa chọn? 

Có thể lý giải vấn đề khi Warner Bros. rút “Superintelligence” (có sự tham gia của Melissa McCarthy) khỏi lịch phát hành rạp ở kỳ lễ cuối năm 2020 và gửi cho dịch vụ phát trực tuyến sắp ra mắt HBO Max. Jeff Bock, nhà phân tích cấp cao của Exhibitor Relations, cho rằng: “Có phim mà Melissa McCarthy tham gia sẽ là cú hích lớn cho HBO Max. Nhưng nếu ở rạp, “Superintelligence” chỉ chiếu trong vài tuần và không đoán trước được điều gì”. Đó là bởi khả năng bảo chứng phòng vé của Melissa McCarthy không ổn định. Hai tác phẩm “Life of the Party” và “The Kitchen” của cô đều không có hiệu ứng phòng vé như kỳ vọng. “Đó là điều mà các hãng phim cân nhắc: điều gì hiệu quả ở rạp và điều gì không”, Jeff Bock nói thêm.

Một vấn đề khác là xây dựng hệ thống nội dung mang bản sắc riêng trên nền tảng phát trực tuyến. HBO Max được đầu tư có chiến lược khi các nội dung được xác định từ đầu và giao cho Warner Max - đơn vị sản xuất nội dung mà Warner Bros. đầu tư cho HBO Max. Trong khi đó, Peacock của Comcast và Universal lại đang chập chững. Peacock sẽ ra mắt vào giữa tháng 4 này với nội dung được quyết bởi đội ngũ Universal. Cho đến thời điểm hiện nay, Peacock vẫn chưa có gì mới ngoài những thông tin về nội dung phim được lấy từ Universal, Forcus Feature, DreamWorks Animation, Illumination. CBS ALL Access của ViacomCBS đang chuẩn bị đầu tư nội dung. Bob Bakish, Giám đốc điều hành ViacomCBS đưa ra chiến lược mở rộng kết nối với Paramount và CBS ALL Access sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 phim từ Paramount.

Disney là đơn vị chuẩn bị tốt nhất cho việc xác định nguyên tắc chọn phim phát trực tuyến. Sean Bailey, Giám đốc sản xuất của Walt Disney Studios, nói: “Trên Disney+ chúng tôi tạo ra sự đa dạng và có thể loại phim mà chúng tôi ngừng sản xuất cho thị trường chiếu rạp. Chúng tôi cũng có thể hợp tác với một số nhà làm phim đang lên nhưng gặp khó về tài chính”. Disney đã đầu tư làm phiên bản live-action “Lady  and the Tramp”, hay rót vốn cho Julia Hart và Lena Khan để hoàn thành các dự án “Stargirl” và “Flora and Ulysses”. Walt Disney Studios đặt mục tiêu làm từ 3-5 phim do người đóng, phát trực tuyến hàng năm. Hiện đã có khoảng 6 dự án cho Disney+ đang sản xuất, trong đó có “Home Alone”, “Godmothered”… Những dự án này sẽ được tăng cường nội dung phim từ các đơn vị khác như: Walt Disney Animation, Disneynature… Với thương hiệu Star Wars, Disney cũng có dự án làm phim nhiều tập phát trên Disney+. Sean Bailey, Giám đốc sản xuất của Walt Disney Studios ghi nhận rằng nền tảng trực tuyến mang về nhiều thành công và cho rằng: “Điều đó trả lời về bản chất phim nhiều tập so với bản chất của phim điện ảnh”.

Các hãng phim lớn đã dành nhiều thế kỷ để phát triển và sản xuất phim dành cho rạp xi-nê, do đó sự xoay trục sang phát trực tuyến sẽ còn gây ra nhiều tranh luận trong giới chuyên môn. Còn với nhiều khán giả, phát trực tuyến đồng nghĩa với phim bộ. Ross Benes, nhà phân tích tại eMarketer, nói: “Nhà sản xuất có thể làm các phần tiếp theo cho một phim chiếu rạp, nhưng vài năm mới một lần. Điều này khác với việc mỗi phim có tám tập một năm. Khán giả sẽ cảm thấy khó có thể rời khỏi dịch vụ này vì mùa tiếp theo của “The Crown” sắp tới chẳng hạn”. Ken Ziffren, luật sư chuyên mảng giải trí, cũng nhấn mạnh rằng: “Phim truyền hình bắt khán giả có thói quen xem phim hơn là điện ảnh. Vì thế chúng tạo ra sự duy trì”.

Thời gian xem là thước đo ngày càng quan trọng với các dịch vụ phát trực tuyến. Reed Hastings, Giám đốc điều hành của Netflix, nói: “Điều đó thậm chí còn quan trọng hơn số lượng thuê bao. Sẽ có nhiều cạnh tranh khi ngày càng nhiều dịch vụ trực tuyến ra đời và thành công sẽ được đo lường bằng thời gian. Làm thế nào để người tiêu dùng dành cả buổi tối cho một nền tảng dịch vụ?”. Walt Disney thử nghiệm điều này với thương hiệu Star Wars khi đồng cho phép sản xuất bản điện ảnh lẫn bản phát mới cho trực tuyến.

Để thoát thế lưỡng nan, ngành công nghiệp điện ảnh đang hướng đến mục tiêu làm sao để khán giả vừa có thể bỏ 15 USD để xem một phim Star Wars ở rạp và vẫn chi 6,99 USD mỗi tháng để xem bản Star Wars trực tuyến.

BẢO LAM (Theo Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết