17/02/2012 - 21:04

Thầy Hải "môi trường"

* Ký: XUÂN THANH

Thầm lặng đứng sau những vinh quang của học trò trong các cuộc thi về bảo vệ môi trường và cải thiện nguồn nước. Dù có tiếng là thầy giáo khó tính ở trường nhưng khi đứng lớp hoặc sau giờ dạy, thầy luôn xem học trò như những người em trong gia đình để chỉ dạy. Gần 15 năm tình nguyện gắn bó với học trò vùng sâu, tên thầy dường như gắn liền với vùng đất xã nghèo An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Thầy là Nguyễn Ngọc Hải, Tổ trưởng Tổ sinh Trường THPT An Lạc Thôn.

Tình nguyện về vùng sâu

Thầy Hải (thứ 3 từ trái sang) đang hướng dẫn học sinh sử dụng vật liệu than gỗ tạo thành những chiếc ly lọc nước. Ảnh: Xuân Thanh

Tốt nghiệp ngành sư phạm Sinh Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ năm 1997 và được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy, nhưng chàng sinh viên mới ra trường Nguyễn Ngọc Hải từ chối lời đề nghị mà không ít người mong ước. Bởi trước đó, qua những chuyến đi thực tập sư phạm dài ngày, Hải nhận ra rằng nhiều trường vùng sâu ở ĐBSCL đang “khát” giáo viên đứng lớp, lớp học sẽ ra sao nếu không có giáo viên? Câu hỏi lưng chừng ấy lại hóa thành niềm thôi thúc khiến Hải không ngần ngại xin về dạy học tại Trường Bán công Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang).

Tại đây thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hải tiếp tục nhận lời mời về dạy học tại Trường PTTH An Lạc Thôn, một trường vùng sâu của tỉnh Sóc Trăng, đang bị “khủng hoảng” giáo viên và do điều kiện đi lại quá khó khăn nên ít giáo viên chịu về đây cống hiến. Nghĩ cảnh học sinh sẽ chịu thiệt thòi nếu trường thiếu giáo viên nên sắp xếp được công việc, thầy Hải quyết định dạy song song hai trường cách xa nhau hàng chục cây số bằng phương tiện đi lại duy nhất là đò dọc. Ba ngày đầu tuần dạy ở Trường An Lạc Thôn, chiều thứ tư khi tan giờ dạy, thầy Hải lại hối hả mua theo ổ bánh mì mang xuống đò lót dạ để kịp đến Phụng Hiệp hôm sau tiếp tục dạy học. Đều đặn chiều thứ bảy hằng tuần, thầy Hải đi xe đa-su lên Cần Thơ dạy kèm kiếm tiền nuôi em ăn học; khuya chủ nhật lại xuống đi đò về An Lạc Thôn trước 7 giờ sáng để kịp giờ lên lớp.

Thầy Hải tâm sự: “Những ngày đầu mới về huyện, nhìn cảnh trường lớp ọp ẹp, xuống cấp, thường xuyên bị ngập nước, học sinh lam lũ đi đò đến trường mà mình thấy xót dạ, riết rồi yêu trường, yêu lớp lúc nào không hay. Thú thật lúc đầu chỉ nghĩ được học trò mến thì mình phải cố gắng dạy bằng cả nhiệt huyết và tâm sức của người thầy, tất cả vì đàn em thân yêu mà không nghĩ xa xôi đến lương bổng hay phụ cấp”. Gắn bó với Trường An Lạc Thôn một thời gian dài, thầy Hải nhận ra tình cảm của học trò vùng sâu dành cho mình quá lớn nên quyết tâm ở lại gắn bó lâu dài với trường.

Xem học trò như người thân

Thầy Hải cho biết nhờ đi dạy học mà gần gũi được học trò để truyền niềm đam mê tự học, tự nghiên cứu sáng tạo cho các em. Cũng chính vì thế mà trong mỗi tiết dạy, thầy đều chọn cách vào bài khác nhau nên tiết học môn sinh của thầy lúc nào cũng sinh động theo kiểu thầy trò cùng hợp tác - khám phá. Điều quan trọng là mỗi khi đứng lớp, thầy đặt học trò vào vị trí những người em trong gia đình, vừa tận tình chỉ dạy, vừa gần gũi nhưng cũng đầy nghiêm khắc. Ngoài giờ dạy, thầy thường dành những buổi ngoại khóa để san sẻ cùng học trò những kỹ năng sống cần thiết và luôn yêu cầu các em phải nói thật những suy nghĩ tuổi học trò. Thầy Hải bảo do gần gũi mà thầy hiểu từng em, nhớ tên từng đứa nên việc giáo dục rất dễ. “Vả lại khi đã thương các em bằng tình thương chân tình, thì các em sẽ đối xử với mình thật lòng như thế”, thầy Hải san sẻ.

Thầy Hải cũng hay làm người đi lạc đường để lân la hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của những học sinh nghèo cần giúp đỡ trước khi trực tiếp đến nhà phụ huynh. Thầy cũng thường đột xuất đến nhà trọ của học trò kiểm tra nơi ở, điều kiện ăn uống sinh hoạt, học tập hay làm việc riêng... Không ít học trò biết thầy hay đến nhà kiểm tra đột xuất, nên mỗi khi có việc phải ra ngoài vào ban đêm hay đến chơi nhà bạn đều phải gọi điện xin phép và thông báo giờ về cho thầy biết.

Đều đặn tối thứ năm hàng tuần thầy đều mở lớp học miễn phí dạy kèm những học sinh yếu và hay dành những tiết trống để dạy kèm miễn phí theo yêu cầu của học sinh. Nhiều học sinh nghèo của trường đã ứa nước mắt khi biết cuối năm học thầy Hải đi xin quần áo cũ, sách cũ những bạn vừa ra trường để tặng lại những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dù không cho phép học trò mua quà tặng thầy nhưng thầy có thói quen là mỗi khi đi công tác xa thường mua những món quà nhỏ về tặng trò như thể hiện tình cảm của một người anh đi xa mới về.

Thầy trò cùng nghiên cứu khoa học

Liên tiếp 7 năm (từ 2004 đến 2011) hướng dẫn học sinh nghiên cứu hàng loạt đề tài khoa học cấp trường và tham dự cuộc thi quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Báo Khoa học và đời sống, quỹ hội SIDA (Thụy Điển)... đồng tổ chức, thầy Hải và các học trò đã mang thành tích ngoài mong đợi về cho Trường THPT An Lạc Thôn: 17 giải thưởng, trong đó có 2 giải nhất, 7 giải ba và 6 giải khuyến khích.

Các đề tài thầy Hải hướng dẫn học trò thực hiện được ban tổ chức đánh giá cao vì mang tính thiết thực, tính ứng dụng cao, phù hợp tình hình thực tế ở nông thôn và chi phí đầu tư thấp như: “Máy lọc đầu ao”, “Phèn thiên nhiên”, “Gòn - “Bông băng” cho nước nhiễm dầu”, “Cây xà phòng - chất tẩy rửa trong tương lai”, “Điều tra cơ bản việc sử dụng nguồn nước ngầm ở xã An Lạc Thôn và vận dụng các vật liệu đơn giản ở địa phương như đất sét nung, than vỏ trái gòn, cát, đá để lọc nước”, “Sử dụng đèn cực tím và các vật liệu sẵn có ở địa phương để loại bỏ các chất độc hại và các vi sinh vật trong nước mưa nhằm đạt yêu cầu nước”, “Xử lý nước thải bằng hệ thống lọc sinh học”, “Tiết kiệm lượng nước trong trồng trọt”, “Xử lý nước thải biogas bằng bèo cám”, “Hệ thống xử lý chất thải trong các hộ chăn nuôi - mô hình VACB”... Đặc biệt trong năm học 2010 - 2011, đề tài: “Thu - giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm” do thầy Hải hướng dẫn nhóm học sinh lớp 11A2 của trường thực hiện đã đạt giải nhất cuộc thi và được chọn đại diện cho học sinh Việt Nam dự thi quốc tế tại Stockholm (Thụy Điển), đồng thời đạt giải “Sáng tạo trẻ” năm 2011 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Khi được hỏi vì sao thầy trò lại dành nhiều tâm sức nghiên cứu các đề tài về bảo vệ nguồn nước, thầy Hải vui vẻ cho biết: “Không ai sống mà không cần nước. Trong khi đó nguồn nước sông rạch nông thôn hiện nay ô nhiễm khá nghiêm trọng bởi rác thải, nước thải thuốc bảo vệ thực vật, từ các hộ chăn nuôi gia súc nên không bảo vệ thì trong tương lai sẽ không còn nước sạch sử dụng. Vả lại khi học sinh có ý thức bảo vệ nguồn nước thì khi về gia đình, các em sẽ chia sẻ thông điệp lại người thân, cộng đồng”.

Ý tưởng là vậy nhưng khi đi thực tế, thầy trò “đụng” phải không ít rào cản. Thường chọn ngày cuối tuần để đi thực tế phỏng vấn, lấy mẫu về phân tích nhưng không ít các cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi từ chối thẳng lời đề nghị được tiếp xúc của thầy trò. Vậy là thầy trò tiếp tục kiên nhẫn đi gõ cửa, thuyết phục nhiều nơi khác. Thiếu thiết bị, dụng cụ làm thí nghiệm, thầy Hải lại tự mày mò sáng chế từ những vật liệu có sẵn đã qua sử dụng hoặc phải lặn lội lên Cần Thơ, TPHCM để mua hóa chất. Không ít người lần đầu ghé thăm nơi ở của thầy tại nhà công vụ trường những tưởng nhà thầy chứa rác thải vì bề bộn những vật dụng. Riêng thầy Hải lại ví von bảo đó là “phòng thí nghiệm”, là nơi thầy trò cùng ăn, cùng ở và cùng nghiên cứu khoa học.

Liên tục nhiều năm giúp học trò giành nhiều giải thưởng cấp tỉnh, khu vực lẫn quốc gia trong các kỳ thi, thầy Hải vẫn thầm lặng đứng sau những thành công của học trò. Không ít người bảo thầy nên dừng lại để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Riêng thầy Hải thì bảo không thể nghỉ được khi năm nào cũng có học trò tìm đến nhà nhờ hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học nên càng phải nỗ lực hơn nữa để giúp các em. Thầy Trần Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc Thôn, tâm đắc: “Ngoài chuyên môn, sự nhiệt tình và trách nhiệm cao trong công việc, thầy Hải là người luôn biết truyền đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh. Những thành công liên tiếp từ cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” đem lại vinh dự lớn cho trường và cho địa phương. Đó là kết quả những ngày làm việc cật lực, những chuyến đi thực tế không mệt mỏi của thầy Hải và các học trò. Cũng nhờ vậy cái tên thầy Hải “môi trường” giờ đây gần như gắn liền với vùng đất An Lạc Thôn này”.

 

Chia sẻ bài viết