05/05/2023 - 06:52

Thay đổi tư duy, tăng kết nối nâng tầm nông, thủy sản đồng bằng 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Tại hội thảo “Nâng tầm nông - thủy sản Việt” vừa diễn ra, các chuyên gia nhận định, hằng năm ĐBSCL đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Song vựa nông, thủy sản lớn nhất nước nhiều thời điểm rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”; thu nhập của người nông dân bấp bênh. Không chỉ vậy, ĐBSCL còn đứng trước những thách thức từ biến đổi khí hậu; suy thoái nguồn tài nguyên đất, nước; cạnh tranh ngày càng gay gắt… Để tháo gỡ những nút thắt này, từng bước nâng tầm vị thế nông, thủy sản ĐBSCL đòi hỏi sự hợp lực, phát huy tốt vai trò từ Chính phủ, các bộ ngành hữu quan, địa phương đến doanh nghiệp, hợp tác xã và từng nông hộ.

Điểm nghẽn

Vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

TP Cần Thơ có ngành chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu khá mạnh với 45 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp và 44 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với vùng nguyên liệu ở khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhìn nhận: Chuỗi giá trị nông sản của thành phố vẫn bị tắc ở khâu liên kết. Đến nay chỉ có mặt hàng cá tra là có tỷ lệ hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ khá cao trên 90%, còn lúa gạo và các các loại rau màu, cây ăn trái chỉ đạt khoảng 30%. Ngoài ra, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn thành phố còn vướng các điểm nghẽn như quy mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều; nông dân sản xuất tự phát không dựa vào nhu cầu của thị trường, chạy theo cái lợi trước mắt. Đa số nông dân chỉ quan tâm sản xuất chưa chú trọng đến việc xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Tỉnh Bạc Liêu, với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước đa dạng, với 3 vùng sinh thái (mặn, lợ, ngọt) nên rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nuôi trồng thủy sản, với nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Tuy nhiên, Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, phát triển thủy sản của tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng; môi trường nước ô nhiễm khiến dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế và chậm thay đổi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống. Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa nắm bắt kịp các tiêu chuẩn, yêu cầu của nước nhập khẩu như “Lệnh 248” về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và “Lệnh 249” về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Từ đó ảnh hưởng một phần trong chuỗi cung ứng thủy sản (do không đáp ứng các yêu cầu, bị trả hàng) các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu.

Nhiều ý kiến cho rằng, hạ tầng không đồng bộ, dịch vụ logistics khu vực ĐBSCL chưa phát triển đã làm giảm sức cạnh tranh của nông sản, thủy sản của vùng. Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), nhận xét: Hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics, dịch vụ phụ trợ phát triển chưa tương xứng. ĐBSCL vẫn chưa có nhiều vùng nuôi tôm tập trung, quy mô trang trại, hệ thống cảng biển đón tàu container chưa phát triển cũng như hệ thống cung ứng và phân phối vật tư, nguyên liệu phải qua nhiều khâu trung gian khiến cho giá thành sản xuất còn cao và khó cạnh tranh. Đây là những trở ngại căn bản làm xuất khẩu thủy sản của vùng khó bắt kịp với xu hướng hiện nay khi mà thị trường thế giới ngày càng quan tâm nhiều đến an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

  ---------  
  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Chúng ta cần phải thay đổi tư duy ngắn hạn “thuận mua vừa bán” sang tư duy đi đường dài. Nông dân phải bỏ tư duy “mùa vụ”, doanh nghiệp phải bỏ tư duy “thương vụ”, chính quyền phải bỏ tư duy “nhiệm kỳ”. Các hiệp hội ngành hàng phải phát huy hơn nữa vai trò cùng các địa phương kiến tạo không gian phát triển với các địa phương. Chúng ta phải định hình lại khâu tổ chức lại sản xuất. Trong đó, hợp tác liên kết, thị trường là 3 vấn đề lớn của đồng bằng phải giải quyết sau đó mới đến tiết giảm chi phí, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.  
  ---------  

Hợp lực tìm giải pháp

Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng tầm nông thủy sản, ĐBSCL phải tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu... Song song đó, tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao.

Mặt khác, theo ông Trương Đình Hòe, để khơi thông dòng chảy nông sản, các địa phương cần phát triển, hoàn thiện hạ tầng logistics tích hợp tại ĐBSCL, nhất là tại Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu phát triển xuất khẩu của khu vực, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ logistics phát triển cung cấp dịch vụ trực tiếp tại khu vực. Quan tâm phát triển các trung tâm giao dịch thủy sản, các chợ đầu mối thủy sản tại các vùng nguyên liệu, các kho lạnh thương mại trong khu vực. Một số ý kiến đề xuất Chính phủ, các bộ ngành hữu quan nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm sự phù hợp giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch của từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam; ban hành văn bản quy định về liên kết vùng, liên vùng trong phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp…

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Tây Nam Bộ, khẳng định: Agribank tiếp tục ưu tiên và có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ “Tam Nông”, khách hàng bán lẻ, khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng FDI gắn với việc sử dụng trọn gói các sản phẩm dịch vụ của Agribank. Đồng thời, tập trung vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái; sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo mô hình liên kết chuỗi giá trị. Về phía các địa phương căn cứ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn cây, con, ngành kinh tế trọng điểm cần tập trung ưu tiên vốn để xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp.

Chia sẻ bài viết