Hội nhập đã và đang diễn ra, vừa chứa đựng những thách thức nhưng cũng mang đến những cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN nhỏ và vừa (DNNVV) là đối tượng dễ bị tác động, tổn thương và thiếu khả năng cạnh tranh trong hội nhập nhất. Trả lời cho câu hỏi DNNVV cần chuẩn bị gì khi hội nhập, nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy lãnh đạo để cạnh tranh và phát triển bền vững, để người lãnh đạo có thể vững tay lèo lái con thuyền DN hòa vào làn sóng hội nhập.
Chẩn đoán "sức khỏe" DN
Trong khuôn khổ của dự án "Thay đổi tư duy lãnh đạo của DNNVV để cạnh tranh và phát triển bền vững", từ tháng 12-2015 đến tháng 1-2016, Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) đã tiến hành chẩn đoán "sức khỏe" DNNVV thông qua một cuộc khảo sát đối với 74 DN của TP Cần Thơ. Các DN được khảo sát với 78% hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, 8% ở lĩnh vực công nghiệp và 14% ở lĩnh vực nông nghiệp. Việc chẩn đoán "sức khỏe" này nhằm tìm hiểu và đánh giá thực tế những điểm mạnh, yếu và cần bổ sung để DN quản trị vững mạnh. Nội dung đánh giá tập trung vào bộ phận kinh doanh, bộ phận nhân sự, bộ phận sản xuất, bộ phận tài chính của DN. Ông Lê Hoài Văn, chuyên gia tư vấn độc lập, phụ trách các hoạt động khảo sát DN, cho biết: Trên cơ sở chẩn đoán sức khỏe DN, cho thấy, DNNVV có một số điểm cần cải thiện như: Xác định thị phần và các biện pháp bảo vệ, phát triển thị phần; xác định biện pháp khuyến mại và đánh giá các chương trình khuyến mại; Kiểm soát lực lượng bán hàng, nâng cao hiệu quả của bộ phận này. Ngoài ra, DN cần thực hiện việc khảo sát thị trường trước khi xác định chiến lược kinh doanh; xác định nhu cầu đào tạo và chính sách đào tạo hằng năm; thiết lập hệ thống khoa học để đánh giá kết quả công việc, trả lương; áp dụng hệ thống quản lý tinh gọn; nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm Quản lý chất lượng...

DNNVV nếu quản trị tốt sẽ có đủ khả năng cạnh tranh và hội nhập tốt. Trong ảnh: DNTN Cơ khí Trung Anh quận Cái Răng chuyên sản xuất dây chuyền chế biến gạo, thức ăn thủy sản cung ứng cho thị trường ĐBSCL.
Việc khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp là bước đầu tiên quan trọng nhằm đảm bảo cho dự án "Thay đổi tư duy lãnh đạo của DNNVV để cạnh tranh và phát triển bền vững" được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký CBA, cho biết: Dự án được triển khai từ nguồn tài trợ của Chính phủ Úc, quản lý dự án là Quỹ Châu Á và CBA là đơn vị thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm tạo nhận thức đúng đắn để thay đổi tư duy và phương pháp quản trị của lãnh đạo các DNNVV. Đồng thời, cải tiến phương pháp lãnh đạo doanh nghiệp thông qua tư duy tiếp cận hai yếu tố chủ đạo là quản lý công ty và thị trường trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin và văn hóa doanh nghiệp. Dự án sẽ thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với những điểm mạnh và điểm yếu của DN thông qua kết quả khảo sát đánh giá DN. Các chủ đề đào tạo bao gồm: Thay đổi tư duy lãnh đạo DNNVV trong thời kỳ quốc tế hóa; Trách nhiệm xã hội và bản sắc văn hóa DN; Kỹ năng cần thiết trong kinh doanh; Quản trị nhân sự; Quản trị tài chính hiệu quả; Tư duy đổi mới và sáng tạo trong doanh nghiệp; Chiến lược kinh doanh.
Truyền cảm hứng cho DN
Từ tháng 5 đến tháng 6-2016, Quỹ Châu Á và CBA sẽ tổ chức chương trình đào tạo trọn gói phù hợp với tình hình "sức khỏe" của DNNVV trên cơ sở các kết quả đã khảo sát. Sau khi chương trình đào tạo hoàn tất sẽ có hoạt động đánh giá lại sự thay đổi trong DN của những lãnh đạo các công ty đã tham gia toàn bộ khóa học để tiếp tục tư vấn và hỗ trợ. Ông Mai Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật tư Hậu Giang (Hamaco), cho biết: "Dự án "Thay đổi tư duy lãnh đạo của DNNVV để cạnh tranh và phát triển bền vững" được tài trợ từ Chính phủ Úc có các chủ đề đào tạo phù hợp với nhu cầu nâng cao năng lực hội nhập cho DN. Trước yêu cầu hội nhập trong giai đoạn hiện nay, công ty nhận định sẽ có những khó khăn nhất định nhưng trong khó khăn cũng sẽ có nhiều cơ hội mới để công ty phát huy hiệu quả vai trò phân phối của mình. Điều quan trọng sau khi tham gia các khóa đào tạo của Dự án là DN có thể xây dựng các chiến lược kinh doanh, nâng cao khả năng quản trị, mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm và phát triển thị trường".
Đào tạo là bước khởi đầu quan trọng giúp cho DN tăng cường năng lực cạnh tranh, gia tăng việc liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, quốc tế hóa, tiếp cận với sự phát triển bền vững. Bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang, cho rằng: CBA có thể liên kết với các Hiệp hội DN ở các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL để mời gọi thêm DN tham gia các khóa đào tạo của dự án "Thay đổi tư duy lãnh đạo của DNNVV để cạnh tranh và phát triển bền vững". Bên cạnh các hoạt động đào tạo, các Hiệp hội DN, Hiệp hội ngành nghề cần quan tâm hỗ trợ DN tham gia lấy ý kiến về dự thảo các văn bản pháp luật chuẩn bị ban hành có liên quan đến DN. Nếu DN tham gia ý kiến trong quá trình dự thảo sẽ giúp hoàn thiện hệ thống văn bản theo hướng có lợi cho DN, hạn chế những trường hợp khi văn bản đi vào thực thi, DN mới biết và phản ánh đối với những điểm chưa phù hợp thực tiễn. Khi đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước mới thực sự gần gũi và tạo thuận lợi cho DN trong quá trình hoạt động
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, DNNVV cần phải có một hệ thống kinh doanh đáp ứng nhu cầu của DN, phải mô tả chính xác và cụ thể mối quan hệ giữa các thành phần bên trong DN để tạo ra những giá trị đáp ứng cho các khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ, các đối tác, nhà cung cấp và xã hội. Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam, cho rằng: "Điều quan trọng nhất của một lãnh đạo DN, một CEO là phải xây dựng được một hệ thống kinh doanh giúp định hướng, đầu tư và kiểm soát toàn bộ hoạt động một cách khách quan và hiệu quả. Trong quá trình cạnh tranh, DN phải làm những việc như: cắt giảm chi phí, gia tăng chất lượng sản xuất, đưa ra sản phẩm mới hoặc dịch vụ mới; cải tiến dịch vụ khách hàng, nâng cao năng suất, hiệu suất nhân viên, DN; sáng tạo và đổi mới; ứng dụng đưa các công nghệ, cách tiếp cận mới; học tập và ứng dụng những thực hành tốt nhất. Người lãnh đạo DN không trực tiếp làm những công việc này mà phải truyền cảm hứng, đào tạo, thay đổi các nhân viên để họ chuyên tâm đảm nhiệm những nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra giá trị cho DN và tạo ra giá trị cho khách hàng. Ưu điểm của DNNVV là linh hoạt và sáng tạo, nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách chọn được những thị trường ngách. Do đó, người lãnh đạo DN phải lèo lái hệ thống kinh doanh theo đúng những định hướng chiến lược để phát huy nội lực, gia tăng khả năng cạnh tranh để phát triển".
Bài, ảnh: MINH HUYỀN