31/03/2015 - 21:47

Thay đổi tư duy để đổi mới sáng tạo

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và sản phẩm trong hội nhập kinh tế toàn cầu. Con đường duy nhất cho DN là đổi mới sáng tạo và thay đổi tư duy tiếp cận công nghệ.

Nhọc nhằn con đường đổi mới sáng tạo

Mới đây, tại tỉnh An Giang, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) phối hợp cùng Sở Khoa học Công nghệ An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư An Giang tổ chức hội thảo “Giải pháp tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo trong tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL” để hiến kế cho DN, nông dân đổi mới sáng tạo. Những vấn đề được các nhà khoa học, DN, cơ quan quản lý đặt ra tại hội thảo đã chỉ rõ những hạn chế, cũng như con đường đổi mới sáng tạo của DN thời gian qua khá nhọc nhằn. Nhiều vị lãnh đạo DN cũng thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu, nếu không đổi mới sáng tạo sẽ không tận dụng được các cơ hội do hội nhập kinh tế mang lại, thị trường Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của DN nước ngoải. Các nhà khoa học nghiên cứu các công trình khoa học về giống, quy trình sản xuất, công nghệ mới… để hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, sáng tạo trong làm ăn. Tuy nhiên, con đường thương mại hóa sản phẩm khá chật vật, do thiếu sự hợp tác từ phía DN. Còn DN cho rằng, quy trình công nghệ, thiết bị của các nhà khoa học, DN cơ khí… chào hàng giá khá cao so với khả năng của DN, nên hai bên vẫn chưa gặp nhau.

Theo bà Trương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, tỉnh Bến Tre, mặt nạ dừa Cửu Long được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường từ năm 2012 đến nay. Đây là sản phẩm làm đẹp từ nước dừa lên men tự nhiên có tác dụng trắng da, mịn da… “Để sản xuất được sản phẩm đạt chuẩn GMP, chúng tôi trải qua 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm mới đưa được sản phẩm ra thị trường. Con đường nghiên cứu đã khó, thương mại hóa sản phẩm còn gian nan hơn. Chúng tôi dựa vào xu hướng làm đẹp của chị em phụ nữ đang chú trọng đến sản phẩm từ thiên nhiên. Đối tượng công ty nhắm đến là khách du lịch đến Bến Tre, chúng tôi gửi sản phẩm ở các điểm du lịch; tiến thêm bước nữa là gửi đến các tiệm chăm sóc da và đưa hàng vào siêu thị Co.opmart”- bà Hồng nói. Còn thạc sĩ Trịnh Thị Xuân, Khoa Nông nghiệp- sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ) vừa hoàn tất công trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo và có ý định thương mại hóa sản phẩm. Thạc sĩ Xuân, cho biết: “Trường Đại học Cần Thơ làm sản phẩm đông trùng hạ thảo nhưng đang loay hoay tìm giải pháp để thương mại hóa sản phẩm. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ công nghệ cho DN để sản xuất đại trà để đến tay người tiêu dùng rộng rãi hơn”.

 BQL Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh giới thiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở An Giang từ 24 đến 29-3-2015.

Tại hội thảo, ông Dương Xuân Quả, Giám đốc DNTN Năm Nhã, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang giới thiệu đến các DN sản phẩm máy sấy lúa của DN. Mới thâm nhập thị trường hơn 7 năm, nhưng máy sấy của Năm Nhã đã có chỗ đứng trên thị trường nhờ chất lượng, uy tín, giá cả phù hợp. Từ giới thiệu của Năm Nhã, bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc Công ty Nấm Việt, TP Hồ Chí Minh, chất vấn: “Sản phẩm máy sấy lúa của Năm Nhã được nông dân trồng lúa ĐBSCL và các DN ngành gạo đánh giá cao. Hiện Nấm Việt đang xuất khẩu nấm mèo khô sang thị trường Nhật Bản, nhưng rất dè dặt nhận đơn đặt hàng vì công ty phải kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu từ nông dân, khâu sơ chế còn thiếu máy móc nên khó làm đại trà. Chúng tôi đang rất muốn cải tiến quy trình sản xuất, nếu Năm Nhã có thể nghiên cứu, chế tạo ra máy sấy cho công ty, đáp ứng quy trình công nghệ, chất lượng và giá cả phải chăng, công ty sẽ hợp tác”. Bà Ngọc cho biết, công ty cũng rất quan tâm đến sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của Trường Đại học Cần Thơ và mong muốn được chuyển giao công nghệ để sản xuất đại trà, phục vụ người tiêu dùng lớn tuổi.

Xuất phát từ thực tế sản xuất của DN, công tác nghiên cứu của các nhà khoa học, các DN ngành cơ khí có thể thấy việc kết nối, hỗ trợ công nghệ đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thay đổi tư duy tiếp cận

Ông Hà Xuân Long, Giám đốc Công ty cổ phần Ramsa, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Công ty đang sản xuất sữa từ hạt sen và đang cần công nghệ để kéo dài thời gian bảo quản sữa sen. Đồng thời cần công trình nghiên cứu làm bánh từ hạt sen dành cho những người ăn kiêng”. Vấn đề này, tiến sĩ Đỗ Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý (BQL) Khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) TP HCM cho biết, sản phẩm sữa hạt sen của Ramsa rất sáng tạo, BQL sẵn sàng mời lãnh đạo Ramsa đến để cùng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến cho Ramsa.

Theo tiến sĩ Đỗ Việt Hà, Khu nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM ra đời trước khi có chủ trương của Chính phủ. Hiện có 70 hồ sơ của DN xin đầu tư vào đây nhưng chưa bố trí được, vì chưa có đất sạch. Sau 10 năm thành lập và 5 năm vận hành có thể thấy việc vận động xã hội hóa được đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở đây khá hiệu quả. Năm 2015, BQL sẽ dành 1,5 triệu USD đầu tư thêm máy móc, thiết bị, đào tạo nông dân để nâng cao trình độ của nông dân. Sản phẩm chúng tôi tạo ra là tạo ra cây con giống chất lượng cao, nguồn nhân lực, DN công nghệ cao… Nếu kết nối được thị trường thì sản phẩm sẽ dễ dàng ra thị trường. Cạnh tranh thế giới cần có công nghệ sạch, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các DN, các địa phương trong ứng dụng công nghệ, nghiên cứu quy trình công nghệ mới, đào tạo nhân lực...

Bà Đinh Thị Việt Huỳnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang, cho biết: “Khi thực hiện chương trình đổi mới công nghệ, tỉnh chỉ hỗ trợ tối đa 30% chi phí cho DN đổi mới công nghệ nên cũng rất khó khăn, có DN thành công cũng có DN không thành công. Lẽ đó, tỉnh và các DN rất mong muốn tiếp cận nguồn quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ của Bộ Khoa học Công nghệ. Tỉnh có trung tâm công nghệ sinh học có dành khoảng 20ha cho ươm tạo công nghệ sinh học, lĩnh vực nông nghiệp và tỉnh rất mong muốn DN đến đầu tư”. PGS.TS Dương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Giống Định Thành (thuộc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang- AGPPS), cho biết, AGPPS đang sản xuất gạo theo chuỗi giá trị, đầu tư trọn gói cho nông dân. Đồng thời, bản thân DN luôn vận động để đổi mới, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ, tiếp nhận các chuyển giao khoa học từ các viện, trường trong và ngoài nước. Để thương mại hóa sản phẩm cần sự điều phối chung của Bộ Khoa học Công nghệ; các viện, trường, cơ sở nghiên cứu cũng nên tổ chức giới thiệu, trình diễn, công khai hóa các công nghệ mới của đơn vị mình và mời DN đến để tiếp cận, bàn thảo thương lượng tiếp nhận các công nghệ mới về áp dụng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc, cho rằng, những ưu thế của giai đoạn đầu mới mở cửa của Việt Nam không còn nữa. Hàng hóa Việt Nam muốn đứng vững trong hội nhập kinh tế quốc tế cần đổi mới và sáng tạo. Sự gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu và các DN là cơ hội lớn để mở ra các triển vọng hợp tác. Các nhà nghiên cứu nghiên cứu công nghệ, tạo ra sản phẩm mới… muốn thương mại hóa sản phẩm cần sự hợp tác của DN và phải có những ràng buộc về quyền sở hữu trí tuệ.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết