03/02/2019 - 16:23

Thay đổi tư duy cho Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nông nghiệp lớn nhất nước. Nơi đây, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước… Tuy nhiên, hiện nay, ĐBSCL đang phải  đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu và hội nhập với kinh tế thế giới. Như vậy, ĐBSCL sẽ phát triển theo hướng nào?

Vườn chôm chôm.

Từ lâu nay, ĐBSCL được mệnh danh với nhiều mỹ từ nào là “vựa lúa”, nào “vương quốc cá tra”, “vương quốc trái cây”… Tuy nổi tiếng là vùng nông nghiệp lớn nhất nước đem lại kim ngạch xuất khẩu hơn chục tỉ đô-la Mỹ nhưng người nông dân làm ra hạt gạo, nuôi con cá, con tôm, trồng cây ăn trái… vẫn còn lao đao mỗi khi trúng mùa mất giá, thất mùa được giá. Cuộc sống nông dân vùng ĐBSCL tuy có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Mặc dù nông dân ĐBSCL đã làm chủ mảnh ruộng, miếng vườn của mình nhưng lại không quyết định được thị trường. Do đó hàng hóa nông thủy sản làm ra không quyết định được giá cả mà vẫn trông chờ may rủi của thị trường. Một trong những nguyên nhân đó theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng-Cục Trồng trọt thì do “nông dân 4.0”. Đó không phải là nông dân thời cách mạng công nghệ 4.0 mà là 4 không. Không thích hợp tác với nhau; Không thích áp dụng hoàn toàn 100% tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao; Không chịu tiếp cận thị trường; Không tự tin như nông dân thế giới…

Thương nhân nước ngoài tham quan đặc sản Hậu Giang.

Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, ĐBSCL cần thay đổi tư duy về an ninh lương thực, về nông nghiệp là không tập trung làm lúa gạo mà phải hướng đến một nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị. Chuyển dịch sản xuất là làm cho thu nhập nông dân tăng lên, giảm chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nên giảm diện tích trồng lúa ở mức hợp lý, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu giá rẻ, nông dân không có lãi và Nhà nước lại phải đầu tư lớn. GS Võ Tòng Xuân, cả đời gắn bó với ĐBSCL, cho biết nếu để nông dân làm ăn cá thể, đất đai manh mún, tự do nuôi trồng không tổ chức là còn sống trong thời tự cung tự cấp-nông dân vẫn nghèo muôn thuở. Doanh nghiệp với công nghệ chế biến sản phẩm bằng nguyên liệu không truy xuất nguyên liệu được nguồn gốc là còn dung túng cho sản xuất không trách nhiệm, lường gạt người tiêu dùng, xâm hại uy tín của công ty và quốc gia. Theo GS Võ Tòng Xuân là phải quy hoạch tích hợp hướng thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu là chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bền vững: “Quy hoạch mỗi cây con chiến lược, ngành chuyên môn của Nhà nước và doanh nghiệp chí thú làm ăn với cây con này. Doanh nghiệp với các thông tin thị trường đầu ra dự kiến của mình sẽ đăng ký quy mô sản xuất. Xác định địa bàn nào cần khoanh vùng, diện tích bao nhiêu; cùng chính quyền địa phương tổ chức hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đã khoanh vùng để nới rộng hạn điền đạt yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư… Chúng ta sẽ có những cánh đồng lúa, mía hàng nghìn héc-ta; những vườn trang trại hàng trăm héc-ta như xoài cát, chôm chôm, nhãn, quýt hồng,  khóm, chuối, sầu riêng; những trang trại tôm, cá... hàng nghìn héc-ta; hàng triệu nông dân giàu có…”.

Một trong những tỉnh, thành ĐBSCL chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đang là điểm sáng của ĐBSCL là tỉnh Đồng Tháp-tỉnh nông nghiệp hàng đầu ĐBSCL. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, có nhiều tâm huyết với kinh tế nông nghiệp, cho biết ông đã lặn lội cùng nông dân, đồng hành cùng doanh nghiệp, tư duy cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đã phát hiện ra rằng, nông nghiệp nói chung, nông nghiệp Đồng Tháp nói riêng còn nhiều nút thắt. “Hai “điểm liệt” mà Ngân hàng Thế giới chỉ ra đối với nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải là “chi phí cao, chất lượng thấp” dẫn đến tình trạng “giải cứu nông sản” xảy ra nhiều nơi, trên nhiều loại nông sản khác nhau. Đúng như vậy, nếu chỉ “loay hoay” với sản xuất theo kiểu tăng diện tích, tăng sản lượng mà không chú trọng đến chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, phát huy công nghệ bảo quản, chế biến phát triển thị trường, thì nông nghiệp sẽ rơi vào bế tắc và người nông dân không thể thoát ra rủi ro. Vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu để chúng ta cần thực hiện đó là chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. “Tư duy sản xuất” thì lấy sản lượng là mục tiêu nhưng trong kinh tế thì sản lượng không đồng nhất với lợi nhuận. “Tư duy kinh tế” thì lấy giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng làm mục tiêu. “Tư duy sản xuất” thì bán nông sản thô; “Tư duy kinh tế” thì tạo ra nhiều dòng sản phẩm chế biến từ một loại nông sản nào đó. “Tư duy sản xuất” bán nông sản trên đồng, trong vườn; “Tư duy kinh tế” thì bán hàng thông qua thương mại điện tử, công nghệ số. “Tư duy sản xuất” thì “bán cái chúng ta làm ra-cái chúng ta có”; “Tư duy kinh tế” thì bán “cái thị trường cần”” - Bí thư Lê Minh Hoan chia sẻ.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi đến Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, đã có nhiều ý kiến đóng góp cho tỉnh An Giang là 1 trong 4 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Vùng ĐBSCL, cho rằng: “Nếu duy trì một nền sản xuất nông nghiệp như hiện nay, không phát triển các vùng chuyên canh gắn với chế biến, không tổ chức lại sản xuất khả dĩ hấp thụ được thành tựu kỹ thuật, công nghệ cao, hấp thụ được vốn, thu hút các nhà doanh nghiệp nông nghiệp nhằm khai thác lợi thế của nông nghiệp, thì dù có xây dựng bao nhiêu nhà máy điện, thép, đưa giá trị công nghiệp chiếm áp đảo trong cơ cấu GRDP, thì cũng không thể trở thành tỉnh công nghiệp.

An Giang không thể phát triển nông nghiệp theo chiều rộng, mà phải đi vào chiều sâu, trong đó lấy công nghiệp chế biến làm cơ sở để sản xuất nông nghiệp.Chính doanh nghiệp chế biến gắn với thị trường sẽ quyết định quy mô các vùng chuyên canh nông nghiệp. Cốt lõi của sản xuất theo chiều sâu là sản phẩm nông nghiệp trở thành nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Công nghiệp hóa không chỉ tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP, mà quan trọng hơn là công nghiệp hóa mọi hoạt động kinh tế. Chính ngành công nghiệp chế biến sẽ tạo ra tác phong công nghiệp cho người nông dân trên chính mảnh ruộng của mình.

Dưới tác động của quan hệ thị trường, nhất là hội nhập với thị trường thế giới, mô hình “kinh tế hộ”, sản xuất quy mô nhỏ theo giới hạn của “hạn điền” đã bộc lộ những hạn chế rất cơ bản, ngày càng gay gắt và trở thành điểm nghẽn trong khai thác lợi thế của nông nghiệp. Tình trạng “được mùa mất giá”, nông dân chặt cây nọ trồng cây kia… luôn luôn tái diễn. Nền sản xuất nông nghiệp luôn luôn chịu 2 loại rủi ro: về điều kiện tự nhiên như thiên tai, thời tiết, dịch bệnh và về thị trường như giá cả, tỷ giá… Đặc biệt ngày nay để có thể cạnh tranh nông sản phải được kiểm soát theo chuỗi giá trị từ khâu tạo giống cho đến sản phẩm cuối cùng đưa ra thị trường.

“Bài toán nông nghiệp của nước ta không phải là vấn đề vốn, khoa học kỹ thuật… mà là mô hình tổ chức sản xuất không thể hấp thụ vốn, công nghệ và không đáp ứng được thị trường. Ở An Giang, Đồng Tháp và nhiều địa phương khác đã xuất hiện nhiều mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, nhưng do thiếu chính sách tập trung có hiệu quả nên còn hạn chế phát triển” - TS. Trần Du Lịch phân tích.

Trong Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL  thích ứng với biến đổi khí hậu, được xem là “Hội nghị diên hồng ĐBSCL” đã được tổ chức tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kỳ vọng bằng sự thay đổi tư duy sẽ mang đến ĐBSCL thịnh vượng. “Tôi không cho rằng đây là nguy cơ, mà chỉ là thách thức. Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai xán lạn. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân. Tôi lạc quan về ĐBSCL của chúng ta” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.     

Bài, ảnh: Huỳnh Biển 

 

Chia sẻ bài viết