22/05/2013 - 08:31

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:

Thảo luận dự thảo Luật phòng, chống khủng bố

* Sửa chính sách thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 21-5, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy. Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này.

Theo Tờ trình của Chính phủ, qua 10 năm triển khai thực hiện, các quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy đã thực sự đi vào đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện và đưa công tác này trở thành nhiệm vụ của toàn dân.

Tuy nhiên, qua thực hiện, Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Dự án Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 12/65 điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.

Trong sáng 21-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.

Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống khủng bố; đồng thời tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật đã được nghiêm túc hoàn thiện trên cơ sở những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu đề nghị làm rõ, bổ sung thêm một số vấn đề quan trọng liên quan đến những điều, khoản của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.

Tại phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề: các biện pháp chống khủng bố (Điều 29); xử lý tài sản liên quan đến tài trợ khủng bố và điều tra, xử lý khủng bố, tài trợ khủng bố (Điều 32, Điều 38, Điều 39)... Các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý về bố cục ở các chương, kỹ thuật văn bản của dự thảo Luật.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 21-5, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận hai dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.

Tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, song, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng dự thảo Luật quy định mức doanh thu để xác định hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh là từ 100 triệu đồng/năm trở xuống, tương đương với hơn 8 triệu đồng/tháng là chưa thực sự phù hợp. Để xác định được mức doanh thu này là không hề dễ. Đại biểu đề nghị không nên quy định một mức doanh thu cụ thể là 100 triệu đồng/năm mà giao cho Chính phủ quy định theo từng thời kỳ.

Đối với vấn đề ngưỡng doanh thu tính thuế, nhiều ý kiến chưa đồng tình với quy định ngưỡng doanh nghiệp có doanh thu 1 tỉ đồng/năm trở lên để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp có doanh thu dưới ngưỡng 1 tỉ đồng/năm phải nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp. Ngưỡng doanh thu tính thuế chỉ nên ở mức 500 triệu đồng/năm là đề xuất của nhiều đại biểu.

Nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên mức thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu là 200 triệu đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nếu nâng mức được hoàn thuế lên 500 triệu đồng sẽ càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn, cần cho đối tượng doanh nghiệp này được hoàn thuế càng sớm càng tốt.

Theo Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, giai đoạn 2014-2015 áp dụng thuế suất phổ thông là 22%; đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỉ đồng, sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian áp dụng mức thuế suất 20%. Một số trường hợp áp dụng thuế suất từ 32% đến 50% giao Chính phủ quy định chi tiết. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% trong giai đoạn 2014-2015 chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01-01- 2016. Nhiều đại biểu nhất trí với quy định về giảm thuế suất và lộ trình giảm thuế suất như Dự thảo luật và cho rằng, chủ trương giảm thuế suất là bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy vốn, mở rộng sản xuất nâng cao tính cạnh tranh, đẩy mạnh, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguyễn Cường-chu thanh vân (TTXVN)

Chia sẻ bài viết