18/04/2008 - 10:05

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng:

Tháo gỡ vướng mắc để chủ động phòng chống dịch bệnh heo tai xanh ngay tại cơ sở

* TP Cần Thơ: Tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp

Trước nguy cơ diễn biến phức tạp và lây lan rất nhanh dịch bệnh tai xanh ở heo, ngày 17-4, tại Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị triển khai khẩn cấp công tác phòng chống dịch tai xanh cho các tỉnh phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng chủ trì hội nghị.

Nhiều nguyên nhân cũng như giải pháp đã được mổ xẻ tại hội nghị. Phần lớn các tỉnh phía Bắc mặc dù có dịch hay chưa có dịch đã nêu ra nhiều bất cập khó khăn trong công tác phòng chống. Nhiều nguyên nhân vẫn còn được bàn cãi, nhưng không ít nguyên nhân đã tìm rõ góc cạnh, nhưng để giải quyết không hề đơn giản bởi khó khăn hiện nay là bộ máy chống dịch chưa đồng bộ, thiếu kinh phí và nhận thức hạn chế của nhân dân và đội ngũ thú y cơ sở.

Nhiều đại biểu bức xúc nhận định, thời gian qua, chúng ta coi trọng “chống” chứ chưa quan tâm “phòng”, khi dịch xảy ra nhốn nháo đi tiêu hủy, thế nhưng chưa hẳn đã hiệu quả. Dịch bệnh phát triển nhanh như thời gian gần đây, e rằng nay mai các tỉnh phía Bắc sẽ không còn đàn heo. Một ví dụ minh chứng, mỗi ngày tỉnh Thanh Hóa có 1 huyện với 20 – 30 xã xuất hiện dịch tai xanh ở heo. Nhiều tỉnh cũng đã để lọt heo bệnh vào địa bàn dẫn tới dịch lây lan.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chỉ đạo: Thời gian tới, đặc biệt coi trọng công tác phòng bệnh, kiểm soát nguồn gốc động vật. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và đội ngũ thú y cơ sở. Bên cạnh đó, có chế độ thưởng phạt nghiêm minh để công tác này ngày càng thực chất. Các tỉnh, thành phố cần năng động, quyết liệt và quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc về phòng chống dịch bệnh tai xanh ở heo ngay tại cơ sở.

Hiện nay, cả nước đã có 6 tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Nghệ An, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế với 36 huyện, 466 xã xuất hiện dịch tai xanh ở heo với gần 200.000 con heo nhiễm bệnh đã được tiêu hủy.

* Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16-4-2008, Sở Y tế TP Cần Thơ có Công văn chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng thành phố và Phòng y tế các quận, huyện phải dồn sức kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp trên địa bàn. Theo đó, ngành y tế dự phòng cần tăng cường giám sát tận cơ sở nhằm kịp thời phát hiện ca tiêu chảy cấp đầu tiên (nếu có), dùng biện pháp khoanh vùng ổ dịch, vệ sinh tiệt trùng môi trường không để dịch lan sang các khu dân cư lân cận.

Giám sát chặt chẽ các ca tiêu chảy cấp tại bệnh viện theo chỉ đạo “Quy trình xử lý dịch tả” của Quyết định số 4233/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế (ban hành tháng 11-2007). Thanh tra Y tế chủ động kiểm tra, giám sát chất lượng nước của các nhà máy nước, các trạm cung cấp nước đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn. Phòng Y tế chỉ đạo các trạm y tế, phòng khám bệnh tư nhân phải báo cáo ngay ca bệnh tiêu chảy cấp đầu tiên (nếu có) về tuyến trên để xử lý kịp thời, không để phát sinh dịch.

* Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Trong 3 tháng đầu năm 2008, bệnh viện đã tiếp nhận 128 bệnh nhân bị tiêu chảy điều trị nội trú, bằng 39% so với cả năm 2007. Trong đó, bệnh nhân nhập viện chủ yếu ở địa bàn TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN) - M.N

Chia sẻ bài viết