18/08/2015 - 09:56

Tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học 2014-2015, với sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, ngành giáo dục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT (gọi tắt là Nghị quyết 29). Tuy nhiên, hoạt động giáo dục cả nước còn tồn tại những hạn chế và khó khăn được các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận trong hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức trung tuần tháng 8-2015…

* Gặt hái kết quả

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học qua, các cấp quản lý giáo dục phối hợp với cơ quan hữu quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quán triệt Nghị quyết 29 về các nhiệm vụ, chủ trương của ngành. Về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập, có 32 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học; nâng cao chất lượng phổ cập THCS… Bên cạnh đó, ngành triển khai đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, bước đầu gặt hái kết quả khích lệ. Kỳ thi THPT quốc gia tạo sự đồng tình của người dân, kết quả phản ánh thực chất trình độ năng lực học sinh, tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia chung là 91,58%...

An Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nắm bắt đặc điểm dân cư đồng bào sống theo lối quần cư ở phum sóc, trẻ sinh ra và lớn lên chủ yếu sống trong gia đình nói tiếng dân tộc, không rành và thậm chí không biết tiếng Việt. Vì thế ngôn ngữ là rào cản đến với cái chữ, khi vào lớp 1, trẻ không hiểu tiếng Việt nên khó khăn trong việc tiếp thu bài vở, mất dần kiến thức căn bản, dẫn đến bỏ học. Vì thế hằng năm, tỉnh huy động tối đa trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp chú trọng con em đồng bào dân tộc Khmer; đầu tư nhiều trường lớp có đông người Khmer; tập, dạy cho trẻ nghe và nói tiếng Việt thành thạo. Nhờ giải pháp đó, tỉnh An Giang ngăn dòng bỏ học trong đồng bào dân tộc Khmer khá hiệu quả.

Thầy Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ (người đứng thứ nhất bên trái) nhận Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 - 2015.

Là tỉnh cuối cùng cực Nam Tổ quốc, nhờ Cà Mau quan tâm đầu tư mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp phù hợp, chỉn chu, tạo môi trường thuận lợi, thoải mái, giúp học sinh yên tâm học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. TP Hà Nội luôn quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và xem đây là khâu then chốt để phát triển giáo dục. Chính vì vậy, đội ngũ làm công tác giáo dục thủ đô phát triển vượt bậc về số lẫn chất lượng… Cùng với cả nước, ngành giáo dục TP Cần Thơ quyết tâm đổi mới, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thiết thực, cơ sở vật chất trường lớp được xây dựng ngày càng hoàn thiện. Thành phố được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển GD&ĐT TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

* Cần tháo gỡ khó khăn

Qua 1 năm thực hiện nhiệm vụ năm học, chất lượng giáo dục tuy có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung chưa đáp ứng mục tiêu giáo dục, còn nhiều hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh. Tiến độ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở một số tỉnh còn chậm, không đáp ứng yêu cầu. Một vài địa phương còn hiện tượng chưa tốt như: dạy thêm học thêm tràn lan; thu chi không đúng quy định; sổ sách giáo viên quá nhiều; cơ sở vật chất, thiết bị một số nơi còn thiếu thốn, lạc hậu…

Mặc dù TP Cần Thơ tập trung đầu tư cho giáo dục nhưng so với nhu cầu người dân và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với xuất phát điểm còn thấp so với các thành phố trực thuộc trung ương khác. Thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nhưng tỷ lệ huy động trẻ mầm non dưới 5 tuổi còn thấp, tỷ lệ trẻ vào nhà trẻ đạt 23,5%. Nguồn kinh phí không đủ đáp ứng yêu cầu xây mới, sửa chữa, nâng cấp, trước mắt chỉ tập trung giải quyết các hạng mục bức xúc, chủ yếu là phòng học. Thầy Võ Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nói: Do đặc thù vùng sông nước, phân bố dân cư rộng, mỗi năm đối mặt với mưa lũ, phương tiện giao thông, hệ thống giao thông còn hạn chế, Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung, nhu cầu đầu tư cho giáo dục là rất lớn. Thành phố và vùng cần cơ chế đặc thù riêng có thể phát huy mọi nguồn lực phục vụ cho sự phát triển giáo dục. An Giang cũng gặp tình trạng thiếu phòng học, trình độ giáo viên không đồng đều, nhất là các cơ sở mầm non ngoài công lập. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đề nghị trung ương nên đầu tư giúp các tỉnh khó khăn có kinh phí bổ sung cơ sở vật chất, giúp hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi đúng lộ trình.

3 năm nay, các trường công lập tỉnh Kiên Giang không được giao biên chế, trong khi tỷ trọng mầm non tăng nhanh, nhưng ngành học này đang thiếu 800 biên chế giáo viên. Ngành giáo dục tỉnh "xé nhỏ" biên chế giáo viên từng trường, lấy cán bộ biên chế làm khung, sau đó bổ sung giáo viên hợp đồng trên cơ sở phụ huynh học sinh đóng góp, chi trả lương giáo viên. Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GĐ&ĐT tỉnh Kiên Giang, kiến nghị: "Các bộ ngành trung ương phê duyệt nhanh Đề án vị trí việc làm để đủ điều kiện bổ sung biên chế cho trường công lập. Đối với chủ trương tinh giảm biên chế, ngành giáo dục không thể giảm 10% như các đơn vị sự nghiệp khác…".

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận thành quả và khẳng định thành công của ngành giáo dục trong giai đoạn đầu triển khai Nghị quyết 29. Phó Thủ tướng cho rằng, vai trò cấp ủy Đảng và địa phương rất quan trọng trong giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất. Trung ương có chương trình kiên cố trường lớp học bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ nhưng hoàn thành hết chương trình này phải cần 50.000 tỉ đồng. Bộ GD&ĐT cần làm việc sát hơn với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để tìm phương án khả thi, ưu tiên giải quyết trước chỗ khó khăn nhất. Bên cạnh đó, ngành tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh…

Bài, ảnh: Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết