28/01/2022 - 20:29

Tháo gỡ khó khăn cho thể thao ĐBSCL 

Thể thao khu vực ÐBSCL lâu nay gặp nhiều khó khăn do nguồn ngân sách hạn hẹp, lại thêm đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua ảnh hưởng đến công tác huấn luyện, thi đấu. Tuy nhiên, các địa phương đã nỗ lực tìm phương án củng cố, kiện toàn lại các bộ môn thể thao thành tích cao để phát triển trong tương lai.

Buổi tập luyện của các VĐV đội TDDC Cần Thơ. (Ảnh chụp khi dịch COVID-19 chưa bùng phát).

Thời gian qua, các đội tuyển thể thao Cần Thơ gần như phải tập luyện khép kín trong khu vực ký túc xá của Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) TP Cần Thơ. Cả năm 2021, thể thao Cần Thơ chỉ cử 52 lượt HLV, 255 lượt VÐV tham dự 19 giải gồm 8 giải vô địch quốc gia, 1 giải trẻ, 6 giải cúp và 4 giải mời, giành được 25 HCV, 25 HCB, 27 HCÐ, chỉ đạt 19,2 % so với kế hoạch năm. Không tham dự được các giải đấu do bị hủy hoặc bị hoãn, ngành Thể thao Cần Thơ tập trung vào việc củng bố bộ máy quản lý. Cụ thể, năm 2021 ngành đã kiện toàn Hội đồng tuyển chọn và đào thải HLV, VÐV thể thao thành tích cao; tập trung HLV, VÐV các môn thể thao thành tích cao chuẩn bị tham dự Ðại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022…

Tuy nhiên, thể thao Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển các bộ môn, ví như môn Thể dục dụng cụ (TDDC). Phát biểu tại buổi Tọa đàm Thể thao khu vực ÐBSCL do Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia (HLTTQG) Cần Thơ tổ chức mới đây, ông Trương Công Quốc Việt, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết thành phố đã phát triển môn TDDC hơn 5 năm qua, với sự hỗ trợ của chuyên gia đến từ Trung tâm HLTTQG Cần Thơ. Thế nhưng, trung tâm đã cắt chế độ chuyên gia, dẫn đến việc phát triển môn này gặp khó khăn khi lực lượng HLV địa phương chưa thể đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng gặp khó trong việc khai thác cơ sở vật chất thể thao vì vướng những quy định về đất công, sử dụng tài sản công…

Hầu hết các địa phương ở ÐBSCL hiện nay đều lúng túng trong việc sáp nhập hay chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp thể thao, nên mỗi nơi thực hiện một kiểu. Ðại diện tỉnh Bến Tre cho biết việc duy trì 2 đơn vị sự nghiệp thể thao là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu, cùng Trường Năng khiếu TDTT dẫn đến sự phân hóa giữa tuyến năng khiếu và tuyến đội tuyển. Vì vậy, Bến Tre đã thay đổi, giao Trường Năng khiếu TDTT có chức năng quản lý các bộ môn từ năng khiếu lên đội tuyển, trong khi trung tâm chỉ làm nhiệm vụ quản lý cơ sở vật chất và thể thao phong trào.

Năm 2020, tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Trường Năng khiếu Nghệ thuật và TDTT, trên cơ sở sáp nhập Trường Văn hóa nghệ thuật và Trường Năng khiếu TDTT, thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo VÐV năng khiếu TDTT. Còn Trung tâm TDTT tỉnh Vĩnh Long chỉ quản lý và huấn luyện các đội tuyển thể thao của tỉnh. Ðại diện tỉnh Vĩnh Long cho hay việc tuyển chọn đào tạo VÐV năng khiếu của tỉnh gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Năm 2021, tuyển sinh được 2 lớp với khoảng 50 VÐV ở 12 môn thể thao.

Riêng tỉnh Long An có mô hình được Phó tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Ðức Phấn đánh giá là phù hợp. Ðó là Trường TDTT Long An phụ trách giảng dạy văn hóa cho VÐV ở cấp 1 và 2, khi VÐV lên cấp 3 sẽ học theo chương trình giáo dục thường xuyên. Việc phân cấp học này giúp VÐV tập luyện và thi đấu tốt hơn, tránh được việc theo chương trình giáo dục phổ thông khá nặng ở cấp 3. Còn đại diện Cà Mau đề nghị Tổng cục TDTT thống nhất một cái tên đối với đơn vị chuyên môn về thể thao, để không còn cảnh mỗi nơi làm một kiểu như hiện nay.

Trước những vấn đề của thể thao ÐBSCL, ông Trần Ðức Phấn cho rằng mô hình của Long An là thiết thực và đây là một trong những địa phương rất mạnh về Bóng đá, Bóng chuyền, Bơi lội... Việc chưa thống nhất tên gọi các đơn vị thể thao là tình hình chung. Vì vậy, ông Trần Ðức Phấn đề nghị các địa phương nên tham khảo Ðề án Chiến lược phát triển thể dục thể thao năm 2021 đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, để có định hướng đầu tư phù hợp năng lực của địa phương. Về việc học văn hóa của VÐV, ông Phấn cho biết đã nhiều năm trao đổi với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, nhưng chưa có giải pháp. Các địa phương nên tham mưu với lãnh đạo về việc áp dụng mô hình VÐV học văn hóa của Long An để giúp ngành Thể thao phát triển phù hợp.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết