17/09/2021 - 09:58

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

Thành phố khẳng định mục tiêu mở lại hoạt động sản xuất kinh doanh phải bền vững 

Ngày 16-9, UBND TP Cần Thơ ban hành Phương án số 01/PA-UBND về "Tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn sau ngày 18-9-2021" (phương án). Phương án là bộ khung quan trọng để doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn thành phố chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa hoạt động trở lại, góp phần khôi phục thúc đẩy phát triển kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết:

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. 

- Để chuẩn bị cho việc ban hành phương án, Thành ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cùng các sở, ngành hữu quan, UBND các quận, huyện đã thảo luận, phân tích rất nhiều lần, qua nhiều cuộc họp. Việc ban hành phương án nhằm giải quyết tình trạng đa số DN đã đóng cửa từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội đang mong muốn được hoạt động trở lại, càng sớm càng tốt. Đồng thời, tạo hướng mở phù hợp với các DN muốn chuyển đổi từ “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” sang hình thức vận hành mới mang tính bền vững hơn, chủ động hơn, đảm bảo an toàn sức khỏe và tinh thần người lao động.

Cần lưu ý rằng, không phải mọi DN đều đáp ứng được yêu cầu an toàn để hoạt động trở lại. Do đó, cần có cách tiếp cận linh hoạt, ưu tiên mở cửa trước cho các DN sẵn sàng trước. Các DN còn lại tiếp tục có kế hoạch và khởi động sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi quận, huyện căn cứ vào đặc thù của mình, để điều chỉnh một vài yêu cầu, sao cho DN phát huy được sự chủ động, khắc phục được hạn chế và tận dụng được lợi thế, nguồn lực của địa phương.

* Xin ông cho biết, phương án gồm những điểm chính nào và giải pháp tiếp cận mở cửa, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ an toàn theo từng giai đoạn ra sao?

- Phương án đưa ra khung vận hành thận trọng, để cả DN và các cấp chính quyền làm chủ được quy mô, sao cho phù hợp với năng lực của DN và địa phương. Việc tận dụng nguồn lực của chính DN và có sẵn trên thị trường để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế địa phương và tăng cường cam kết của chủ DN. Đồng thời, tăng cường an toàn tại nơi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như bổ sung quy định người lao động đeo mặt nạ chống giọt bắn, phân luồng triệt để, bố trí thêm vùng đệm an toàn. Phương án cũng đưa ra các công cụ và biện pháp để chính quyền sở tại có thể giám sát quá trình triển khai, thực hiện.

Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương, Khu Công nghiệp Thốt Nốt, bố trí nhân viên y tế để xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động.

Về giải pháp tiếp cận, khi tỷ lệ người lao động được tiêm vaccine còn thấp, việc thực hiện phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn sau ngày 18-9 phải theo lộ trình phù hợp, vững chắc theo từng giai đoạn. Phải giảm gánh nặng cho hệ thống y tế ở mức tối đa đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bền vững và liên tục (kể cả khi phát hiện ca nhiễm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ). DN nâng công suất hoạt động dần dần theo các mức 30%, 50%, 70% và cao hơn. Ưu tiên việc trở lại làm việc trước hết cho người lao động ở vùng xanh hoặc không bị phong tỏa, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao (phụ nữ có thai, người bệnh nền...). Người lao động phải tuân thủ 5K tại nơi làm việc, nơi ở; tuân thủ di chuyển duy nhất giữa nơi ở và nơi làm việc cùng các quy định của ngành y tế. DN xét nghiệm theo định kỳ cho tất cả người lao động, báo cáo kết quả với chính quyền địa phương và ngành y tế sở tại.

Phương án triển khai qua 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, khi DN có đề án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch được cơ quan có thẩm quyền quản lý phê duyệt (Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp phê duyệt đối với các DN trong khu công nghiệp; Sở Công Thương phê duyệt đối với các DN ngoài khu công nghiệp có trên 100 lao động; UBND quận, huyện phê duyệt đối với các DN ngoài khu công nghiệp dưới 100 lao động và các hộ kinh doanh cá thể,...). Giai đoạn này, sẽ ưu tiên các DN sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các ngành nghề, lĩnh vực thiết yếu, các DN xuất khẩu, các loại hình kinh doanh, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ bản, cho phép mở lại hoạt động 100%, nếu có yêu cầu và đáp ứng đầy đủ tiêu chí phòng, chống dịch. Mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ người lao động được tiêm đủ 2 mũi vaccine trong 2 tuần trở lên hoặc 1 mũi vaccine trong 4 tuần trở lên.

Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hỗ trợ DN triển khai vùng đệm chuẩn bị đưa công nhân vào sản xuất.

Ở giai đoạn 2, với tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố ngày càng tốt hơn, các điều kiện hoạt động cũng tương tự giai đoạn 1, tuy nhiên sẽ mở rộng thêm ở các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trừ những ngành nghề, lĩnh vực như vui chơi giải trí, trò chơi điện tử, quán bar, vũ trường... và những lĩnh vực chưa thiết yếu khác.

Ở giai đoạn 3, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, số ca lây nhiễm trong cộng đồng rất ít mỗi ngày, liên tục từ 14 ngày trở lên (từ 1-2 ca), cho phép mở lại tất cả các ngành nghề, lĩnh vực với các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tương tự giai đoạn 1.

* Với tỷ lệ người lao động được tiêm vaccine còn thấp, nguy cơ trong DN vẫn có thể xuất hiện ca F0, thành phố sẽ có giải pháp xử lý ra sao, thưa ông?

- Tính đến ngày 15-9, có 24.345/44.142 lao động thuộc các DN trong khu công nghiệp đã tiêm vaccine, chiếm 55%. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1 chiếm 43% và tiêm 2 mũi chiếm 12% tổng số lao động. Có 2.216/3.113 lao động trong các DN ngoài khu công nghiệp đã được tiêm vaccine, với 71,19% đã tiêm mũi 1 và 8,58% đã tiêm mũi 2. Thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế tập trung vaccine ưu tiên cho người lao động; quản lý, giám sát tiêm đúng đối tượng, gắn với phương án sản xuất kinh doanh và số người trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất của DN, các ngành hàng dịch vụ thiết yếu như tài xế vận tải hàng hóa, shipper, hộ tiểu thương...

Lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Bình Thủy thăm hỏi công nhân sản xuất "3 tại chỗ" của Công ty CP Thép Tây Đô.

Trường hợp hoạt động lại và phát hiện có ca nhiễm COVID-19, cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải tạm ngừng hoạt động, thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế, cho đến khi đảm bảo an toàn phòng, chống dịch mới được phép hoạt động trở lại. Đối với cơ sở sản xuất (nhà máy) phát hiện có ca nhiễm, DN tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (F0, F1) chứ không phải toàn bộ nhà máy. Cơ quan y tế sẽ hướng dẫn điều trị, cách ly và thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định. Thực tiễn ở các nước và kể cả ở nước ta đều cho thấy, việc duy trì sản xuất liên tục trong điều kiện dịch bệnh là hoàn toàn có thể. Việc tạm ngừng dây chuyền, khu vực liên quan để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo, gây tâm lý hoang mang, mất an toàn cho những người lao động còn lại. Cách tiếp cận này cũng tương tự như việc cần nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, bởi nhà máy/DN cũng là một cộng đồng. Các dây chuyền còn lại đảm bảo an toàn vẫn sản xuất liên tục để không ảnh hưởng đến mục tiêu sản xuất, đơn hàng đã ký kết, chuỗi cung ứng hàng hóa của DN, việc làm của người lao động...

* Thành phố sẽ làm gì để triển khai thực hiện phương án mở cửa, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ an toàn sau ngày 18-9, thưa ông?

- Các DN đã trải qua rất nhiều khó khăn trong suốt thời gian giãn cách vừa qua. Nay với việc thực hiện phương án mở cửa sản xuất, mỗi DN cũng gánh trên vai trách nhiệm góp sức cùng thành phố thực hiện "mục tiêu kép", trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội, an toàn phòng, chống dịch cho người lao động. Ngay từ đầu, thành phố khẳng định mục tiêu mở lại hoạt động sản xuất kinh doanh phải bền vững, phải đảm bảo duy trì từ nay đến ít nhất là cuối năm 2021 hoặc đến khi thành phố hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân. Các sở, ngành, quận, huyện cũng có bước chuẩn bị để hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời cho DN theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Bằng chứng là trước khi phương án ban hành, vào ngày 28-8, tỷ lệ DN duy trì, khởi động lại sản xuất là 5,41% (59 DN/1.090 DN sản xuất toàn thành phố), đến ngày 16-9 đã tăng lên 11% tương đương với 120 DN và con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Các đồng chí trong Ban thường vụ Thành ủy cùng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ khảo sát, hỗ trợ cho Công ty CP Thủy sản NTFS, Khu công nghiệp Thốt Nốt thực hiện sản xuất theo "3 tại chỗ".

Tôi cho rằng trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, áp lực. Và thành phố mong muốn mỗi DN được chấp thuận phương án sản xuất, kinh doanh, được mở cửa hoạt động trở lại, dù quy mô là 30%, 50%, 70% hay cao hơn, cũng không lơ là, mất cảnh giác, không buông lỏng nhiệm vụ đảm bảo an toàn sản xuất, nhất là nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất đã được mở lại đến khi thành phố trở về trạng thái bình thường mới. Mỗi bước đi của DN luôn có sự dõi theo hỗ trợ, động viên và ủng hộ của thành phố, các sở, ngành hữu quan, quận, huyện. Với phương châm vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, khó khăn ở đâu tháo gỡ ngay ở đấy, cùng tinh thần cầu thị, trách nhiệm, thành phố sẵn sàng lắng nghe những "hiến kế" cải tiến qua quá trình thực tiễn thực hiện phương án của người dân, hộ kinh doanh cá thể, DN. Từ đó tìm được những mô hình tối ưu, phương thức triển khai phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất, kinh doanh và tình hình phòng chống dịch của thành phố, góp phần thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép".

* Xin cảm ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết