10/10/2022 - 11:52

Giáo sư Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ:

Thành lập các trường chuyên ngành góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu phục vụ ĐBSCL 

Bích Ngọc (Thực hiện)

Sau hơn 55 năm phát triển, Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) là đầu tàu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho vùng ÐBSCL. Nhân dịp khai giảng năm học mới 2022-2023, Trường ÐHCT công bố thành lập 4 trường thuộc Trường ÐHCT. Mô hình này sẽ có cơ chế, nguồn lực hoạt động như thế nào? Giáo sư Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ÐHCT cho biết:

- Trước tiên, tôi muốn làm rõ tên gọi để tránh hiểu nhầm. 4 đơn vị mà trường thành lập được gọi là “Trường thuộc Trường ÐHCT”. Theo pháp luật hiện hành, “Trường thuộc trường đại học” do Hội đồng trường quyết định thành lập, “Trường đại học” thì Chính phủ mới có thẩm quyền thành lập.

Theo đó, Trường Bách Khoa, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Kinh tế và Trường Nông nghiệp vừa được thành lập là đơn vị đào tạo thuộc Trường ÐHCT. Việc thành lập trường trong trường giúp việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh; tăng vai trò chủ động sáng tạo ở các cấp dưới và tạo động lực phát triển đến từng giảng viên. Các trường chuyên ngành này cũng sẽ xây dựng chiến lược phát triển gắn với thế mạnh trong việc xác định tầm nhìn, sứ mạng.

Mô hình trường trong trường sẽ giữ vững sự liên kết giữa các đơn vị trong trường, khác với các Trường đại học thuộc Ðại học Quốc gia hay Ðại học vùng. Từ đó, nhu cầu của người học được đáp ứng nhiều hơn, sinh viên được đào tạo kiến thức liên ngành. Ðặc biệt là tối ưu hóa các nguồn lực như đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, tài chính… Công tác tuyển sinh, tuyển dụng và đầu tư phát triển linh hoạt hơn, giúp các trường kịp thời chuyển đổi và bắt kịp yêu cầu học tập của xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động. Hoạt động hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, kể cả trong và ngoài nước sẽ thuận tiện hơn; nhất là trong việc tìm kiếm đối tác và huy động tài trợ, qua đó giúp mở rộng các hoạt động chuyên môn và công tác xã hội của toàn thể viên chức và người học của trường.

Các khoa mới thành lập thuộc các trường chuyên ngành sẽ chủ động hơn về các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là các hội thảo khoa học (kể cả quốc tế). Thông qua cơ chế quản lý mới, các trường có cơ hội đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường trên thế giới để đào tạo chất lượng cao; tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học có tầm ảnh hưởng trong nước cũng như vùng lãnh thổ và thế giới. Từ đó thu hút thêm người học.

* Xin Giáo sư cho biết cụ thể hơn về tổ chức hoạt động của các trường?

- Cơ cấu tổ chức và bộ máy của Trường ÐHCT có sự thay đổi lớn. Ðó là dưới trường chuyên ngành là các khoa theo các lĩnh vực khác nhau, sẽ không tổ chức các bộ môn dưới khoa như trước đây, mà sẽ hình thành các nhóm chuyên môn (quốc tế thường gọi là các lab) để tổ chức các hoạt động chuyên môn - vốn là xu hướng phổ biến ở các trường đại học trên thế giới hiện nay. Bốn trường được thành lập có đội ngũ cán bộ mạnh và hoạt động chuyên môn rộng phù hợp với xu hướng về nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và quốc gia; cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy, học tập và đủ năng lực quản lý.

Lợi thế của việc thành lập các trường chuyên ngành trong Trường ÐHCT là dùng chung nhiều cơ sở vật chất để tối ưu hóa nguồn lực và thuận lợi cho người học. Công tác tuyển sinh vẫn do Trường ÐHCT phụ trách nhưng các trường sẽ tích cực hơn trong công tác quảng bá để thu hút sinh viên vào học.

* Giáo sư có thể cho biết định hướng phát triển của Trường ÐHCT, cũng như các trường thuộc Trường trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại ÐBSCL và cả nước?

- Với sứ mệnh là đào tạo con người tinh hoa trong môi trường học tập khai phóng, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đương đại, phát triển xã hội thịnh vượng, Trường ÐHCT sẽ tập trung vào ba trụ cột chính: phục vụ xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển; dạy và học. Trường tăng cường kết nối, hợp tác và chia sẻ với cộng đồng phát triển trong và ngoài nước; đồng thời cải tiến hệ thống quản trị thông qua phát huy cơ chế tự chủ, cải tiến điều phối, giám sát, đánh giá và hiệu chỉnh; cải tiến quản trị nhân sự, huy động và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và tài chính.

Trường đang xây dựng đề án để phát triển thành ÐHCT với mô hình tổ chức của đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình với hệ thống quản lý, cơ cấu tổ chức hiệu quả cao và năng lực tài chính vững mạnh; đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nâng cao chất lượng đào tạo với chi phí hợp lý nhất; phát triển và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phát triển hợp tác trong và ngoài nước để đạt trường đại học đẳng cấp quốc tế; hỗ trợ cho sự phát triển và xây dựng mạng lưới các trường đại học vùng ÐBSCL. Trường ÐHCT đang chuẩn bị để đạt mọi điều kiện để chuyển đổi thành ÐHCT theo pháp luật.

Các trường chuyên ngành thuộc Trường ÐHCT cũng sẽ thực hiện theo sứ mệnh chung, quan trọng hơn là sẽ từng bước chủ động, trách nhiệm hơn trong hoạt động chuyên môn như đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

* Thưa Giáo sư, Trường ÐHCT cần hỗ trợ gì để phát triển bền vững?

- Không riêng Trường ÐHCT mà tất cả các trường (đặc biệt là công lập) luôn cần sự trợ giúp của Trung ương và địa phương để thực hiện sứ mệnh. Mặc dù chủ trương tự chủ đại học đã có nhưng quá trình thực hiện còn một số vướng mắc về quy định pháp luật để các trường có thể chủ động hơn trong hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy và tạo nguồn lực tài chính… Hiện nay, các trường tự chủ theo xu hướng giảm hay không còn ngân sách cấp (tùy cấp độ tự chủ) thì tài chính là vấn đề khó, trong khi chính sách học phí theo quy định chung của nhà nước và còn phải dựa vào sức chi trả của người học.

Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Nông nghiệp, Trường ĐHCT; nay là Trường Nông nghiệp thuộc Trường ĐHCT. Ảnh: B.NG

Trường ÐHCT hiện đang ở mức tự chủ thứ 2 (tự chủ chi thường xuyên), ngân sách hoạt động của trường phụ thuộc vào nguồn thu học phí, mà học phí trường chưa thể tăng cao để phù hợp sức chi trả của người dân ÐBSCL. May mắn là trường đang được hưởng một số dự án đầu tư cơ sở vật chất lớn từ nhà nước và hợp tác trong và ngoài nước, nên đáp ứng điều kiện phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu nhìn về tương lai xa và phát triển bền vững, thì Trường ÐHCT cũng như các trường công lập khác, cần sự tiếp sức từ nhà nước thông qua cơ chế về hỗ trợ tài chính, chương trình nghiên cứu khoa học, điều chỉnh các quy định của pháp luật để trường có thể tạo nguồn thu bổ sung chi đào tạo...

* Xin cảm ơn Giáo sư!

Trường Bách khoa có 10 đơn vị: Khoa Kỹ thuật cơ khí, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Khoa Kỹ thuật thủy lợi, Khoa Kỹ thuật công trình giao thông, Khoa Điện tử - Viễn thông, Khoa Tự động hóa, Khoa Kỹ thuật điện, Khoa Quản lý công nghiệp, Khoa Công nghệ hóa học và Xưởng cơ khí. Trường có 171 viên chức, người lao động (VCNLĐ), trong đó có 10 PGS, 61 tiến sĩ, 80 thạc sĩ… Đào tạo 1 chương trình bậc tiến sĩ; 4 chương trình bậc thạc sĩ và 15 chương trình bậc đại học, với 7.367 sinh viên, học viên.

Trường Công nghệ thông tin và truyền thông có 6 đơn vị: Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Công nghệ phần mềm, Khoa Khoa học máy tính, Khoa Truyền thông đa phương tiện, Khoa Mạng máy tính và truyền thông, Khoa Hệ thống thông tin. Trường có 108 VCNLĐ, trong đó có 5 PGS, 35 tiến sĩ, 14 nghiên cứu sinh và 37 thạc sĩ. Đào tạo 7 chuyên ngành bậc đại học, 3 ngành thạc sĩ và 1 ngành tiến sĩ, với 5.161 sinh viên, học viên.

Trường Kinh tế có 9 đơn vị: Khoa Kinh tế học, Khoa Kinh tế nông nghiệp, Khoa Kinh tế Tài nguyên - Môi trường, Khoa Kinh doanh quốc tế, Khoa Quản trị kinh doanh, Khoa Marketing, Khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Khoa Tài chính - Ngân hàng. Trường có 133 VCNLĐ, trong đó có 14 PGS, 44 tiến sĩ và 86 thạc sĩ. Đào tạo 13 chuyên ngành bậc đại học, 5 ngành thạc sĩ và 3 ngành tiến sĩ, với 8.028 sinh viên, học viên.

Trường Nông nghiệp có 8 đơn vị: Khoa Khoa học cây trồng, Khoa Khoa học đất, Khoa Di truyền và chọn giống cây trồng, Khoa Bảo vệ thực vật, Khoa Sinh lý - Sinh hóa, Khoa Chăn nuôi, Khoa Thú y, Trại Thực nghiệm nông nghiệp. Trường có 173 VCNLĐ, trong đó có 4 Giáo sư, 25 PGS, 81 tiến sĩ và 50 thạc sĩ. Đào tạo 11 chuyên ngành bậc đại học, 5 ngành thạc sĩ và 3 ngành tiến sĩ, với 3.680 sinh viên, học viên.

 

Chia sẻ bài viết