15/05/2013 - 21:11

Thận trọng với thuốc kháng viêm corticoid

Nhiều người khi mắc các bệnh đau nhức xương khớp thường tìm đến phòng mạch tư để tiêm thuốc. Đáp ứng nhu cầu tức thời của người dân, các phòng mạch tư lạm dụng corticoid tiêm tại chỗ, đau đâu chích đó, tạo hiệu quả tức thời, khiến bệnh nhân tin tưởng "thuốc hay, thầy giỏi". Tuy nhiên, bên cạnh công dụng kháng viêm hiệu quả, corticoid có nhiều tác dụng phụ, nếu không thực hiện đúng chỉ định và kỹ thuật tiêm của cán bộ y tế, dễ dẫn đến biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Mỵ, 84 tuổi, bệnh nhân tiêm corticoid thời gian dài. 

Bệnh nhân Nguyễn Thị Mỵ (84 tuổi, ở huyện Thới Lai) bị gãy cổ xương đùi đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Qua ghi nhận của bác sĩ, khuôn mặt bà Mỵ tròn "như mặt trăng", da mỏng tang, tay chân teo, có nhiều vết bầm do xuất huyết, bể mạch máu, đồng thời tụ mỡ ở vùng ngực và bụng, cơ thể không cân đối. Bà Mỵ vận động khó khăn, tay chân rất yếu. Theo bác sĩ Võ Văn Dành, Khoa Ngoại - chấn thương, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, bà Mỵ là một trong những bệnh nhân sử dụng thuốc corticoid thời gian dài. Mặc dù hiểu rõ tác hại của việc lạm dụng corticoid nhưng các bác sĩ vẫn tiếp tục sử dụng corticoid để điều trị cho bà Mỵ vì không thể ngưng sử dụng corticoid ngay lập tức mà phải giảm dần dần liều lượng và thay thế giải pháp điều trị phù hợp. Chị Ngô Thị Bích Hằng (44 tuổi), con gái bà Mỵ cho biết, trước đây, mỗi lần bà Mỵ đau nhức xương khớp, thường mua thuốc uống hoặc tiêm thuốc ở phòng mạch tư. Mỗi lần uống thuốc vào lại thấy khỏe trong người, hết mệt, ăn ngon miệng, ngủ thẳng giấc. Dùng thuốc giảm đau nhức thời gian dài, bà Mỵ có cảm giác nghiện, khi không uống, cảm giác rất khó chịu. Sau này, chuyển sang tiêm thuốc quá nhiều lần, bà Mỵ bị chai hai mông.

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng do tiêm corticoid tại chỗ không đúng cách, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Điển hình trường hợp bệnh nhân Đào Thị Tuyết (43 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) bị đứt gân hai gót chân, các bác sĩ nghi ngờ do trước đó từng điều trị bằng cách tiêm trực tiếp thuốc có chứa corticoid vào hai gót chân.

Theo bác sĩ Võ Văn Dành, corticoid tiêm tại chỗ có tác dụng kháng viêm nhanh, hết triệu chứng đau nhức nhanh, đồng thời, hạn chế tác dụng phụ của corticoid toàn thân như ở dạng uống. Corticoid tiêm tại chỗ thường được dùng trong điều trị đau nhức xương khớp, do đó, thường xảy ra tình trạng đau đâu tiêm đó. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tư nhân muốn tạo danh tiếng "bác sĩ giỏi", nhiều trường hợp chưa tới chỉ định tiêm corticoid tại chỗ nhưng cán bộ y tế cũng đáp ứng nhu cầu tức thời của bệnh nhân để "tạo thương hiệu". Cần lưu ý rằng, những trường hợp không viêm thì dùng corticoid tiêm tại chỗ không đạt hiệu quả điều trị. Đối với kỹ thuật tiêm corticoid tại chỗ, đòi hỏi cán bộ y tế có chuyên môn cao, tiêm đúng kỹ thuật. Trong trường hợp viêm bao gân, phải tiêm vào giữa bao gân và cọng gân. Tuy nhiên, rất khó thực hiện nếu không am hiểu kỹ thuật giải phẫu, tiêm không đúng vị trí, dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Người bệnh hết đau, hết viêm nhưng có thể hủy và làm teo các mô mềm xung quanh. Đối với kỹ thuật tiêm vào khớp, nhiều trường hợp tiêm vào trong nang hoạt dịch, khoang màng ngoài màng cứng đòi hỏi phải tiêm đúng vị trí. Do đó, corticoid phải được tiêm đúng chỉ định, kỹ thuật thì mới đạt hiệu quả điều trị, tránh tác dụng phụ, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra cho bệnh nhân.

Theo các tài liệu y học, một khớp chỉ được tiêm corticoid tại chỗ tối đa 3 lần/năm, khoảng cách giữa các lần tiêm phải trên một tuần. Song song với tác dụng kháng viêm nhanh, corticoid có nhiều biến chứng tại chỗ như: giữ nước, tăng đường huyết đối với bệnh lý tiểu đường... Nếu tiêm mô quanh khớp nhiều lần, dẫn đến thoái hóa cấu trúc xung quanh khớp, có thể làm tan xương, mật độ xương loãng dần, dẫn đến mất xương. Ngoài ra, corticoid còn làm thay đổi sắc tố xung quanh chỗ tiêm, làm teo các mô mỡ dưới da, da lõm xuống tại chỗ tiêm. Nếu tiêm không đúng bao gân mà trúng cọng gân, dễ có nguy cơ đứt gân. Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị đứt gân một bên gót chân do tiêm corticoid không đúng kỹ thuật. Mặc dù đạt hiệu quả mạnh trong kháng viêm nhưng sử dụng corticoid thời gian dài, làm bệnh nhân nghiện thuốc. Đối với mỹ phẩm có chứa corticoid ban đầu khi sử dụng, da có cảm giác mịn do giữ nước, lâu dần có hiện tượng nổi chỉ máu (do da bị làm mỏng). Tùy theo liều lượng sử dụng, corticoid có thể làm thay đổi sắc tố da, nhiễm trùng da. Tuy nhiên, nếu ngưng sử dụng sẽ có phản ứng ngược lại, người bệnh có cảm giác khó chịu, da sần sùi, dễ bắt nắng, nám da. Trên thị trường có tồn tại nhiều loại thuốc, mỹ phẩm dưỡng da có thành phần corticoid mà người dân tự ý sử dụng lâu dài, dẫn đến tác dụng phụ cho làn da.

Nguyên tắc đối với corticoid tiêm tại chỗ, cán bộ y tế đảm bảo kỹ thuật vô trùng, đặc biệt chích vô khớp. Corticoid là một loại thuốc tan chậm, do đó phải cân nhắc khi sử dụng thuốc. Loại corticoid tiêm tại chỗ không được tiêm vào mạch máu, xương xốp; không tiêm vào da hay mô dưới da, sẽ làm đổi màu da. Trong điều trị các bệnh da liễu, đòi hỏi phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Corticoid tiêm tại chỗ chống chỉ định những trường hợp như: nhiễm trùng tại chỗ, viêm gan, lao...

Bác sĩ Võ Văn Dành khuyến cáo, trong trường hợp tiêm corticoid tại chỗ, cần sử dụng thuốc đúng chỉ định, nắm rõ tác dụng phụ của thuốc, những biến chứng có thể xảy ra, đặc biệt tránh lạm dụng thuốc. Đối với bệnh nhân, khi sử dụng corticoid phải được kiểm soát liều lượng dùng thích hợp, tránh bị nghiện và biến chứng có thể xảy ra. Nhiều bệnh nhân đau nhức xương khớp thường lạm dụng sử dụng corticoid, đến thăm khám trễ tại cơ sở y tế, khi đã có nhiều biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.

Bài, ảnh: T. SƯƠNG

Chia sẻ bài viết