20/01/2022 - 16:12

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine phòng COVID-19 

(CT) - Sáng 20-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu cả nước tổng kết công tác y tế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu TP Cần Thơ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ngành, các cơ sở y tế… tham dự.  

Thủ tướng yêu cầu phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân từ ngày 1/2 đến ngày 28/2 để đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: baochinhphu.vn. 

Theo Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 xuất hiện chưa có trong tiền lệ, với số ca mắc tăng nhanh, vượt quá dự báo đã làm ảnh hưởng đến ngành. Năm qua, ngành Y tế thực hiện đạt 15/18 chỉ tiêu. Tính đến ngày 16-1-2022, cả nước ghi nhận 2.023.546 ca mắc COVID-19, trong đó 2.018.838 ca trong nước, đã có 1.727.290 người khỏi bệnh, 35.480 ca tử vong. Tính trên 1 triệu dân, số mắc xếp thứ 143/224 nước trên thế giới, 6/11 nước khu vực ASEAN; số tử vong xếp thứ 130/224 nước trên thế giới, 5/11 nước khu vực ASEAN. Tỷ lệ tử vong trên số mắc là 1,8%, xếp thứ 26/224 nước trên thế giới, 3/11 nước trong ASEAN. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 68 ca nhiễm biến thể Omicron. Ngành Y tế triển khai điều trị F0 tại nhà, tư vấn từ xa, mô hình điều trị tháp 3 tầng, số ca tử vong do COVID-19 đã giảm từ 350 ca/ngày xuống còn trên 200 ca/ngày.  

Cùng với công tác điều trị, ngành Y tế tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam. Cả nước đã tiêm được trên 168 triệu liều vaccine. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm 1 liều là 100% và tiêm đủ 2 liều là 94%. Việt Nam đã đạt trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản, so với mục tiêu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, Việt Nam đã về đích trước 6 tháng. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I-2022; đang tích cực chuẩn bị  tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi.   

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết WHO và các nhà khoa học, các quốc gia nhận định đại dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được trong năm 2022. Tốc độ lây nhiễm Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần trong nhóm tiêm chủng đầy đủ, nguy cơ gây quá tải cho hệ thống y tế. Chưa kể nguy cơ có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Trong năm 2022, ngành Y tế cả nước ưu tiên hàng đầu tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19; tập trung hoàn thiện, xây dựng và trình các dự án luật: Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Dược sửa đổi, Luật Dân số… Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, có chính sách đãi ngộ phù hợp, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy, nhất là y tế cơ sở theo quy mô dân số… Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường cùng lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ngành, các cơ sở y tế… tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2021 vừa đi qua với bao khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, song đất nước ta vẫn giành được nhiều thành tựu quan trọng. Trong những thành tựu chung đó có đóng góp của ngành Y tế. Công tác chống dịch thời gian qua đã rút ra bài học: Tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Trung ương; giữ bình tĩnh, bản lĩnh trong lúc khó khăn; có cách tiếp cận đúng, chọn tiếp cận toàn dân, từ cơ sở, lấy người dân là chủ thể, là mục tiêu phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, doanh nghiệp; càng khó khăn, càng phức tạp, càng dân chủ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Y tế tiếp tục kiên trì, kiên quyết đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Khắc phục công tác quản lý nhà nước, nhất là quản lý giá, ví dụ kit xét nghiệm. Hoàn thiện thể chế; rà soát lại chính sách, chế độ thu hút nguồn lực trong chống dịch, trong khám chữa bệnh. Phải đầu tư phát triển khoa học công nghệ, công nghệ số nhiều hơn nữa. Đào tạo nguồn nhân lực y tế; có các chính sách thu hút người vào học ngành y, chính sách cho bác sĩ ra trường về công tác ở y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Cụ thể hóa chương trình phòng, chống dịch, bảo vệ người dễ bị tổn thương, bảo vệ người có nguy cơ cao và người tuyến đầu chống dịch. Không để khủng hoảng, quá tải hệ thống y tế. Quan tâm y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nắm chắc dự báo tình hình, không lơ là, chủ quan, đặc biệt cảnh giác chủng mới. Phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa các chủng mới. Kiểm soát dịch bệnh xâm nhập đường biên giới trên bộ, trên biển, đường hàng không...

Thủ tướng yêu cầu các biện pháp chống dịch thống nhất toàn quốc, bám sát thực tiễn, trái với cái chung phải báo cáo cấp có thẩm quyền. Không được ngăn sông cấm chợ, không thể mỗi nơi làm 1 kiểu... Thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine để mở cửa an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân từ ngày 1-2 đến 28-2-2022; giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch. Đồng thời đề nghị ngành Y tế thực hiện tiêm vaccine xuyên Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tin, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết