13/07/2017 - 16:41

Trung Quốc

Tham vọng từ chiến lược tăng cường tàu hậu cần

TTH.VN - Trong động thái nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh quân sự, hãng tin Anh Reuters cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu tiếp vận và máy bay hạng nặng bị lãng quên trong thời gian qua nhằm hỗ trợ việc thực thi tuyên bố chủ quyền cũng như bảo vệ lợi ích ở nước ngoài.

Trong động thái nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh quân sự, hãng tin Anh Reuters cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu tiếp vận và máy bay hạng nặng bị lãng quên trong thời gian qua nhằm hỗ trợ việc thực thi tuyên bố chủ quyền cũng như bảo vệ lợi ích ở nước ngoài.

 

 Qiandaohu- một trong những tàu hậu cần loại 903 được đưa vào phục vụ Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia phân tích quốc phòng, mặc dù không dấy lên nhiều căng thẳng trong khu vực theo kiểu kiên quyết triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa hoặc tàu chiến hạng nặng nhưng có thể xác định mục tiêu lần này đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược xây dựng sức mạnh quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đồng thời cho thấy tham vọng trở thành lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới của nước này. Các thiết bị hỗ trợ hàng không và đường biển khi đó sẽ cho phép lực lượng hải quân Trung Quốc tầm soát một khu vực địa lý rộng lớn và hỗ trợ PLA trên các mặt trận vùng xa.

Hải quân Trung Quốc hiện nay có khoảng 80 tàu chiến mặt nước, bao gồm tàu​​ sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh. Theo ước tính của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của PLA, Bắc Kinh đã cho triển khai hơn 50 tàu ngầm, khoảng 50 tàu đổ bộ và hơn 80 khinh hạm mang tên lửa tấn công. Nhiều nguồn tin quân sự cho biết, các nhà máy đóng tàu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc năm ngoái đã hạ thủy 2 tàu tiếp vận loại 903 trọng tải 23.000 tấn. Theo các nhà phân tích quốc phòng, hai loại tàu trên đang trong giai đoạn thử nghiệm và sẽ được đưa vào phục vụ hải quân vào cuối năm nay nhằm tăng cường lực lượng hậu cần trên biển để mở rộng nhiệm vụ của hải quân nước này.

Ngoài ra, một số chuyên gia phân tích cho biết các nhà hoạch định quân sự của Trung Quốc đã bắt đầu rút kinh nghiệm và nhận thức tầm quan trọng cùng lợi thế áp đảo của máy bay hạng nặng với khả năng chuyên chở binh sĩ và tiếp vận tại các mặt trận vùng xa từ hoạt động quân sự của Mỹ và phương Tây. Hồi tháng trước, Bắc Kinh lên tiếng khẳng định đã tiến hành thử nghiệm thành công máy bay vận tải động cơ phản lực quân sự cỡ lớn Y-20 đầu tiên do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) sản xuất. Phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc lúc đó đưa tin, Y-20 có thể hạ cánh, cất cánh từ đường băng trong điều kiện bị hạn chế và có khả năng vận chuyển hầu hết vũ khí và lực lượng PLA tham chiến.

Các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Y-20 được Trung Quốc đánh dấu là một cột mốc quan trọng khi quân đội nước này vẫn đang tiếp tục chuyển đổi từ lực lượng mặt đất là chủ yếu sang đội ngũ có tính năng di động và gọn nhẹ hơn. Do đó, một số nhà phân tích dự đoán Bắc Kinh sẽ xúc tiến sản xuất hàng trăm mẫu Y-20 với kỳ vọng nâng cao khả năng tác chiến của PLA trên chiến trường xa xôi.

Theo Li Nan, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc và là giáo sư Trường Hải quân tại thành phố Newport thuộc bang Rhode Island (Mỹ) thì "không nghi ngờ gì nữa về việc Trung Quốc đang bắt đầu phát triển năng lực để triển khai sức mạnh quân sự". Alessio Patalano, chuyên gia quân sự Nhật Bản tại Trường King’s College (Anh) nhận định hệ thống tàu tiếp vận sẽ không thay đổi bản chất của các hoạt động ở khu vực Biển Đông nhưng sẽ tác động đến khả năng của Hải quân Trung Quốc khi tiến hành các hoạt động trên biển.

Thông tin chi tiết do quân đội Trung Quốc công bố cho thấy, hoạt động hậu cần trên biển trong thời gian Hải quân Trung Quốc làm nhiệm vụ có thể được kéo dài với đội gồm ba tàu tiếp vận tốt nhất. Tuy nhiên, việc xây dựng bổ sung tàu thuyền hỗ trợ của Trung Quốc đã tụt lại rất xa so với yêu cầu của những lực lượng tham chiến.

Cụ thể, nước này hiện chỉ có 5 tàu ​​tiếp vận loại lớn và phải dàn trải để hỗ trợ hạm đội hải quân tuần tra và diễn tập xung quanh vùng lãnh thổ tranh chấp ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông bên cạnh chiến lược triển khai thêm lực lượng tại Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương cùng những nhiệm vụ đặc biệt hiện nay tại Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi. Mặt khác, dù tăng cường năng lực tàu hậu cần có thể mở rộng phạm vi và khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc, nhưng mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh vẫn còn tương đối hạn chế bên ngoài các vùng biển tranh chấp với một số nước láng giềng xung quanh.

VI VI (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết