30/04/2017 - 11:07

Thắm mãi một ngày đất nước dậy cờ hoa

Đã bốn mươi hai năm trôi qua, nhưng nhắc tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 nhiều người không khỏi xúc động, đó là ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngập trong rừng cờ, rừng hoa, mỗi gương mặt sáng rỡ lên trong ánh nắng hòa bình.

Niềm vui bất tận ấy không ai đong đếm được, bởi đất nước đã phải trải qua hàng chục năm Nam- Bắc ngăn chia giới tuyến, đất nước chìm ngập trong khói lửa chiến tranh. Miền Nam máu ứa, "Biết mấy mẹ già chống cửa trông con/ Các em đã theo cha mấy lứa/ Hà Nội đau tim ở Huế- Sài Gòn" ("Bài ca xuân 71- Tố Hữu). Biết bao anh hùng liệt sĩ vùi máu xương nơi chiến trường, biết bao hy sinh lặng thầm của người mẹ Việt Nam; hàng ngàn, hàng vạn tấn bom hủy diệt của người Mỹ đổ xuống đất nước. Có biết bao nhiêu đòn chiến tranh mà các tổng thống Hoa Kỳ vẽ ra, tưởng chừng như "nhai tươi, nuốt sống" Việt Nam; nhưng không thể ngờ rằng, sức nặng của xe tăng, bom đạn, tên lửa, cùng với nhiều loại máy bay tối tân hiện đại nhất, đã bị quân và dân ta đánh cho "dập đầu", xác hóa thành tro than.

 Không khí vui mừng ngày đất nước thống nhất. Ảnh: baocuuchienbinhvietnam.com.vn

 Người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30-4-1975.

Trong những ngày bom rơi, đạn lạc ấy, Việt Nam mới chỉ là đất nước nhỏ bé với "31 triệu nhân dân" nhưng "tất cả đều hành quân" với tinh thần "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Ở đâu, đất nước ta cũng hóa thành chiến hào, chiến lũy, cũng hóa thành trận địa. Hoa chiến công nở trên đầu súng, chia đều cho nhân dân cả nước. Đó là cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, mặc áo bà ba, chèo xuồng trong đêm khuya giữa dòng kênh rạch, để truy kích địch. Chị Hai năm tấn quê Thái Bình, vừa dong trâu cày ruộng, vừa giương súng trường hạ máy bay rơi. Những con người ngỡ như rất bình thường, nhưng vô cùng vĩ đại ấy, đã thành thơ thành nhạc, thành "hạt giống đỏ" của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho sức mạnh chính nghĩa.

Sức mạnh đó còn đến từ tiếng thét căm hờn của chàng trai thanh niên Nguyễn Văn Trỗi ở nhà lao Khám Chí Hòa "Còn giặc Mỹ thì không ai có hạnh phúc". Tiếng thét của anh Trỗi, vượt qua song sắt đến với trái tim hàng ngàn tử tù Côn Đảo, Phú Quốc, để họ đấu tranh, gửi lại đồng bào, đồng chí niềm tin sắt son sẽ có một ngày lá cờ giải phóng bay giữa trời xanh, cả nước hát vang bài ca thống nhất. Hơn ai hết, chúng ta yêu tự do và độc lập, nên người lính đã hóa thành "đôi vai trăm cân, đôi chân ngàn dặm" "đi đánh giặc mà không sợ dài lâu". Có người ra đi không trở lại, máu anh đã trở thành "màu hoa đỏ" cuối trời xa, để hóa thành màu cờ ngày toàn thắng.

Hành trình đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 được kết tinh bằng dòng chảy của lòng yêu nước thương nòi. Vũ khí quan trọng nhất là tình yêu tổ quốc, có hồn thiêng của Vua Hùng dựng nước. Các chiến sĩ giải phóng quân tiến công với "khí thế trúc chẻ tro bay" của Lê Lợi, với lòng uất hận "muốn xẻo thịt lột da quân giặc" của Trần Hưng Đạo, với "tiếng ngựa phi thần tốc" của Quang Trung để "Chặt Buôn Mê Thuột/ Rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế- Thừa Thiên/ Đổ nhào Đà Nẵng" ("Toàn thắng về ta", Tố Hữu), tiến về giải phóng Sài Gòn.

Mốc son ngày 30 tháng 4 được vẽ bằng sự quật cường, lòng dũng cảm của quân dân, bằng đường lối quân sự tài tình của Đảng, bằng sự chung vai, sát cánh giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của các chính phủ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12-1976, đã khẳng định rằng: "Năm tháng trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta, như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, nó đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. Một sự kiện có tầm quan trọng to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

Cột mốc 30 tháng 4 năm 1975 nhân lên niềm tin, ý chí, sức mạnh của Đảng đi theo chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Dẫu phải đổi bằng máu, bằng mồ hôi và nước mắt, nhưng chúng ta đã có chiến thắng sáng ngời chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do".

42 năm đi qua "Khi quá khứ soi mình trong hiện tại" chúng ta đã thực hiện đúng theo Di chúc của Bác Hồ "Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay".

Từ Đổi Mới được khởi xướng tại Đại hội Đảng lần thứ VI, đến Đại hội Đảng lần thứ XII, Việt Nam vững vàng bằng thế đứng độc lập dân tộc, kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Với thế giới, Việt Nam sẵn sàng "nối vòng tay lớn", "hòa nhập chứ không hòa tan", bởi thành trì của chế độ được xây đắp không chỉ bằng "cột mốc son" ngày 30 tháng 4 năm 1975, mà có những mốc son lịch sử của cha ông trong suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Thế giới hiện nay có nhiều biến động, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ta đang đứng trước nhiều vấn đề phức tạp. Không ít những phần tử phản động từ trong nước và nước ngoài chống phá chế độ ta. Đặc biệt thủ đoạn nấp dưới danh nghĩa "nhân quyền", "dân chủ" để vu khống, xuyên tạc, bội nhọ sự thật. Trong bối cảnh đó, mới thấy không ai lay chuyển được ý Đảng lòng dân. Trải qua 42 năm, từ chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, nhân dân ta vững lòng tin ở sự lãnh đạo của Đảng, đưa "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh". Đó là lý tưởng cộng sản của Đảng ta, đó cũng là khát vọng của nhân dân ta. Thời thế mới, hành trình xây dựng đất nước vẫn còn nhiều gian nan, nhưng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vững vàng bước tiếp, bởi chỉ có trải qua chiến tranh, trải qua niềm vui vô tận của ngày thống nhất, mới không quên quá khứ đầy hy sinh mất mát để trân trọng hòa bình hôm nay.

Tùy bút: Phan Thế Cải

Chia sẻ bài viết