05/02/2023 - 17:20

Tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân 

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN 

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời chiến hay thời bình, bảo vệ đất nước luôn là nhiệm vụ thiêng liêng, tiên quyết hết sức quan trọng. Vì vậy, việc trốn nghĩa vụ quân sự là hành vi xấu cần lên án và bị xử lý nghiêm. Việc trốn nghĩa vụ quân sự không chỉ trái pháp luật mà còn trái với đạo đức công dân.

Tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Trong ảnh: Thanh niên quận Ô Môn hăng hái lên đường nhập ngũ năm 2022.

Tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Trong ảnh: Thanh niên quận Ô Môn hăng hái lên đường nhập ngũ năm 2022.

Ngày 16-3-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Vĩnh Thạnh tiếp nhận tin báo của Ban Chỉ huy Quân sự xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, về việc thanh niên N.Đ.H trốn tránh nghĩa vụ quân sự 2 năm. Năm 2020, H trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và có lệnh gọi nhập ngũ, nhưng H không chấp hành theo lệnh gọi công dân nhập ngũ. Chủ tịch UBND xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 20-2-2020 với số tiền 2 triệu đồng đối với H về hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Ngày 9-3-2020, H chấp hành đóng phạt xong. Năm 2021, H tiếp tục trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và có lệnh gọi nhập ngũ ngày 25-1-2021. Tuy nhiên, H tiếp tục trốn tránh không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 4-3-2021. Sau đó, Chủ tịch UBND xã Thạnh An ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H. Được gia đình vận động, ngày 30-3-2021, H đến cơ quan điều tra trình diện và thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Ngày 9-6-2021, Tòa án Nhân dân huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với H. Hội đồng xét xử nhận định, H là thanh niên trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, có đủ sức khỏe để chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, từng có tiền sự về hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng bị cáo vẫn tiếp tục có hành vi trốn tránh. Hành vi của bị cáo đã gây ảnh hưởng xấu đến các thanh niên khác trong việc thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự ở địa phương, xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính về thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự. Do đó, cần có hình phạt nghiêm tương ứng với hành vi và mức độ phạm tội của bị cáo mới đủ tác dụng răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt H 15 tháng tù về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Điều 332, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, như sau: Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1-5 năm: tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; phạm tội trong thời chiến; lôi kéo người khác phạm tội.

Bên cạnh đó, Điều 334, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội làm trái quy định việc thực hiện nghĩa vụ quân sự: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội trong thời chiến, thì bị phạt tù 2-7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm. Ngoài ra, người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Chia sẻ bài viết