29/12/2012 - 15:54

Thách thức và cơ hội từ hội nhập

Hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cơ hội thu hút đầu tư vào các địa phương (một góc TP Cần Thơ).

Gia nhập ASEAN năm 1995, ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ (BTA) năm 2000; gia nhập WTO 2007 và tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Song, thách thức đặt ra không nhỏ, nhất là lộ trình thực hiện cam kết FTA mà Việt Nam sẽ tham gia thời gian tới.

Thách thức…

Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo nhận định của Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), từ khi mở cửa hội nhập và 6 năm gia nhập WTO, tăng trưởng GDP khá cao, xuất nhập khẩu tăng, hệ thống tài chính phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, khung pháp lý dần được hoàn thiện theo các cam kết và chuẩn mực kinh tế thị trường. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế và một số ngành hàng chưa cao, chưa tận dụng hết những ưu đãi mà FTA mang lại, việc tự do hóa thương mại, lộ trình cắt giảm các dòng thuế của hàng ngàn sản phẩm đã trở thành áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước có qui mô nhỏ, công nghệ lạc hậu… Việc gia nhập WTO là cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, nhưng không đạt như kỳ vọng, bởi thực tế giai đoạn 2007- 2012 kinh tế thế giới đầy biến động sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Thêm vào đó, mô hình tăng trưởng và tư duy chính sách hội nhập, năng lực dự báo, ứng phó với biến động thị trường trong nội tại nền kinh tế đã bộc lộ nhiều bất cập.

Tăng trưởng kinh tế của nước ta giai đoạn 2007-2011 bình quân 6,5%/năm, thấp hơn 2002- 2006 (7,8%/năm), nguyên nhân do sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng từ năm 2008. Tăng trưởng kinh tế thời gian qua chủ yếu dựa vào vốn; xuất khẩu tăng, nhưng chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp. Nhập siêu giảm, nhưng chủ yếu do sản xuất trong nước giảm, kéo theo nhu cầu nguyên liệu giảm. Doanh nghiệp trong nước giải thể, ngừng hoạt động và thu hẹp sản xuất tăng nhanh từ 2009 đến nay đã làm giảm cơ hội việc làm cho người lao động, tác động đến an sinh xã hội. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, những hạn chế trong hội nhập kinh tế quốc tế đã phát sinh. Do chưa có chiến lược rõ ràng, chủ động khi tham gia các FTA, chưa có sự chuẩn bị tốt các điều kiện cơ bản trong nước và chưa tận dụng tối đa cơ hội mà hội nhập kinh tế đem lại nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng chất lượng, bền vững. Trong khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng đòi hỏi mức độ cam kết cao hơn cam kết gia nhập WTO cả về phạm vi và mức độ.

Theo lộ trình WTO, Việt Nam cam kết đầy đủ trên 11 lĩnh vực dịch vụ với 110 phân ngành (rộng hơn các cam kết theo BTA đã ký). Về mức độ cam kết, với hầu hết các ngành dịch vụ, trong đó có những ngành nhạy cảm như bảo hiểm, phân phối, du lịch… mở cửa đáng kể nhưng đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển. Theo cam kết nền về dịch vụ, công ty nước ngoài không được hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức chi nhánh, trừ khi được cho phép trong từng ngành cụ thể. Ngoài ra, công ty nước ngoài tuy được phép đưa cán bộ quản lý vào làm việc tại Việt Nam nhưng ít nhất 20% cán bộ quản lý của công ty phải là người Việt Nam. Tổ chức và cá nhân nước ngoài được phép mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam nhưng tỷ lệ phải phù hợp với mức mở cửa thị trường ngành đó… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa có sự chuẩn bị tốt các điều kiện cơ bản, nên dễ bị tác động, cuộc cạnh tranh với các sản phẩm cùng ngành hàng của doanh nghiệp nước ngoài diễn ra gay gắt hơn; lạm phát cao, nhập siêu lớn, xuất hiện những dấu hiệu tổn thương của hệ thống tài chính- ngân hàng. Khuôn khổ pháp lý được chú trọng điều chỉnh, nhưng sự phối hợp thực hiện giữa các tổ chức, cơ quan chưa đồng bộ. Trong khi đó, FTA mà Việt Nam sẽ tham gia có nhiều vấn đề mới: thách thức của phạm vi tư hóa rộng, các dòng thuế nhập khẩu tiếp tục cắt giảm, phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tự do hóa, mở cửa thị trường dịch vụ…

Chiến lược căn cơ

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực sản xuất nông nghiệp, thời gian đầu hội nhập, doanh nghiệp lo ngại phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, do qui mô nhỏ, nên nguy cơ mất thị trường, thị phần, thu hẹp sản xuất, bị doanh nghiệp nước ngoài mua lại, chảy máu chất xám… rất cao. Dù bị tác động mạnh do bỏ hàng rào hạng ngạch, giảm thuế nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp trong vùng đã có bước làm quen với môi trường cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp được hưởng những lợi ích như: xuất khẩu nông sản thuận lợi hơn, thu hút đầu tư vào vùng tăng; sản phẩm nông nghiệp đa dạng hơn, thúc đẩy sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Hiện nay, nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, cơ hội nhiều hơn và thách thức cũng nhiều hơn. Doanh nghiệp ở ĐBSCL đa phần qui mô nhỏ, phân bố nhiều trong thương mại, chế biến thực phẩm và rất ít trong lĩnh vực dịch vụ cao cấp, khoa học công nghệ; tốc độ phát triển cũng chậm. Do vậy, nếu không năng động, không sáng tạo và thay đổi tư duy kinh doanh, thì doanh nghiệp ĐBSCL sẽ bị bỏ rơi trong cuộc hội nhập quốc tế.

Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012- 2020, mục tiêu được xác định là thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thúc đẩy chuyển dịch và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh. Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết: "Cần chủ động xem xét xây dựng, điều chỉnh khuôn khổ pháp lý trong nước để vừa phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước, vừa hỗ trợ và tận dụng tốt các cơ hội mà tiến trình hội nhập kinh tế mang lại. Tận dụng tối đa ưu đãi, cơ hội thị trường để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Quan trọng là tăng cường chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, có tầm bao quát từ công tác nghiên cứu đến quản trị doanh nghiệp…".

Mới đây, hội thảo lấy ý kiến xây dựng chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 do Bộ Công thương tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã chỉ ra những thuận lợi, hạn chế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết WTO và các chuẩn mực kinh tế thị trường; gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, có chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng thương mại điện tử. Hỗ trợ cho nông dân, nông nghiệp... Mặt khác, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại. Muốn làm được điều này phải có sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết