Truyện ngắn: VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Mấy năm gần đây Thuận không được nghỉ Tết, anh rong ruổi cùng du khách trên mọi miền đất nước với vai trò hướng dẫn viên. Khi Tết đã tàn, thì Thuận mới hoàn thành xong công việc để trở về. Mẹ lại luộc bánh chưng, đảo thêm mẻ mứt dừa. Bố nói: “Vẫn còn phần trà ngon, rượu trong bình”. Thuận đi ra đồng, thấy đám cúc vàng bên mộ ông bà vẫn còn tươi sắc nắng. Kết thúc một cái Tết xê dịch rồi ai cũng sẽ trở về với nguồn cội, gia đình. Tết vẫn nguyên trong lòng, dù bận bịu đến đâu cũng không mất mát.
Cũng may bố mẹ đã bắt đầu quen dần với việc Thuận vắng nhà vào ngày Tết. Dù chuyện đó vốn chẳng dễ dàng gì vì nhà có nhiều cháu con đâu. Bố mẹ chỉ sinh được mình Thuận. Lẽ ra Thuận phải về lo việc mồ mả tổ tiên. Tết cũng phải thay bố đi chúc Tết, hỏi thăm sức khỏe những người già trong dòng họ. Nhưng Thuận luôn ở một nơi rất xa xôi, có khi cả mấy nghìn cây số. Hình dung cảnh bố mẹ lủi thủi vào ra ngày Tết, Thuận cảm thấy buồn. Nhưng lần nào gọi điện mẹ cũng nói: “Có gì đâu mà buồn. Ngắm hoa, cắn hạt bí, hạt dưa, chơi đùa với chó mèo. Chờ mấy bà hàng xóm sang coi đĩa hài là hết buổi. Bố con thì đã có hội cờ tướng, làm gì có lúc nào để mà buồn”. Thuận biết lúc ngó sang hàng xóm thấy con cái quây quần, bố mẹ sẽ không khỏi chạnh lòng. Nhưng Thuận vẫn phải bước lên xe chuẩn bị cho một hành trình. Có biết bao du khách đang háo hức cho một cái Tết xê dịch đầy màu sắc.
|
Tour lần này gồm hai mươi người. Trong đó có anh bạn trẻ giấu ánh mắt sau cặp kính cận, suốt chuyến đi chỉ lặng lẽ ngắm nhìn xung quanh. Buổi tối hôm ấy, lúc ngồi bên ánh lửa thưởng thức ché rượu cần, anh bạn trẻ kể cho Thuận nghe về người mẹ đã vất vả một mình nuôi bạn khôn lớn. Bà cả đời không đi đâu ra khỏi lũy tre làng nhưng vẫn mong được một lần vào Tây Nguyên để tìm gặp lại người xưa. Người trẻ vì bận bịu với những hoài bão, cứ nghĩ lúc nào rảnh thì đi, giao thông giờ thuận tiện chứ đâu như ngày xưa. Có ai ngờ một ngày mẹ rời xa cõi đời đột ngột. Chuyến đi này người bạn trẻ không tìm kiếm một ai, vì mới biết tin người mà mẹ định tìm cũng không còn nữa. “Nhưng mình vẫn đưa mẹ vào Tây Nguyên một chuyến. Ðể mẹ ngắm những rặng dã quỳ vàng rực rỡ. Vì đó là một phần giấc mơ đẹp nhất mà mẹ có”. Trên ngực bạn còn đeo miếng băng đen, bạn đưa tay vào túi áo ngực lấy ra một tấm hình. Thuận thấy trước mặt mình hình ảnh một bà cụ đang mỉm cười phúc hậu.
Trong đoàn có một cô gái trẻ vô tư, sôi nổi, luôn bắt nhịp cho cả đoàn hát hò vui vẻ. Cô nói đây là chuyến đi kết thúc thời độc thân để bắt đầu bước vào đời sống hôn nhân. Tết sau này có lẽ sẽ quanh quẩn trong căn bếp. Cặm cụi nấu món này món kia theo khẩu vị từng người, mùi dầu mỡ át cả mùi hương thơm trên cơ thể. Nên cô muốn có một cái Tết cho riêng mình sau một năm vất vả. Cô uống rượu cần, nhảy vũ điệu cồng chiêng, mắt môi lúng liếng.
Ấn tượng nhất trong đoàn là đôi cụ ông cụ bà. Bà cụ lấy trong túi sách một lọ gừng ngâm nho nhỏ chia cho Thuận. “Con ngậm đi. Làm nghề này phải giữ giọng nghe con”. Bà nói xong cũng quay sang bón cho ông một miếng gừng. Ông cụ nắm lấy bàn tay nhăn nheo của bà. Suốt cả chặng hành trình lúc nào ông bà cũng dành cho nhau sự ân cần từ trong ánh mắt. Gắp cho nhau một miếng ăn ngon. Khoác giùm nhau áo ấm. Tay bà mỏi đã có ông xoa bóp. Chân ông đau đã có bà dìu. Họ dường như trở lại những năm tháng thanh xuân. Cái tình của người già thắm lắm. “Chúng tôi chờ chuyến đi này mấy chục năm nay. Giờ mới buông bỏ được mọi thứ để dắt tay nhau đi chơi Tết”. Bà cụ nói cả đời mình đã vun vén cho gia đình những cái Tết đủ đầy hương sắc. Từ những năm còn nghèo khó, nhà ba đứa con nhỏ háo hức chờ manh áo, đôi dép mới, ít thịt ngon. Sau này dù đời sống khấm khá hơn nhưng Tết vẫn lo từ tàu lá dong, vại dưa hành đến mâm cơm cúng. Loanh quanh với nhân gian cũng đã được gần bảy mươi mùa Tết. Bà trả lại căn bếp nhỏ, mảnh sân xinh cho con cháu để cùng ông đi chơi Tết.
Thuận nghe bà kể vậy chợt nghĩ bố mẹ Thuận có khi cũng chờ một chuyến đi như thế. Thuận điện về nhà nghe thấy tiếng ti vi át cả tiếng mẹ: “Mẹ đang xem trên thế giới đón tết thế nào. Tết ở đâu cũng vui con nhỉ?”. Tắt điện thoại rồi mà Thuận như ngửi thấy mùi cá kho trong bếp, mùi canh măng vừa rắc thêm mấy cọng rau mùi...
Ðoàn đến Ðà Lạt trong ngày mùng hai. Trời lạnh khiến tay chân người già bắt đầu sưng. Bà cụ ngồi bên cạnh lò sưởi trong nhà nghỉ nắm lấy tay ông rủ rỉ kể về hương bếp Tết ở cái thời còn lem nhem bếp củi, nấu xong được bữa cơm thì mắt cay xè. Ông chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng mỉm cười. Ở giữa chừng câu chuyện bà chợt dừng lại nhăn nhó xuýt xoa vì một cơn đau luồn trong xương khớp. Ông xoa dầu cho bà, hỏi: “Bà thấy đỡ đau chưa?”. Sáng hôm sau, theo đúng lịch thì đoàn sẽ chinh phục đỉnh Lang Biang bằng xe Jeep. Ông bà vẫn quyết định đi, nếu bà đau quá thì ngồi dưới chân núi. Suốt chặng đường lên núi, Thuận thấy bà cụ rất xúc động. Bà nói: “Biết đâu đây sẽ là chuyến đi xa cuối cùng của đời mình. Sau chuyến này bà lại trở về dưới hiên nhà chơi với những con vật nhỏ trong nhà và đợi con cháu về sau những chuyến đi xa”. Thuận cõng bà cụ lên đỉnh núi. Ðặt bà ngồi dưới thảm cỏ xanh ngắm cao nguyên lộng gió. Bà nắm chặt tay ông mắt rưng rưng nhìn núi non hùng vĩ.
Nhìn bà, Thuận nghĩ khi kết thúc hành trình sẽ trở về bên căn bếp nhỏ ngồi nghe tiếng cơm sôi. Ðược cùng bố nhâm nhi ấm trà xuân, nhấm nháp ít mứt dừa, ngắm cây đào già trước sân rụng hoa đầy dưới gốc. Một cái Tết xê dịch kết thúc nhưng Thuận tin dư âm sẽ còn mãi trong mỗi người có mặt trên hành trình này...