Ở xứ này, Tết về từ sông quê. Con sông, con rạch tròn một năm âm thầm chở nặng phù sa, chở bao phận đời nổi trôi, lao xao kiếp bạc nay chở Tết về trong tươi tắn sắc Xuân.
Ghe bông Tết. Ảnh: DUY KHÔI
Xứ sở mà tôi nhắc tới là vùng Ba Đình nơi cuối nguồn sông Cái Lớn, thượng nguồn kinh Chắc Băng của vùng Cà Mau - Bạc Liêu. Quê tôi ở đó. Vùng quê mà ai đó mấy bận về thăm đều nói vui rằng, nhà gì đâu quay mặt hướng nào cũng thấy sông là sông, rạch là rạch. Mở cửa là đón gió sông, bước ra khỏi ngạch cửa đã nghe hơi sông quện lấy chân người.
Có lẽ vậy chăng mà Tết ở xứ này tới rất sớm, từ già tháng 11 âm lịch mà thôi. Khi đó, gió chướng từ sông thổi thốc tháo vào nhà. Ngôi nhà lá đơn sơ trống trước hở sau không đường nào chắn gió. Mấy tờ giấy bông dán vách buồng bị gió thổi rách vỗ “te te”. Hai cái màn cửa buồng bằng vải thun bông bự bự cũng tung bay gió chướng, cha phải lấy hai cục đá cột lại để dằn. Dưới sông, con nước cuối năm cứ ồn ã dâng đầy, giề lục bình phiêu linh trổ hoa tím biếc. Đó cũng là lúc nhà tôi gặt lúa mùa vừa xong, tụi tui cứ mở miệng ra là “Tết, Tết” và không quên nhắc cha má nhớ sắm đồ Tết, chiếc cà rá, đôi dép quai hậu… để “chặt đồ bén” trong ba ngày Tết.
Tết từ con sông quê với những tiếng rao dân dã mà thấy thương vô cùng. Trước mặt nhà tôi là con sông lớn lắm, nối dài từ Ba Đình đi thẳng vô Ngan Dừa, Phước Long. Sớm nhất có lẽ là ghe chở tranh kiếng, lư đồng, lư kiếng, đồ thờ… Chiếc ghe ấy nhiều sắc màu đẹp vì bán thêm cả bông giả, trái cây nhựa... Mấy bộ tranh kiếng lộng lẫy “cập nhật” theo năm ví như Kỷ Hợi, Canh Tý, Đinh Mão… nên bà con rất chuộng. Mấy chú chạy ghe rao “Ai tranh kiếng, đồ thờ hôn…”. Một người trên bờ kêu lại “Tranh kiếng!” là 5-7 người lối xóm cũng xúm xít mà lựa. Bà nội tôi hồi còn sống thích tranh thờ lắm, nhất là mấy tranh vẽ tích Lục Vân Tiên hay nàng dâu chí hiếu. Tết về là dịp để cháu con hướng lòng về nguồn cội, tổ tiên. Vậy nên trang trí bàn thờ gia tiên âu cũng là điều phải lẽ. Hỏi ra mới biết, các chú bán tranh thờ là từ vùng Chợ Mới, An Giang đi xuống bằng chiếc ghe mũi nhọn và sơn xanh, thay vì mũi bằng và sơn đỏ như thường thấy ở xứ tôi. Xa xôi là vậy mà có khi mấy chú cũng bán chịu tới mùa lúa năm sau hay đổi bằng lúa. Có năm nọ ngặt tiền, giá lúa thấp, má tôi xúc lúa trong bồ đổi mua bộ lư, má nói vì “thấy ham quá”.
Tết về trên sông còn có sự góp mặt của “chú Ba”. “Chú Ba” là cả một trời ký ức của lũ trẻ chúng tôi. Đó là người mua ve chai, bán đồ mủ, thay vì hồi trước dùng kèn bóp “tí te” thay cho tiếng rao thì sau này đổi bằng giọng rao thâu âm: “Bong bóng xanh, bong bóng vàng, bong bóng đỏ. Các em nhỏ nghe chú rao bong bóng rồi thì chạy về xin cha mẹ một chiếc dép nhỏ đổi được một bong bóng nhỏ…”. Xong rồi thì “chú Ba” có khi đổi qua nhạc Xuân bolero hay vọng cổ hơi dài với tiếng hát Châu Thanh, Phượng Hằng… nghe vang dội khúc sông quê. Hồi đó ở quê, bà con cũng sắm sửa đồ Tết ở những chiếc ghe bong bóng này. Má tôi hay gom thau, vĩ hư, dép đứt, mũ bể… để đổi lại được cái thau giặt đồ, cái ấm nấu nước hay chục chén mi-ca. Có khi đổi ngang, có khi bù thêm. Thời đó mà sắm được ít đồ như vậy là coi như Tết cũng “ăn lớn”. Nhắc “chú Ba” bong bóng lại nhớ cái tội của tụi nhỏ chúng tôi. Đôi dép mới mua hay mua lâu, ít khi nào đứt quai hay mòn đế mà đứt cái mỏ dép. Chuyện là Tết đến rồi mà mang dép cũ thì cũng “quê quê”, mà tiếng “chú Ba” rao “một chiếc dép nhỏ đổi được một cái bong bóng nhỏ” (tụi tôi hay chọn đổi 2 cục đạn keo) thì có sức quyến rũ biết chừng nào. Vậy là hễ mang dép vào là cho cái mũi dép “tiếp đất” trước, ủi ủi để cái mỏ dép mau đứt. Má thấy thì rầy mà vắng má thì ráng làm cho mau đứt. Má biết vậy nhưng cũng mua dép mới, có điều cú đầu mấy cái: “Khỉ khọt cho dữ!”.
Từ sau ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về Trời, con sông quê tôi Tết về thấy rõ. Ghe chở bán cải tùa xại mần dưa, ghe bán dưa hấu chưng Tết, ghe chở bán đồ Tết như là củ cải, hành lá, kiệu mần dưa… Tiếng rao ai cũng trong trẻo mà hồn hậu, đong đầy nổi trôi theo con nước: “Ai cải mần dưa hôn?”, “Ai dưa hấu chưng Tết hôn?”… Màu sắc nhất có lẽ là những chiếc ghe bán bông Tết kèm thêm ghe bán lu, bán kiệu. Bông này được lấy từ vùng Hỏa Lựu, Vị Thanh hay xa hơn là vùng Cái Mơn, Chợ Lách, chủ yếu là bông vạn thọ và cúc với một ít trường sinh, trầu bà. Lu kiệu thì nghe đâu từ miệt Lái Thiêu chở xuống. Má tôi ham hàng lu, kiệu lắm nên Tết nào cũng mua thêm 1-2 cái, dù nhà đã có hàng kiệu hơn chục cái, kiệu con rồng, đựng cả trăm lít nước mưa. Xứ tôi là vùng đất phèn, mặn nên trồng bông không được, dễ chết mà có sống thì cho bông cũng không đẹp, vậy nên ai cũng mua 2 chậu vạn thọ dưới ghe, đem lên dán giấy bông xung quanh cho đẹp. Phần đất dưới gốc còn được phủ bằng giấy bông cắt sợi. Hai chậu bông đó để ngay ngạch cửa, hai bên lối ra vào. Tết đã về rồi đó!
Bến sông ngày Tết. Ảnh: DUY KHÔI
28 Tết, con sông quê í ới tiếng thân thương xóm giềng, lời chào hỏi thân quen. Con kinh sát hông nhà tôi tên gọi Bà Từ, do hồi xưa ở đầu kinh có nhà bà cụ, chuyên giữ chuyện chuông trống trong nhà thờ Công giáo nên gọi Bà Từ. Sâu trong kinh nhà đông lắm, hai bờ kinh là lá dừa nước xanh rợp. Mùa gió chướng, hướng gió thổi từ đầu kinh thổi vào, đám lục bình cũng theo hướng gió trôi theo. Ùn tắc giao thông đường thủy là có thật, từ lâu lắm rồi, ở kinh Bà Từ quê tôi! Người qua lại khó khăn, các bà các chị bơi xuồng đi chợ Ba Đình, Lái Niên về thì lần lá dừa nước mà đi, mệt không ra hơi. Mấy anh thanh niên chạy Koler-4 hay Van-gua, Honda 5 ngựa rưỡi thì “tống” máy hết ga để vượt lên trên đám lục bình. Nhờ vậy mà cả xóm trong kinh ai đi chợ Tết về mua gì đều biết hết.
Dân xứ đồng cũng đi chơi Tết theo kiểu riêng. Thường thấy nhất là hình ảnh anh chồng ngồi lái máy Van-gua, chị vợ ôm đứa con còn nhỏ trong lòng, đứa con gái lớn hơn đôi chút thì ngồi co ro che nắng bằng đọt lá dừa nước. Ai cũng ăn mặc đẹp nhất có thể, trước mũi xuồng là cái bọc trắng trắng đựng ít mứt bí đao, thèo lèo… để đi Tết ông bà. Nhiều hơn thì chiếc vỏ lớn chở gần chục người, ai cũng xúng xính áo quần thật đẹp; đeo dây chuyền, cà rá, lắc… nhìn rất “xôm tụ”. Đó là những nhóm bạn trẻ rủ nhau đi lại nhà nhau chơi trong 3 ngày Tết.
Lại kể thêm một chút về chuyến về quê ngoại ăn Tết của nhà tôi. Nhà ngoại tôi ở Huyện Sử - đoạn cuối kinh Chắc Băng, phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ ngồi vỏ lãi, chạy máy Honda 5 ngựa rưỡi. Để đỡ nắng, má lấy chiếc chiếu uốn cong mái vòm, tấn vào 2 thành vỏ để chị em tôi ngồi trong đó mà… cắn hột dưa. Má thì cứ tẩn mẩn coi lại mấy chục bánh bông lan má nướng, mấy đòn bánh tét nhưn chuối, nhưn mỡ, con gà mới bắt sau vườn… Rồi có khi má móc trong túi áo ra xấp tiền chưa tới trăm ngàn, đếm qua rồi đếm lại. Đó là phần quà của con gái về quê Tết cha má. Dọc đường, trứng vịt máy bị gãy, không thể tháo ra được. Ngay sáng mùng Một Tết, cha tôi tấp vào đoạn gần chợ Vĩnh Thuận, hỏi mượn khúc cây để đập tháo trứng vịt gãy ra thay mới. Đang nhậu mà mấy chú xứ đó cũng vui vẻ đi tìm rồi phụ hợ giúp cha.
Chuyện Tết từ con sông quê hẳn còn rất dài, dài như chiều dài của bao con sông, con kinh, con rạch xứ này cộng lại. Đó là chiều dài của nỗi nhớ trong mỗi người dân quê, người xa quê và người nôn nao về quê mỗi mùa Tết sang. Mấy câu chuyện vừa rồi mà tôi kể không hẳn là mới vì ít nhiều ai cũng từng trải qua trong đời, chỉ xin khơi gợi lại để câu chuyện ngày Xuân thêm vui vẻ và nhiều ký ức hơn; để nhớ thương cái Tết xứ mình.
Giữa tháng Chạp năm Kỷ Hợi.
Bút ký của ĐĂNG HUỲNH