06/02/2021 - 08:45

Tết sum vầy, hạnh phúc 

Chỉ còn vài ngày nữa là khép lại năm cũ, ai cũng nôn nao về nhà để được hưởng trọn vẹn niềm vui sum họp với người thân. Giữa bao lo toan, bộn bề của cuộc sống, mới thấy không nơi nào bình yên như mái ấm gia đình. Còn gì thân thương hơn những ngày cuối năm quây quần bên nhau gói bánh, sên mứt, chăm chút những chậu hoa trước nhà, cùng làm mâm cơm tất niên cúng ông bà, đợi giao thừa, cầu mong năm mới được sức khỏe, thành công, thuận lợi hơn.

Con cháu quây quần chúc thọ ông bà ngày Tết. Ảnh: Duy Khôi

Đối với gia đình chị Xuân Ngọc ở quận Bình Thủy, Tết gắn liền với những kỷ niệm khó quên. Nhà chị Ngọc có 4 anh em, 2 anh trai lớn lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, vợ chồng chị Ngọc và em trai út ở cùng ba má ruột. Do kinh doanh tự do nên năm nào các anh của chị Ngọc cũng nghỉ sớm, tranh thủ đưa vợ con về quê phụ lo việc nhà với ba má. Tầm 27 tháng chạp là nhà chị Ngọc dậy mùi Tết từ các món bánh mứt, thịt kho, thịt khìa, còn mấy cái khạp nhỏ thì rọng đầy cá, lươn, chuồng gà luôn có sẵn mấy con béo tròn để dành làm tiệc cúng ông bà. Những buổi chiều cuối năm, cha mẹ chị Ngọc hạnh phúc bên ấm trà thơm, nhìn các cháu nhỏ chơi đùa rộn rã cả góc sân vàng rực màu hoa mai nở. Chị Ngọc kể: “Nhiều năm qua gia đình tôi giữ phong tục mừng thọ ba má, chúc Tết, lì xì vào sáng mùng 1. Ngày này, má mặc áo dài nên con dâu, con gái cũng mặc áo dài theo cho đẹp. Sau khi chúc Tết, cả nhà sẽ chụp hình kỷ niệm, rồi cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm. Ba má hỏi han công việc, dặn dò con cháu những điều cần làm sắp tới. Năm nay dịch bệnh nên chúng tôi chỉ đi thăm viếng họ hàng gần nhà và bạn bè thân thiết, chủ yếu anh em ở nhà vui chơi cùng nhau”.

Thử 2 bộ đồ mới với vẻ hài lòng, cô Trần Thị Tốt ở quận Ninh Kiều khoe đó là quà của con dâu cả ở TP Hồ Chí Minh biếu. Còn con dâu út đang ở chung thì đã đưa mẹ sắm sửa trước đó rồi, đợi ngày 28 Tết, chị dâu nghỉ làm, về nhà, sẽ cùng đưa mẹ đi chợ mua rau cải, trái cây, các loại thịt để chế biến, buổi tối sẽ đi chợ hoa, mua hoa về chưng. Tết này, nhà cô Tốt thêm vui bởi con gái làm việc ở Bình Dương cùng chồng về đón giao thừa. Cô Tốt cho biết: “Tết năm nào các con cháu cũng về chơi tới mùng 4 nên nhà đông vui lắm. Theo thông lệ, chiều 30 Tết tôi tổ chức gói bánh tét, bánh chưng, dù cực nhưng nhìn các con xúm xít, chuyện trò thân thiết bên nhau, tôi rất mãn nguyện. Năm qua, do dịch bệnh ảnh hưởng công việc, biết tụi nhỏ vất vả nên tôi chuẩn bị thật chu đáo, nhiều thức ăn để các con nghỉ ngơi, dưỡng sức”.

Sống và làm việc tại quận Ninh Kiều, mua được nhà riêng khang trang, nhưng 14 năm qua, cứ chiều 27 tháng chạp là vợ chồng chị Ngọc Hậu lại đưa các con về quê nội ở Cà Mau ăn Tết. Mùng 3 Tết cả gia đình về nhà mẹ ruột của chị Hậu ở huyện Cờ Ðỏ chơi, đến chiều mùng 5 Tết mới về nhà riêng để chuẩn bị sáng mùng 6 đi làm. Chị Hậu chia sẻ: “Bên chồng tôi đông anh em, mỗi người làm việc mỗi nơi nên Tết thường hẹn nhau về nhà ba má, ai có việc đột xuất không về được thì nhớ lắm. Suốt mấy ngày Tết anh em quây quần nấu nướng, bày làm bánh, thăm hỏi sức khỏe, kể cho nhau những điều đã diễn ra trong năm, chia sẻ kinh nghiệm, an ủi động viên nhau, tình cảm thêm gắn bó. Tôi nghĩ những giây phút vui chơi bên ngoài không thể nào thay thế được mái ấm gia đình, nhất là trong thời khắc giao thừa, đốt nhang trên bàn thờ gia tiên, đón mừng năm mới. Ba má chồng đã lớn tuổi, hay nhắc chúng tôi cố gắng gìn giữ nếp nhà, nuôi dạy con ngoan, hiếu thảo. Ba má thường nói chỉ cần thấy con cháu đông vui là có Tết, không cần bày vẽ sắm sửa nhiều. Ðối với tôi, gia đình hòa thuận, yên vui là có thêm động lực làm việc tốt”.

“Cả năm đã bôn ba, Tết phải về nhà với má chứ!”, chị Kim Cúc làm việc tại Cần Thơ, cười tươi kể chuyện đón năm mới. Quê chị Cúc ở Long An, nhà có 2 chị em, chị Cúc đi làm xa, chị ruột của chị làm nghề thợ may, lập gia đình sống cùng má ở quê. Năm nào chị Cúc cũng tranh thủ về sớm phụ má sên mứt, làm bánh bông lan, kẹo chuối, giò thủ… vì má muốn tự tay làm để cúng ông bà. Sau đó, chị chở má đi chợ mua hoa huệ đỏ chưng bàn thờ, cúc mâm xôi thì để ở trước sân nhà, các chậu vạn thọ thì sắp dọc lối đi từ cổng vào. Chị Cúc tâm sự: “Má tôi nói Tết phải chưng hoa thật đẹp cho năm mới thêm may mắn. Dù bận rộn nhưng má chuẩn bị trong ngoài rất chu đáo, cũng là để con cháu nhớ, giữ gìn phong tục. Về nhà là về với không gian riêng của mình, có tình thân ruột thịt nên bao mệt mỏi, áp lực không còn, chỉ thấy thêm yêu gia đình hơn”.

Nhiều người quan niệm, Tết là đoàn tụ nên cố gắng sắp xếp có mặt bên cạnh người thân trong thời khắc đón mừng năm mới. Tết không chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi sau thời gian làm việc vất vả mà là dịp để gặp gỡ, hàn huyên, chia sẻ để thêm trân quý, yêu thương, vun đắp nghĩa tình khăng khít. Năm nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các gia đình có người thân, con cháu ở xa đều nhắc nhở nhau sum họp nhưng trên hết vẫn phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, cũng là bảo vệ cộng đồng.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết