Truyện ngắn: PHONG VINH
Phương nói với tôi em thèm lắm bữa cơm tất niên, ba mẹ, con cái quây quần bên nhau trong không gian ấm cúng của nhà sau ngó ra cánh đồng lộng gió. Chúng tôi đã đủ "rủng rỉnh" túi để trả những bữa ăn tươm tất như hồi xưa chúng tôi từng ngồi cạnh nhau trên bờ sông quê mà ao ước. Nhưng mỗi lần gọi món xong Phương lại ngồi ngắm nghía rồi nói bằng cái giọng buồn hiu:
- Em thèm cơm nhà, thèm hơi ấm chái bếp của má...
Tôi không nói gì. Bữa ăn của chúng tôi lặng lẽ hẳn đi. Cũng đã hơn mươi năm kể từ ngày tôi với em dắt tay nhau rời khỏi ngôi làng nhỏ có dòng sông băng ngang qua, mùa xuân nước sông trong se, còn những mùa khác nước sông đục ngầu phù sa.
Tôi nắm tay Phương khi sương đêm đã bắt đầu buông xuống thành phố hơn ba trăm năm tuổi này, nói khẽ:
- Phương, Tết này mình về làng nghen em!
Phương rụt tay lại theo quán tính:
- Về làng?
- Ừ, chúng mình đã rời làng lâu quá rồi! Mình đã đủ lớn để chịu trách nhiệm. Không còn ai ngăn cấm nữa.
Tôi nắm chặt tay Phương. Còn Phương nhìn tôi, mỉm cười. Nụ cười an yên.
***
Chúng tôi về làng. Mùa xuân, bầu trời rất trong. Những cánh đồng cuộn mình trong sương mai bảng lảng. Phương đẩy cửa ô tô, hít thật sâu làn gió tràn qua ô cửa. Tôi cũng thấy sảng khoái lạ kỳ bởi cái cảm giác mơn man, trìu mến mà xuân xứ người chưa bao giờ mang lại cho cả hai chúng tôi. Cu Mậm ngồi trong lòng Phương cũng phấn khích mở tròn đôi mắt. Con đường về quê đẹp hơn bao con đường tôi đã đi qua. Những mái nhà hiện ra. Ba mươi Tết, mai vàng trước sân nhà ai đã bung nở như mâm vàng.
Phương nói với bé Mậm:
- Này là quê mẹ, quê ba đó. Nơi cha mẹ được sinh ra và lớn lên. Nơi có ông, bà của con...
Tôi gửi xe ở đầu làng và đi bộ. Đường vào làng sau ngày mùa đẹp mê ly. Lúa vàng đã được gặt từ nửa tháng trước. Mấy cây rơm cao ngất đứng sững hai bên đường. Tôi cõng Mậm qua con đập nhỏ dẫn nước vào ruộng. Con bước chân trên cỏ, thi thoảng chạy theo chú chuồn chuồn, cười tít mắt. Chuồn chuồn xứ tôi nhiều lắm, nhất là tháng gần Tết...
***
Nhà Phương ở bên sông, đối diện với nhà tôi. Phương hay lén má xuống bến sông gặp tôi chuyện trò, má em phát hiện thì Phương vờ ngó qua giàn đậu biếc cạnh mé sông tìm hoa khô đem về pha nước. Vì nhà tôi nghèo, má Phương sợ em sẽ khổ nên ngăn cấm. Mà dòng sông rộng vậy cũng chẳng thể chia cắt được chúng tôi. Nơi hẹn hò thường là bờ đê, ruộng lúa, dưới bóng tre làng. Phương sợ bị phát hiện nên gặp nhau 5, 10 phút là từ giã tôi, băng qua cánh đồng tắt về nhà cho nhanh.
Tôi biết má Phương đã nhắm gả em cho một người xóm bên, con của chủ xưởng gỗ nổi tiếng nhất nhì vùng này. Phương thì sợ lấy người nhà giàu họ khinh mình. Vả lại Phương còn đang tuổi ăn tuổi học. Phương muốn tự chủ kinh tế, muốn làm một người phụ nữ trí thức, bản lĩnh, không lệ thuộc vào bất kỳ ai. Má của Phương nhiều lần định cho em nghỉ học. Nhưng em một mực đến trường. Cô giáo biết Phương ham học nên cũng động viên em. Cuối cùng thì em cũng nỗ lực học hết lớp mười hai...
***
Dòng suy nghĩ của tôi bị cắt đứt bởi tiếng Phương reo lên:
- Anh, nhà mình kia kìa!
- Tới rồi. Cu Mậm, lên vai ba cõng, mình sắp gặp ông bà rồi!
Cu Mậm leo lên cổ tôi. Làng đang háo hức đón Tết. Tôi đã nghe tiếng chặt thịt lụp cụp vang ra, tiếng xôn xao từ những ngôi nhà cất xê ra mặt đường làng mà vài người quen cũ đã nhận ra chúng tôi: "Bây giờ khác quá! Thằng cu kháu khỉnh chưa kìa". Chúng tôi chào hỏi rồi đi tiếp. Đường về nhà ngắn dần và tôi cũng cảm nhận sự hồi hộp xen lẫn lo sợ của Phương.
Tôi nắm tay Phương, trấn an. Phương bước tiếp. Tôi vào nhà mình trước khi sang nhà Phương. Khi vừa bước tới gốc cau trước nhà thì út Hoài đã reo lên:
- Má ơi, ba ơi, anh Hòa, chị Phương về rồi! Có cả thằng nhóc nữa kìa.
Ba má tôi từ trong nhà chạy ra, mẹ sợ nhìn lầm nên đứng chỗ hàng ba dụi dụi mắt. Nhìn ra chính xác là vợ chồng tôi, má chạy ra vịn vai tôi, nắm tay Phương, má khóc. Mắt ba cũng đỏ hoe.
- Mấy đứa đi đâu mà tới giờ mới về thăm ba má. Con bây lớn chừng này rồi mới chịu về sao. Coi thằng nhỏ giống hệt thằng Hòa chưa kìa.
Má tôi nói một tràng, tôi không thốt ra được câu nào vì tự dưng tôi thấy cổ họng mình nghẹn lại. Bao nhiêu năm tôi là kẻ tha hương, sống xa quê, xa ba má. Tôi không về thăm làng, thăm nhà không phải vì chúng tôi bội bạc, phũ phàng. Chắc chắn ba má sẽ hiểu lòng tôi. Và làng cũng vậy.
Ba tôi bình tĩnh hơn:
- Hai đứa nên vợ nên chồng rồi thì sang nhà Phương mà thưa chuyện...
Tôi mở dây chiếc xuồng nhỏ đậu dưới bến sông đưa Phương qua bên kia dòng sông. Phương ngồi giữa xuồng, sợ sóng đánh chòng chành nên ôm cu Mậm vào lòng. Con sông này ngày xưa tôi từng bơi xuồng đưa em đi hái bông lục bình, vớt bèo, ngắm khói sóng hoàng hôn. Đêm chúng tôi rời làng, tôi cũng bơi xuồng qua sông đón Phương rồi bỏ chiếc xuồng dưới bến mà đi khỏi làng...
Nhà Phương được xây lại, tường quét vôi. Ba má tôi nói, anh trai Phương cũng đã lấy vợ, có con. Chúng tôi đi vào nhà. Con đường nhỏ lát gạch sạch sẽ dẫn tôi vào ngôi nhà có người phụ nữ vẫn giữ chái bếp sau nhà và đang nấu bữa cơm tất niên. Phương bước đến ôm choàng má từ phía sau lưng. Má Phương ngoái lại, nhận ra con và bật khóc. Tôi đứng cạnh nắm tay cu Mậm cũng rưng rưng...
Chưa bao giờ tôi thấy Phương hạnh phúc đến như vậy. Hình như người ta chỉ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn khi được sống những ngày tháng có nhau trên chính quê hương của mình. Bên những người thân thuộc.
***
Ngoài sân nhà mai vàng đua nở và Tết này chúng tôi được đón năm mới trong không khí của một gia đình thực sự. Tết làng mình luôn đẹp. Tôi nhớ hồi xưa tôi vẫn thường rủ Phương ra đầu làng xem đoàn văn công về ca hát, diễn kịch đưa ông Táo về trời. Cả cái lúc hai đứa ra đồng ngắm khói đốt gốc rạ cuối năm, khói cay xè mắt mi mà lòng hân hoan khó tả.
Bữa cơm tất niên đầu tiên ở nhà chồng, Phương đảm đang vô cùng. Phương ngồi gắp dưa kiệu bỏ ra cái đĩa bông, thêm mấy con mắm tép hồng hào, mấy khoanh lạp xưởng nướng tươm mỡ ngon đáo để. Cúng kiến xong, chúng tôi quây quần bên nhau. Cảm giác ăn cơm tất niên thật thích. Nó khiến tôi nhớ lại những năm tháng nghèo khổ, vất vả xa xưa. Nhưng bình yên.
Út Hoài nói với tôi:
- Chưa bao giờ nhà mình ăn tất niên lại vui như hôm nay.
Màn đêm buông dần. Chiều 30 Tết se lạnh. Gió từ sông thổi vào nhà mang theo hơi nước mùa xuân. Tôi và Phương lại ra bờ sông nơi từng hẹn hò, nơi từng trao lời yêu thương. Lạ lùng thay chúng tôi vẫn thấu hiểu những suy nghĩ về hạnh phúc của nhau trong im lặng, không gian tĩnh đến độ tôi nghe được hơi thở của Phương, tiếng rì rào của dòng sông chảy qua làng tìm đường về với biển.
Cũng như quê hương luôn là nơi mà người ta khát khao được trở về, ngọn nguồn của yêu thương ấm áp…