26/05/2013 - 19:47

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ

Tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, tạo sự chuyển biến mới

Sau đợt kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Sở VHTT&DL TP Cần Thơ đã vận động các doanh nghiệp quảng cáo đầu tư lắp đặt pano hộp đèn trên các đường phố, đưa công tác quảng cáo từng bước đi vào nề nếp.

Ban Thường vụ (BTV), Ban Giám đốc (BGĐ) Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ vừa điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch TP Cần Thơ từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch các khu du lịch trọng điểm, tầm cỡ quy mô lớn làm cơ sở cho việc mời gọi vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tập trung kinh phí đầu tư tu bổ di tích trên địa bàn… Đây là một trong những việc làm thiết thực của BTV Đảng ủy và BGĐ Sở VHTT&DL nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (NQTW4).

Theo đồng chí Trần Việt Phường, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, một trong những hạn chế, khuyết điểm mà BTV Thành ủy Cần Thơ gợi ý BTV Đảng ủy và BGĐ Sở kiểm điểm trong đợt kiểm điểm theo NQTW4 là “Có biểu hiện buông lỏng quản lý nhà nước về du lịch, công tác bảo tồn, bảo tàng”.

Tại cuộc kiểm điểm, BTV Đảng ủy và BGĐ Sở đã thẳng thắn đánh giá, dù số lượng khách đến Cần Thơ tăng trưởng mức khá, nhưng chưa tương xứng với vị trí trung tâm ĐBSCL; các sản phẩm phục vụ du khách chưa phong phú, đa dạng nên chưa hấp dẫn du khách; đa số doanh nghiệp du lịch của thành phố là doanh nghiệp nhỏ, phát triển theo kiểu tự phát, chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể, năng lực cạnh tranh còn yếu. Kinh phí đầu tư hạ tầng du lịch và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế, chưa tạo được dấu ấn, chưa thu hút được khách du lịch và nhà đầu tư. Quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch trong thành phố chưa được các nhà đầu tư thực hiện, do tình hình kinh tế khó khăn, sức cầu giảm, lãi suất ngân hàng cao, các dự án mời gọi đầu tư về du lịch còn thiếu thông tin. Chất lượng lao động ngành du lịch chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển trong tình hình hiện nay… Việc đầu tư tu bổ di tích chưa tiến hành đồng bộ giữa di tích cấp thành phố và di tích cấp quốc gia; sự phối hợp trong bảo vệ và phát huy di tích lịch sử giữa Sở và các ban, ngành, quận, huyện chưa chặt chẽ, chưa đi vào nề nếp. Cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng và phát huy di sản còn thiếu và yếu; nội dung và hình thức hoạt động của các di tích chưa thu hút khách tham quan. Những hạn chế này một phần thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở.

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm này, 6 tháng qua, BTV Đảng ủy và BGĐ Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Sở tập trung điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch TP Cần Thơ giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch các khu du lịch trọng điểm, tầm cỡ quy mô lớn để làm cơ sở cho việc mời gọi vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; quy hoạch phát triển hệ thống các cồn trên sông Hậu thành những khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. BTV Đảng ủy và BGĐ Sở chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm và phát triển các loại hình du lịch hội nghị, hội thảo để thu hút đông đảo du khách đến với Cần Thơ; phối hợp với Trường Trung cấp du lịch Cần Thơ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đội ngũ chuyên viên có kiến thức về du lịch; đào tạo kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên, những người bán hàng tại các khu và điểm du lịch. Cụ thể, đã mở 4 lớp đào tạo về kỹ thuật chế biến món ăn, thức uống; mở 9 lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ lễ tân, quản lý nhà hàng khách sạn, buồng, bếp, kỹ thuật phục vụ bàn cho 508 học viên. BGĐ Sở cũng đã tổ chức các hoạt động như: tổ chức cuộc bình chọn “Sản phẩm lưu niệm, quà tặng lưu niệm đặc trưng thành phố Cần Thơ” nhằm xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch về Cần Thơ.

Đối với việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, BGĐ Sở tham mưu cho UBND thành phố phân cấp việc quản lý di tích cho các địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa; phối hợp với các quận, huyện đưa mục tiêu bảo tồn các di tích vào nội dung chiến lược xây dựng các thiết chế văn hóa, quy ước văn hóa xã, phường. BGĐ Sở chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của ngành phối hợp với các quận, huyện tiến hành khảo sát, thống kê các hạng mục xuống cấp của các di tích, qua đó lập dự án đầu tư sửa chữa, tu bổ một số di tích trong thời gian tới như: Nhà thờ họ Dương, An Nam Cộng sản Đảng, Mộ cụ Phan Văn Trị, Đình Bình Thủy và Chùa Nam Nhã.

Về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và công tác quản lý quảng cáo theo gợi ý kiểm điểm của BTV Thành ủy, đồng chí Trần Việt Phường cho biết, ngay sau đợt kiểm điểm theo NQTW4, BGĐ Sở đã chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình văn hóa các cấp; chỉ đạo các quận, huyện tổ chức liên hoan các mô hình văn hóa trên cơ sở, qua đó đã chọn những mô hình mới để nhân rộng; phối hợp với Sở Tài chính ban hành hướng dẫn sử dụng kinh phí hỗ trợ hoạt động xã, phường, thị trấn văn hóa. BGĐ Sở đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức được 11 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và công tác gia đình cho 972 người; tham mưu cho Thành ủy tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong lĩnh vực quảng cáo, BGĐ Sở đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Đề án quy hoạch quảng cáo phù hợp với quy định mới; vận động các doanh nghiệp quảng cáo đầu tư theo quy hoạch nhiều loại hình tuyên truyền, quảng cáo phong phú, đa dạng, qua đó đã lắp đặt được thêm nhiều màn hình led, pano hộp đèn, lắp dựng trụ phướn, nhất là pano tấm lớn trên tuyến đường dẫn cầu Cần Thơ, góp phần đưa công tác quảng cáo đi vào nề nếp. BGĐ Sở chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra về lĩnh vực quảng cáo. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2013 đã kiểm tra 64 lượt quảng cáo, qua đó phát hiện 3 cơ sở vi phạm, phạt tiền 6,5 triệu đồng; tháo dỡ 641 băng rôn, cờ phướn có nội dung quảng cáo treo trên cây xanh; tháo dỡ 17 pano tuyên truyền kèm quảng cáo không đúng quy định; tịch thu 6.950 tờ rơi phát tại các ngã tư giao lộ, làm trở ngại giao thông, gây mất mỹ quan đô thị...

Cùng với khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo gợi ý của BTV Thành ủy, BTV Đảng ủy và BGĐ Sở VHTT&DL Cần Thơ còn chú trọng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo 3 nội dung NQTW4. Theo đồng chí Phạm Văn Luận, Ủy viên BTV Đảng ủy, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở, trong đợt kiểm điểm theo NQTW4, BTV Đảng ủy và BGĐ Sở thẳng thắn đánh giá những hạn chế thuộc về trách nhiệm của BTV Đảng ủy và BGĐ Sở như: Từng lúc chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa sắc bén; việc triển khai quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa sâu, chưa kịp thời. Công tác cán bộ (CB) tuy có quan tâm, nhưng đến nay CB lãnh đạo của một vài phòng, ban chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc còn yếu, thiếu đã làm hạn chế đến hoạt động và hiệu quả công tác chuyên môn. Với quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm này, ngay sau kiểm điểm, BTV Đảng ủy và BGĐ Sở đã chú trọng việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng sát với tình hình thực tế của ngành, đơn vị; tăng cường nắm bắt diễn biến tư tưởng để kịp thời phát hiện ngăn ngừa, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực của CB, công chức, viên chức. BTV Đảng ủy và BGĐ Sở đã cử 14 đảng viên học lớp trung cấp và 2 cao cấp lý luận chính trị hành chính; xây dựng kế hoạch đưa 8 CB đi đào tạo thạc sĩ và 2 CB đi đào tạo tiến sĩ trong năm 2013 đã được UBND thành phố phê duyệt; đề bạt, bổ nhiệm 1 Phó Giám đốc Sở; bổ nhiệm 4 Trưởng, Phó phòng tương đương và điều động, bổ nhiệm 16 CB giữa các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. BTV Đảng ủy và BGĐ Sở đã rà soát xây dựng, bổ sung quy chế làm việc bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là quy định mối quan hệ giữa BTV Đảng ủy với BGĐ Sở trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của ngành; phân công, phân nhiệm rõ ràng từng thành viên trong BGĐ Sở nên các đồng chí Phó Giám đốc phụ trách mảng đã nêu cao ý thức trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các công việc thuộc lĩnh vực phụ trách, qua đó đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, tồn đọng. BTV Đảng ủy và BGĐ Sở duy trì tốt quy chế họp giao ban hàng tuần, tháng, quý đối với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở và phòng văn hóa thông tin, trung tâm văn hóa – thể dục thể thao các quận, huyện, qua đó kịp thời uốn nắn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của ngành…

Có thể thấy, những nỗ lực trong khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo NQTW4 của BTV Đảng ủy và BGĐ Sở VHTT&DL đã và đang góp phần tạo chuyển biến tích cực và toàn diện trên lĩnh vực quản lý nhà nước về VTTT&DL của thành phố.

 Bài, ảnh: ANH DŨNG

 

Chia sẻ bài viết