07/12/2021 - 21:58

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố

Tập trung những vấn đề dân sinh và phát triển kinh tế 

Chiều 7-12-2021, kỳ họp thứ 4 HÐND thành phố khóa X đã dành nhiều thời gian để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu HÐND thành phố đã chất vấn nhiều vấn đề được cử tri quan tâm; Thường trực UBND thành phố, các lãnh đạo sở, ngành trả lời đi vào trọng tâm cũng như đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, chủ tọa phiên họp, phát biểu điều hành phiên chất vấn. Ảnh: ANH DŨNG

* Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Thị Tuyết Nhung hỏi ngành giáo dục thành phố đã có kế hoạch, phương án gì trong việc tổ chức hoạt động vui chơi và giáo dục trẻ mầm non trong thời gian các cháu không được đến trường do ảnh hưởng dịch COVID-19? Theo đại biểu Tuyết Nhung, trẻ mầm non cần có người chăm sóc, không thể để trẻ ở nhà một mình. Do ảnh hưởng dịch bệnh, trẻ không thể đến trường, phụ huynh cũng phải ở nhà chăm sóc trẻ nên gặp khó khăn trong việc tham gia lao động sản xuất thời gian dài. Vậy, ngành giáo dục có phương án gì để trẻ đến trường mà vẫn đảm bảo an toàn?

Trả lời vấn đề này, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố kiêm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, cho biết: UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở mầm non chia sẻ những video, clip hướng dẫn phụ huynh thực hiện các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho các cháu sử dụng khi đến trường. Các trường phối hợp, trao đổi qua Zalo, Facebook, điện thoại nhằm kịp thời hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đồng thời thông tin về dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà. Về lộ trình, phương án cho trẻ mầm non đến trường, theo ông Dương Tấn Hiển, thành phố mới tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi; hơn 95% công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Thành phố đã có kế hoạch dự kiến cho trẻ đến trường học trực tiếp vào đầu năm 2022 và theo đó, trong tuần đầu của năm mới, cho trẻ lớp lá đến trường trước. Tuần thứ 2 thì các trẻ khác đến trường nhưng sẽ xem xét đảm bảo an toàn cho trẻ, giáo viên và gia đình cũng theo dõi sức khỏe của trẻ hằng ngày trước và sau khi đến trường. Trước khi cho trẻ đến trường, các trường sẽ tổng vệ sinh, khử khuẩn theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế và trường sẽ chia khu vực nhận trẻ, không để cha mẹ dẫn vào trường. Sát khuẩn cho trẻ trước khi vào lớp; hướng dẫn trẻ đảm bảo quy tắc an toàn khi vui chơi, học tập tại trường; nếu trẻ nghi nhiễm COVID-19, nhà trường đưa vào phòng cách ly, báo cáo ngay gia đình, tổ COVID-19 tại địa phương để kịp thời xử lý. Tuy nhiên, ông Hiển cũng chia sẻ kế hoạch là vậy nhưng nếu lúc đó dịch còn quá phức tạp thì xem xét lại để đảm bảo trẻ đến lớp phải an toàn.

Đại biểu HĐND thành phố chất vấn Thường trực UBND và thủ trưởng các sở, ngành thành phố những vấn đề cử tri quan tâm. Ảnh: ANH DŨNG

* Quan tâm giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế

Đại biểu HĐND thành phố Trần Văn Đạt nêu thực trạng nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm giá mạnh, gây thiệt hại cho người sản xuất, trong khi đó người tiêu dùng phải mua với giá cao hoặc giá giảm không đáng kể. Điều đó cho thấy sự bất bình đẳng giữa lợi ích của người sản xuất với lợi ích của người tổ chức phân phối. "Sở Công Thương đánh giá vấn đề này như thế nào và có giải pháp gì để thực hiện trong thời gian tới?" - đại biểu Trần Văn Đạt hỏi.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố, nêu một số giải pháp ngành đã thực hiện, trong đó có kết nối các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố để tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để sản xuất sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của các siêu thị; hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận vốn; kết nối với thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ nông sản cho bà con; xây dựng sàn thương mại điện tử… Đối với vấn đề này, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, lưu ý: Việc tiêu thụ nông sản phải nhìn rộng ra, có mối liên kết để tiêu thụ chứ không phải chỉ tiêu thụ cho hệ thống siêu thị. Ngành cần có cái nhìn toàn diện, có giải pháp căn cơ, gắn sản xuất với tiêu thụ để có khuyến khích, khuyến cáo đối với sản xuất của người dân.

Về các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, cho biết: Trước hết là phải quản lý và kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với giải pháp đầu tiên chính là cơ chế về tài chính (gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ). Về chính sách tài khóa, thành phố áp dụng đầy đủ các quy định của Trung ương; chính sách về tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng như cho vay phục hồi sản xuất... Bên cạnh đó, thành phố cũng tạo nguồn lao động phục vụ cho các doanh nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác và nguồn hàng… để đẩy mạnh xuất khẩu. Thành phố quan tâm tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị…

Đồng chí Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp. Ảnh: X.ĐÀO

Đối với vấn đề thu tiền sử dụng đất các dự án trên địa bàn, ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, trả lời: Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc về định giá đất. Để tháo gỡ khó khăn này, ngành xin ý kiến các bộ liên quan hướng dẫn về định giá đất cụ thể để thu tiền sử dụng đất. Ông Thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của ngành, trong đó có năng lực của đội ngũ cán bộ chưa thực hiện hết chức năng nhiệm vụ, ngán ngại, chưa nghiên cứu được phương pháp… "Ngành xin nhận trách nhiệm sẽ tiếp tục tích cực tham mưu để tăng thu tiền sử dụng đất" - ông Thảo nói.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND thành phố cũng đặt vấn đề về việc thực hiện Đề án khai thác quỹ đất thành phố; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp; tình trạng hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng; nhiều nhà đầu tư thực hiện dự án công trình chậm nhưng xử lý chưa kiên quyết; việc đánh số nhà một số nơi chưa chặt chẽ, gây khó cho người dân trong thực hiện các giao dịch; tiến độ và giải pháp thực hiện công tác quy hoạch tích hợp thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian tới… Các đại biểu cũng nêu câu hỏi về những vấn đề cụ thể: việc dừng đầu tư công viên và đường sau kè nằm trong dự án kè sông Cần Thơ; việc bàn giao các dự án ODA trên địa bàn quận Ninh Kiều cho địa phương quản lý; hiệu quả quản lý F0 tại nhà; giải pháp nâng cao chất lượng y tế xã, phường…

Thường trực UBND và lãnh đạo các sở ngành đã trả lời, làm rõ những vấn đề nêu trên. Điều hành phiên chất vấn, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, chủ tọa kỳ họp, mong UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ngành thành phố đánh giá đúng các vấn đề cử tri cũng như đại biểu HĐND thành phố đã đặt ra để xác định trách nhiệm của các ngành, các cấp, kỷ luật, kỷ cương hành chính và chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là cố gắng thực hiện tốt các lời hứa.

THANH THY

Chia sẻ bài viết