05/10/2018 - 22:04

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch HĐND Thành phố:

Tập trung lực lượng ứng phó lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân 

(CT)- Ngày 5-10-2018, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Hiểu  đến khảo sát thực tế công tác phòng chống lũ lụt, bảo vệ đê bao, sạt lở tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra trạm bơm cứu lúa tại huyện Vĩnh Thạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại các đoạn đê bao xung yếu ở huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ; các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao tại cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt), cồn Sơn (quận Bình Thủy), điểm sạt lở tại sông Ba Láng (phường Ba Láng, quận Cái Răng). Qua khảo sát cho thấy, hiện nay mực nước đo được tại trạm bơm Thạnh An  trên 1,34 m, cao hơn đỉnh lũ của năm 2017 là 0,3 m và xấp xỉ mực nước lũ cao nhất đầu tháng 9-2018. Tại các đoạn đê xung yếu, điểm sạt lở tại các cồn trên sông Hậu, phường Ba Láng cũng được địa phương gia cố, nâng cao bờ bao, đóng cừ tràm, dừa, bạch đàn bảo vệ khu vực sạt lở... Còn khoảng một tuần nữa trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ diễn ra đợt triều cường kết hợp nước lũ đổ về (đầu tháng 9 âm lịch), dự báo mực nước trên sông Hậu, các sông rạch địa bàn thành phố sẽ lên cao từ 2m đến 2,05m (cao hơn báo động III từ 0,1m đến 0,15m). Dự báo, trong thời gian này nếu trời mưa lớn, mực nước sẽ dâng cao hơn, khả năng gây tràn bờ, sạt lở, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất của người dân...

Đồng chí Phạm Văn Hiểu chỉ đạo các địa phương tập trung quyết liệt công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt,  tập trung bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân,  tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn để chủ động ứng phó; rà soát và tiếp tục gia cố kịp thời các đoạn đê, đập có nguy cơ tràn, vỡ; phân công lực lượng trực ứng phó và giám sát các trạm bơm chủ động rút nước, tiêu úng bảo vệ sản xuất cho người dân; bố trí sẵn sàng và đầy đủ các phương tiện cơ giới để thu hoạch nhanh các trà lúa chín sớm, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa nước nổi; mở đồng đón lũ đối với ruộng lúa thu đông đã thu hoạch để tẩy rửa mầm bệnh, hứng lấy phù sa, đảm bảo sản xuất vụ lúa đông xuân tiếp theo đạt hiệu quả cao...

Tin, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết