Sáng 9-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Mã Điều Cư (Quảng Ngãi) khẳng định mô hình Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là minh chứng cụ thể cho bước đổi mới căn bản trong phương thức quản lý doanh nghiệp của Việt Nam. Đó là cách quản lý hành chính và quản lý kinh doanh nhà nước không còn can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp mà thông qua người đại diện tham gia quản trị doanh nghiệp theo đúng Luật Doanh nghiệp và quy tắc thị trường.
Đại biểu đã nêu bật những lợi thế mà các TĐ, TCT đang được hưởng đó là được khai thác độc quyền nguồn tài nguyên của đất nước (xăng, dầu, điện, than..) và khẳng định từ đặc quyền này dẫn đến độc quyền trong hàng hóa dịch vụ như giá bán điện, xăng dầu đều do các TĐ,TCT phân phối. Cùng với đó các TĐ,TCT được đặc quyền về vốn, được nhà nước rót vốn và hỗ trợ tối đa. Tuy nhiên đại biểu nêu thực trạng các TĐ, TCT có số vốn thực rất ít, phần lớn là vốn vay ngân hàng trong đó sử dụng đầu tư tràn lan vào những ngành nghề khác. Trong khi đó tỷ lệ lợi nhuận bình quân hằng năm của các TĐ, TCT lại không được công khai minh bạch nên khó biết chính xác hiệu quả thực của việc sử dụng vốn nhà nước tại các TĐ,TCT.
Từ những phân tích này, đại biểu Mã Điều Cư kiến nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét thành lập một cơ quan ngang bộ chuyên trách quản lý quyền sở hữu nhà nước ở khu vực TĐ, TCT, đủ năng lực, đủ thẩm quyền và vị thế chính trị, không liên quan đến việc quản lý nhà nước. Cơ quan này sẽ thực hiện vai trò giám sát và công khai hóa những hoạt động của TĐ, TCT. Để có khung pháp lý cho cơ quan này hoạt động, Chính phủ cần ban hành Nghị quyết về quản lý đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.
Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng cần xem xét lại việc các TĐ, TCT đầu tư, kinh doanh vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Để tránh tình trạng đa dạng hóa ngành nghề một cách tràn lan trong các TĐ, TCT, đại biểu Mã Điều Cư đề nghị mỗi một doanh nghiệp phải có 1 lĩnh vực kinh doanh chuyên sâu trước khi mở rộng qua ngành nghề khác; lĩnh vực mở rộng phải có liên hệ với ngành sản xuất, kinh doanh chính.
Qua phân tích hoạt động của các TĐ, TCT, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cần có một đạo luật về quản lý, kinh doanh vốn nhà nước. Điều này càng thực sự cần thiết vì vào 1-7-2010, Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực, tất cả các loại hình doanh nghiệp đều tuân thủ một luật thống nhất - Luật Doanh nghiệp. “Tôi cho sẽ là một bất cập lớn, một khoảng trống lớn khi một khoản vốn của nhà nước lên tới 30 tỉ USD mà lại chưa có luật kinh doanh vốn nhà nước” - đại biểu nhấn mạnh và khẳng định có Luật thì vốn của nhà nước mới được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả.
* Chiều 9-11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty Nhà nước (TCTNN).
Đại biểu Phạm Văn Sướng (Long An) cho rằng cần đi sâu hơn vào các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan làm hạn chế, bất cập trong ban hành các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách quản lý vốn tài sản Nhà nước và nhất là tình hình quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại các TĐ, TCTNN. Việc tổ chức thực hiện giám sát còn nhiều bất cập. Nhiều TĐ, TCT đầu tư trái nghề, hiệu quả kinh tế thấp, để thua lỗ triền miên chậm xử lý khắc phục, sử dụng đất đai sai trái, kém hiệu quả. Quốc hội cần nhận trách nhiệm trong vấn đề thực hiện giám sát thực hiện việc này. Kết quả xử lý đối với các cá nhân vi phạm như thế nào cũng chưa được nêu rõ trong báo cáo. Báo cáo cũng nêu rõ thu nhập bình quân đầu người ở các TĐ, TCT năm sau cao năm trước, nhưng chưa phân tích so sánh về thu nhập của những người quản lý ở các TĐ, TCT và người lao động, đặc biệt là tại những đơn vị làm ăn thua lỗ kéo dài.
Đại biểu Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) kiến nghị khi thực hiện việc tái cấu trúc nền kinh tế, cần phân ra hai loại DN: Loại thứ nhất là các DN thực hiện các chính sách an sinh xã hội và thứ hai DN kinh doanh thuần túy. Các DN kinh doanh thuần túy được hưởng rất nhiều ưu đãi của Nhà nước. Đại biểu đề xuất đối với các DN thực hiện an sinh xã hội, chúng ta có thể không thu lãi thông qua cổ tức hoặc thu ở mức thấp còn đối với các DN kinh doanh thuần túy cần thu lãi thông qua cổ tức để tạo được sự bình đẳng các thành phần kinh tế.
Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Qua ý kiến của 34 đại biểu, trong đó có 2 Bộ trưởng cho thấy các đại biểu nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ, TCTNN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất đề nghị trong thời gian tới, cần xử lý dứt điểm một số TĐ, TCT lỗ lớn, khéo dài, không khắc phục được. Nếu cần cho phá sản và xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý đúng theo pháp luật. Chính phủ cũng cần nghiên cứu một đầu mối chủ trì quản lý, theo dõi, kiểm soát vốn nhà nước tại DN Nhà nước. Phân cấp rõ ràng giữa các bộ, ngành với nhau, giữa các bộ ngành Trung ương và địa phương về cả quyền và trách nhiệm trong quản lý nhà nước về vốn nhà nước tại các DN nhà nước. Cần có quy định của pháp luật và phải thực hiện đúng trên thực tế các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh của các DN nhà nước trên cơ sở các tiêu chí được xác định rõ ràng. Riêng với mô hình SCIC, cần có luật điều chỉnh để phù hợp với tính đặc thù của mô hình kinh tế này, để không trở thành một cấp trung gian.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên kết luận: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi và xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc có ra Nghị quyết về việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ, TCTNN hay không. Trên cơ sở đó để xây dựng dự thảo Nghị quyết để Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.
NHÓM PV TTXVN