Thời gian qua, người dân có yêu cầu thực hiện thủ tục đăng ký lại khai sinh khá lớn, để bổ sung hồ sơ thực hiện việc cấp đổi căn cước công dân gắp chip hoặc thực hiện các hồ sơ, thủ tục có liên quan về đăng ký đất đai hoặc khai nhận di sản thừa kế. Bà con phấn khởi vì thủ tục thực hiện đơn giản và liên thông nên không mất nhiều thời gian, công sức...

Bà Bông vui mừng khi hoàn thành thủ tục đăng ký lại giấy khai sinh.
Bà Nguyễn Thị Tím, ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, vừa hoàn tất thủ tục đăng ký lại khai sinh. Bà Tím cho biết: “Trước đây, cha mẹ tôi có đăng ký khai sinh cho tôi nhưng đã hơn 40 năm trôi qua, tôi không còn lưu giữ giấy đăng ký khai sinh. Nay tôi có nhu cầu đăng ký lại khai sinh để làm thủ tục cấp đổi căn cước công dân gắn chip”.
Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cả gia đình bà Tím rời quê, đến tỉnh Bình Dương làm công nhân. Do cần phải làm căn cước công dân gắn chip nên bà Tím thu xếp công ăn chuyện làm, tranh thủ về quê làm lại giấy khai sinh. Bà Tím vui vẻ nói: “Giờ đây, hồ sơ, thủ tục hành chính được niêm yết công khai, minh bạch, người dân dễ dàng thực hiện. Theo hướng dẫn của công chức Tư pháp - Hộ tịch phường, tôi đến Bộ phận Một cửa quận trích lục hộ tịch. Nhận kết quả trích lục, tôi đến Bộ phận Một cửa phường để đăng ký lại khai sinh. Sau 5 ngày làm việc, tôi nhận được giấy đăng ký khai sinh. Sau đó, tôi đến Công an quận thực hiện thủ tục cấp đổi căn cước công dân gắn chip”. Theo bà Tím, điều bà hài lòng nhất là thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách Bộ phận Một cửa. Hoàn tất hồ sơ, bà Tím chọn dịch vụ chuyển phát kết quả tận nơi theo yêu cầu để đỡ mất thời gian, công sức đi lại.
Bà Lê Thị Bông ở phường Thới An, quận Ô Môn, cũng vừa hoàn thành thủ tục đăng ký lại khai sinh. Bà Bông năm nay gần 80 tuổi, việc đi lại gặp khó khăn. Ðể bổ sung hồ sơ khai nhận di sản thừa kế, bà liên hệ với Bộ phận Một cửa phường Thới An làm thủ tục. Bà Bông phấn khởi nói: “Lúc trước, tôi nghĩ thủ tục làm lại giấy khai sinh khó khăn, nên còn chần chừ. Nay đi làm lại giấy khai sinh mới thấy thủ tục đơn giản, không khó như mình nghĩ”.
Nguyên quán bà Bông ở xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cũ, nay thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Khi trưởng thành, bà lập gia đình, trực tiếp sinh sống bên chồng, ở phường Thới An, quận Ô Môn. Ông Lê Võ Tâm, Chủ tịch UBND phường Thới An, cho biết: “Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký lại khai sinh của bà Bông, công chức Tư pháp - Hộ tịch đã tham mưu UBND phường ban hành công văn gởi UBND phường Phú Thứ; Phòng Tư pháp quận Cái Răng về thông tin lưu trữ hồ sơ đăng ký hộ tịch của bà Bông, gồm tờ khai và tờ cam đoan. Sau đó, Phòng Tư pháp quận Cái Răng có thông tin phản ánh về việc không còn lưu trữ thông tin. Căn cứ cơ sở đó, công chức Tư pháp - Hộ tịch phường tham mưu và UBND phường ký cấp giấy đăng ký khai sinh cho bà Bông theo quy định”.
UBND phường Thới An bố trí 2 biên chế chuyên trách thực hiện công tác Tư pháp - Hộ tịch. Hằng năm, 2 công chức này đều được tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ hộ tịch, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là việc sử dụng thành thạo tin học trong công tác đăng ký khai sinh. Ông Lê Võ Tâm cho biết: “Ðây là cơ sở quan trọng để phường triển khai thực hiện tốt Nghị định số 87/2020/NÐ-CP ngày 28-7-2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, Ðề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung có hiệu quả trong công tác đăng ký khai sinh trên địa bàn phường. Bên cạnh đó, UBND phường còn tập trung phổ biến Luật Hộ tịch trên Ðài Truyền thanh phường; lồng ghép các nội dung của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn trên mạng lưới truyền thanh cơ sở đến các tầng lớp nhân dân trong phường. Trong đó, tập trung tuyên truyền việc thực hiện liên thông các thủ tục đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất/hưởng mai táng phí, tại địa phương”.
Hiện nay, khối lượng công việc của công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp phường trong giải quyết thủ tục này rất nhiều. Bên cạnh đó, còn phải quản lý 4 phần mềm: đăng ký quản lý hộ tịch, dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử, chứng thực bản sao điện tử. Ðồng thời vừa theo dõi trực tuyến, vừa tham gia nhập hồ sơ trên các phần mềm và thực hiện hồ sơ giấy. Do đó, công chức Tư pháp - Hộ tịch phải không ngừng nỗ lực, cẩn thận trong việc kiểm tra và trả kết quả; đảm bảo đúng tiến độ công việc, để không có hồ sơ trễ hạn…
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG